Facebook ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện người muốn tự tử | |
'Hành trình' thành chuyên gia trí tuệ nhân tạo của cậu bé 14 tuổi | |
[CES 2018] Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi thế giới |
Hiện tại, nhiều hãng công nghệ trên thế giới đã và đang phát triển các chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo hướng vào nhiều khía cạnh khác nhau của lĩnh vực y dược học.
Ứng dụng rõ ràng nhất của AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là quản lý thông tin, trong đó việc thu thập, lưu trữ, chuẩn hóa và theo dõi đường đi của thông tin là bước đầu tiên trong công cuộc cách mạng hóa hệ thống y tế hiện nay. Mới đây, nhánh nghiên cứu AI của hãng công nghệ Google đã khởi động Dự án Google Deepmind Health đã khai thác các dữ liệu hồ sơ bệnh án để giúp cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhanh hơn và tốt hơn. Dự án này cũng đã hợp tác với quỹ Moorfields Eye Hospital NHS Foundation Trust nhằm cải thiện việc trị liệu các bệnh về mắt.
Hãng công nghệ IBM Watson đã khởi động một chương trình đặc biệt, có tên là Watson for Oncology, cung cấp cho các bác sĩ điều trị ung thư những lựa chọn trị liệu khác nhau dựa trên chứng cứ. Chương trình này có khả năng phân tích ý nghĩa và văn cảnh của các dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc dưới dạng các lưu ý và báo cáo lâm sàng, sau đó kết hợp các thông tin từ bệnh nhân với dữ liệu của các nghiên cứu bên ngoài và đánh giá của chuyên gia lâm sàng để xác định những chiến lược trị liệu tiềm năng đối với mỗi bệnh nhân.
Trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe con người. |
Hãng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và tư vấn y tế trực tuyến Babylon của Anh đã phát triển một ứng dụng tư vấn y tế sử dụng công nghệ AI dựa trên tiền sử bệnh của cá nhân và các kiến thức y khoa thông thường. Sau khi nhận được báo cáo về triệu chứng của bệnh tật thông qua công nghệ nhận diện giọng nói, ứng dụng này sẽ tiến hành kiểm tra chúng trên cơ sở dữ liệu và đề xuất cách thức xử trí thích hợp sau khi xem xét đến tình trạng và tiền sử của bệnh nhân. Ngoài ra, ứng dụng này còn có chức năng nhắc nhở người bệnh uống thuốc, theo dõi và phát hiện những cảm nhận của bệnh nhân.
Molly là ứng dụng điều dưỡng ảo đầu tiên trên thế giới được phát triển bởi hãng Sensely, được thiết kế với giao diện người dùng thân thiện bao gồm một hình ảnh khuôn mặt cười đáng yêu và giọng nói dễ chịu nhằm giúp theo dõi bệnh trạng và tình hình điều trị của bệnh nhân. Ứng dụng này sử dụng thuật toán học để cung cấp cho các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính những cách thức theo dõi bệnh trạng và tình hình điều trị đã được chứng minh và riêng biệt cho từng bệnh nhân. Ngoài Molly, một ứng dụng tương tự khác cũng đã được phát triển với sự hỗ trợ của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đó là AiCure.
Trí tuệ nhân tạo sẽ có rất nhiều tác động đến di truyền cũng như bộ gene con người. Dự án Deep Genomics được phát triển với mục đích xác định những mẫu thức trong khối thông tin khổng lồ về di truyền và các bệnh án để tìm kiếm các đột biến có liên hệ với bệnh tật. Dự án này đang phát minh một thế hệ công nghệ điện toán mới có thể giúp các bác sĩ biết được điều gì sẽ xảy ra bên trong tế bào khi phân tử ADN bị thay đổi do đột biến (tự nhiên hoặc do trị liệu). Ngoài ra, Craig Venter, cha đẻ của Dự án Bộ gene người, cũng đang phát triển một thuật toán nhằm thiết kế các đặc tính thể chất của bệnh nhân dựa trên ADN. Với ứng dụng mới nhất là Human Longevity, bệnh nhân có thể được cung cấp đầy đủ thông tin về toàn bộ bộ gene đã được giải trình tự, kèm theo đó là những thông tin về kiểm tra y tế rất chi tiết cũng như hình ảnh quét toàn bộ cơ thể. Toàn bộ quá trình này sẽ chỉ ra được các bệnh lý ung thư hay mạch máu ở bệnh nhân trong những giai đoạn rất sớm.
Trong lĩnh vực phát minh thuốc, thử nghiệm lâm sàng là khâu tốn kém về mặt thời gian và tiền bạc nhất đối với các hãng dược phẩm. Với sự hỗ trợ của AI, vấn đề này hiện có thể được giải quyết một cách đơn giản hơn. Việc sử dụng siêu máy tính trong tìm kiếm các thuốc điều trị, từ cơ sở dữ liệu các cấu trúc có sẵn thông qua sàng lọc ảo bằng ứng dụng công nghệ AI, đã giúp hãng dược phẩm Atomwise có thể thu được những chất được dự đoán có hoạt tính kháng virus Ebola, với thời gian phân tích rút ngắn lại chỉ trong vòng không quá 1 ngày, thay vì là hàng tháng đến hàng năm.
Một ví dụ khác về ứng dụng AI trong quản lý bệnh nhân và phát minh thuốc là ở hãng dược phẩm sinh học Berg Health. Hãng này đã sử dụng công nghệ khai thác dữ liệu để tìm ra nguyên nhân vì sao có một số người lại có thể sống sót khi bị mắc một số bệnh nào đó và do đó giúp cải thiện các chiến lược trị liệu hiện có cũng như tạo ra những phương thức trị liệu mới. AI còn được sử dụng phối hợp với dữ liệu về sinh học của chính bệnh nhân để hiển thị sự khác nhau giữa các môi trường nhằm giúp ích trong phát minh và phát triển thuốc, chẩn đoán bệnh tật và chăm sóc sức khoẻ.
Việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong các ứng dụng của ngành y tế là việc không thể chần chừ. Đây là xu thế tất yếu của thời đại. Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ rất nhiều trong công tác chẩn đoán điều trị. Trong tương lai không xa, với sự phát triển của một hệ sinh thái AI mở được kiểm soát bởi những chính sách thích hợp. Những ứng dụng của AI sẽ còn đa dạng hơn nữa và sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho cuộc sống và sức khoẻ của con người.