Chuyên môn trọng tài VFF có vấn đề
Ngay ở 3 vòng đấu đầu tiên của V.League 2019, đã có 3 trọng tài (Trương Hồng Vũ, Nguyễn Ngọc Châu, Trần Đình Thịnh) cùng trợ lý trọng tài Nguyễn Trung Hậu bị tạm đình chỉ làm nhiệm vụ do mắc lỗi nhận định sai, hành xử không đúng luật.
Đến vòng đấu thứ 4, trọng tài Nguyễn Trọng Thư công nhận bàn thắng của Wander Luiz được cho là lấy tay khống chế bóng trước khi ghi bàn trong sự phản ứng kịch liệt của các cầu thủ Viettel. Còn vòng đấu thứ 5, đến lượt trọng tài Trần Trung Hiếu mắc sai lầm hy hữu khi rút nhầm thẻ đỏ trận đấu giữa Hải Phòng và SHB Đà Nẵng.
Trước tiên, vấn đề cần nói đến là các sai lầm của trọng tài từ lỗi nhận định nằm ở trình độ chuyên môn và khả năng đọc tình huống, góc quan sát. Tuy nhiên, đến tình huống hành xử không đúng luật của trọng tài Trần Đình Thịnh trận Hà Nội - Viettel ở vòng 3 V.League thì khó chấp nhận.
Cụ thể, thủ thành Văn Công đứng trên vạch vôi tới 1m khi cầu thủ Viettel thực hiện quả sút 11m. Còn đến trường hợp rút nhầm thẻ đỏ cho cầu thủ của trọng tài Trần Trung Hiếu, nhiều người cho rằng vị này như đang “mơ ngủ”.
Một điểm chung của các trọng tài mắc sai lầm này, đều là những người có nhiều kinh nghiệm hoặc được đánh giá tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, 3/4 trọng tài bị kỷ luật ở 3 vòng đầu tiên, có hai người vừa được công nhận FIFA trong năm 2019 là Trương Hồng Vũ và Trần Đình Thịnh, còn trọng tài Nguyễn Trung Hậu có thâm niên là trợ lý trọng tài FIFA từ mùa bóng 2014. Trọng tài Nguyễn Ngọc Châu từng đoạt danh hiệu Còi vàng Việt Nam ở mùa giải 2016.
Trọng tài Nguyễn Trọng Thư từng được xem là con nhà nòi và có thâm niên, kinh nghiệm lâu năm của V.League cũng gặp phải những vấn đề chuyên môn khá sơ đẳng. Trọng tài Thư đã không thể theo kịp được tình huống. Điều này khiến nhiều người nhớ đến sự kiện trọng tài Thư trượt bài kiểm tra thể lực giữa mùa giải 2017 và mắc hàng loạt sai lầm nhưng vẫn là người điều hành ở V.League.
VAR có làm sạch V.League?
Theo Ban điều hành V.League 2019, đơn vị này sẽ áp dụng công nghệ VAR từ lượt về của mùa giải. Thực tế, nhiều lần Chủ tịch kiêm TGĐ VPF Trần Anh Tú từng rất gay gắt và muốn cải thiện công tác trọng tài, tuy nhiên Ban trọng tài hoạt động độc lập và việc can thiệp vào vấn đề phân công, điều hành là không thể.
Chuyện VPF nhiều lần đề xuất Ban trọng tài VFF mời trọng tài ngoại cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Nhìn lại những sai sót của trọng tài Việt Nam, thật khó để đảm bảo rằng, VAR sẽ giải quyết được mọi việc khi vấn đề nổi cộm đang nằm ở năng lực chuyên môn của những trọng tài. Nên nhớ rằng, VAR được áp dụng ở các giải đấu lớn trên thế giới, chỉ để hỗ trợ trọng tài trong những tình huống mà các vị Vua không thể làm chủ được vì ngoài tầm kiểm soát.
Còn ở Việt Nam, VAR nhiều khả năng sẽ không còn là công cụ hỗ trợ mà biến thành vật sửa sai và nhắc luật cho các trọng tài. Và cũng nên nhớ rằng, chúng ta áp dụng VAR sẽ không có hệ thống tối tân như thế giới, tất cả đều phải “liệu cơm gắp mắm”, hay nói đúng hơn là “nhà nghèo” dùng VAR.
Chính vì vậy, vấn nạn trọng tài V.League nếu không được giải quyết mang tính căn cốt từ khâu tuyển chọn, đào tạo, dù có VAR hiện đại thì bóng đá Việt vẫn loạn vì “Vua”.
Câu chuyện về sự trở lại của trọng tài Công Khanh sau khi đã xin nghỉ đi làm bảo vệ cũng là điều đáng suy ngẫm. Ở đây không bàn chuyện đúng sai thủ tục phân công các trọng tài của Ban trọng tài VFF. Thế nhưng, với một người đã nghỉ, chuyển sang nghề khác nhưng vẫn được mời lại- đó là hồi chuông báo động cho chất lượng trọng tài V.League. Phải chăng chúng ta không có thế hệ kế cận đủ tốt hoặc vấn đề trọng tài vẫn còn những góc khuất quan hệ?