Trong quan niệm của đa số người dân, BĐS là một trong số ít kênh đầu tư rất được quan tâm bất chấp hoàn cảnh. Điều đó xuất phát từ nhu cầu thực của thị trường khi con người tăng thêm mà đất đai không nở ra được. BĐS do đó thường là tài sản lớn và có khả năng sinh lời không nhỏ.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, BĐS cũng không thoát được vòng xoáy do Covid-19 gây ra. Dịch bệnh đã tác động rất tiêu cực đến nguồn cầu tưởng rất bền vững, giờ là lúc người dân tập trung cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, "tiền mặt" được đặt lên hàng đầu.
Chính vì vậy, BĐS không thể miễn nhiễm, và nếu tình huống xấu xảy ra sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền. Điều này có thể gây tổn hại đáng kể đến hệ thống tài chính và rất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Võ Trí Thành dẫn chứng, BĐS nghỉ dưỡng (condotel) lập tức "chết lâm sàng" vì không có khách du lịch. BĐS cho thuê cũng vắng khách, thậm chí vừa rồi Vincom phải hỗ trợ 300 tỉ đồng cho đối tác thuê TTTM. BĐS nhà ở vốn ít ảnh hưởng thì hiện rất nhiều dự án chuẩn bị ra hàng đã dừng vì không chạy được các chiến dịch quảng bá bán hàng.
Điều này cũng trùng khớp với nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea), đơn vị vừa phát đi Kiến nghị xin gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ứng phó và vượt qua khó khăn trước thách thức của đại dịch COVID-19 ngày 24/3 vừa rồi.
Theo Vnrea, sự sụt giảm về mặt thu nhập còn khiến những khách hàng đã hoặc có ý định sử dụng nguồn tiền vay ngân hàng để đầu tư vào bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị ngân hàng "bác đơn" vì không còn nguồn thu nhập hoặc thu nhập sụt giảm.
Các doanh nghiệp bất động sản hầu như không có thêm khách hàng kí hợp đồng mới trong các tháng qua.
"Năm 2019 vốn đã khó cho BĐS do thị trường trầm lắng hơn. Hiện doanh nghiệp BĐS càng gặp khó tứ bề, thiếu doanh thu trong khi phải chịu quá nhiều áp lực chi phí', ông Thành khẳng định.
BĐS là ngành vốn lớn, chiểm tỉ trọng không nhỏ trong GDP, lại trực tiếp liên quan đến xây dựng, nhiều ngành sản xuất (thép, xi măng,...) cũng như dịch vụ (xây lắp, tài chính ngân hàng, du lịch, phân phối,…), có tính "đầu kéo" cao trong các chuỗi giá trị.
Đằng sau đó là dòng tiền, lao động, thương mại, đầu tư... do đó, các chuyên gia kinh tế đều lo ngại, sự đi xuống của BĐS sẽ kéo theo hiệu ứng dây chuyền tiêu cực.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đề xuất giải pháp cụ thể là xin gia hạn thời gian nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân) và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp bất động sản từ 5 tháng lên 1 năm.
Thực tế, so với nhiều ngành khác như du lịch, hàng không, chứng khoán… BĐS là ngành "kêu cứu" muộn nhất, khi đã oằn lưng mà không tải nổi khó khăn.
Dưới góc độ tổng thể của một chuyên gia kinh tế, ông Võ Trí Thành cho rằng bên cạnh đề xuất mang tính cấp cứu của Vnrea thì có mấy việc Chính phủ có thể làm ngay cho các doanh nghiệp, trong đó bao gồm BĐS, cụ thể:
Đẩy nhanh việc hoãn, giãn, kéo dài thời gian nộp VAT, tiền thuê đất, một số loại phí, BHXH; thời gian trả nợ, giảm lãi suất, khoanh nợ và không thay đổi nhóm nợ cho các doanh nghiệp.
Việc giảm một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước dần tạo mặt bằng lãi suất cho vay ít nhiều thấp hơn sẽ là tín hiệu tích cực. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại trong gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỉ đồng của mình, nên rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay thuận lợi cho khách hàng, trong đó có nhóm BĐS.
Hai là thúc đẩy giải ngân, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng. Dự toán ngân sách đầu tư công năm nay cùng khoản chưa giải ngân được của năm 2019 lên tới 600.000 tỉ đồng. Không chỉ BĐS mà nhiều ngành khác cũng có thể tận dụng được đà thúc đẩy phát triển hạ tầng này. Đây cũng nền tảng rất tốt để phát triển đô thị, BĐS trong tương lai.
Ngoài ra, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường BĐS phát triển minh bạch, bền vững. Điều này liên quan đến các văn bản pháp lý về đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS… Phát triển các định chế tài chính hỗ trợ BĐS cùng một chính sách tín dụng thích hợp cũng là đòi hỏi không kém phần cấp thiết.
"Chính phủ không chỉ nỗ lực giảm khó khăn cho sản xuất kinh doanh hiện nay mà còn có những giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn khi dịch bệnh qua đi. Là ngành có tính "đầu kéo", BĐS sẽ là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong vực dậy nền kinh tế sau dịch bệnh. BĐS phát triển kéo theo một hệ sinh thái đi kèm phát triển, với hàng nghìn doanh nghiệp và hàng chục vạn người lao động thuộc nhiều lĩnh vực", ông Thành hy vọng.
Với chủ trương "không bỏ ai lại sau lưng", Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị 11 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, với tư cách là điểm kích hoạt của cả hệ sinh thái tài chính – dịch vụ, các doanh nghiệp BĐS vẫn hi vọng vào sự trợ sức để đứng vững qua cơn bão.