Trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ: Nằm ở 'Thung lũng Silicon' của Hà Nội, đón quy hoạch metro và đường trên cao

Trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ nằm trong khu vực được nhiều người ví là "Thung lũng Silicon" của Hà Nội. Nơi đây được quy hoạch giao thông thuận lợi, trong đó có tuyến metro và đường trên cao kết nối các trục đường huyết mạch của thành phố.
Trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ: Nằm giữa 'Thung lũng Silicon' của Hà Nội, sẽ có tuyến metro chạy qua - Ảnh 1.

Phối cảnh trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ. (Ảnh: EYP Architecture & Engineering).

Chiều ngày 25/8, tại khách sạn JW Marriott (Hà Nội) đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận cho thuê đất xây dựng trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.

Tham dự sự kiện này có Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Đại biện lâm thời Mỹ Christopher Klein; phía Việt Nam có Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Thông tin từ EYP Architecture & Engineering - đơn vị phụ trách kiến trúc, thiết kế dự án, khu phức hợp đại sứ quán mới của Mỹ sẽ nằm giữa đường Phạm Văn Bạch và công viên Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Diện tích của khu phức hợp này khoảng 3,2 ha, với quy mô xây dựng khoảng 39.000 m2, tổng ngân sách dự án là 1,2 tỷ USD (hơn 27.222 tỷ đồng).

Về ranh giới, phía đông bắc khu đất giáp Công viên Cầu Giấy; phía tây bắc giáp tòa nhà FPT Tower; phía tây nam giáp đường Phạm Văn Bạch và trụ sở Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện Huyết học Trung ương; phía đông nam giáp trụ sở Báo Lao động và chung cư Luxury Park Views.

Trên thực tế, ở Hà Nội vẫn có một số khu vực được các quốc gia lựa chọn đặt trụ sở đại sứ quán, đơn cử như khu Ngoại giao đoàn hay khu vực xung quanh hồ Tây. Vậy, điều gì đã khiến khu đất trên đường Phạm Văn Bạch được cơ quan ngoại giao của Mỹ lựa chọn?

Khu đất 'đắc địa' cho một cơ quan ngoại giao

Trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ: Nằm giữa 'Thung lũng Silicon' của Hà Nội, sẽ có tuyến metro chạy qua - Ảnh 3.

Công viên Cầu Giấy và khu đất sẽ xây dựng trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ (màu đỏ). (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Với tính chất đặc thù của đại sứ quán, có thể thấy việc kết nối thuận tiện với sân bay là điều được ưu tiên hàng đầu. Với tiêu chí này, khu đất trên đường Phạm Văn Bạch có lợi thế rõ rệt so với đại sứ quán hiện tại ở số 7 Láng Hạ.

Cụ thể, trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ cách đường Phạm Hùng (Vành đai 3) hơn 1 km, từ đây có thể chạy thẳng cung đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long để di chuyển đến sân bay Nội Bài. 

Trong khi đó, khu đất số 7 Láng Hạ nằm sâu trong nội đô, việc di chuyển đến sân bay là phức tạp hơn. Chưa kể, những con đường xung quanh như Láng Hạ hay La Thành lại có bề ngang tương đối hẹp, lưu lượng giao thông lớn.

Tiếp đến, như đã đề cập ở trên, sự kiện hôm 25/8 vừa qua được tổ chức tại khách sạn JW Marriott. Khách sạn 5 sao này là địa điểm nghỉ ngơi quen thuộc của những chính khách nổi tiếng trên thế giới khi đến Việt Nam như Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình...

JW Marriott được hoàn thành vào năm 2013, quy mô 9 tầng, nằm trên đường Đỗ Đức Dục, cạnh Bảo tàng Hà Nội, Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch và Trung tâm Hội nghị Quốc gia - nơi tổ chức các sự kiện chính trị, thương mại mang tính quốc gia và quốc tế.

Từ vị trí này di chuyển đến trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ khoảng 5 phút đi xe, tiết kiệm thời gian đáng kể so với việc di chuyển đến số 7 Láng Hạ (khoảng 15 phút).

Nằm gần các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế lớn

Bán kính 1 km xung quanh trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ có nhiều trụ sở bộ, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam.

Ngay trên mặt đường Phạm Văn Bạch là tòa nhà của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao; Tòa án Nhân dân TP Hà Nội; Tòa án Nhân dân cấp cao Hà Nội; Thanh tra Chính phủ...

Trên đường Tôn Thất Thuyết cách đó khoảng 500 m là trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục Môi trường; Bộ Nội vụ Việt Nam; tòa nhà Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội; toà nhà Liên cơ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Cục Đường thủy Việt Nam.

Ở khu vực đường Dương Đình Nghệ là vị trí trụ sở của Ban Tôn giáo Chính phủ; Cục Viễn thông và Tổng Cục Hải quan. Nằm trên đường Nguyễn Chánh cách đó 1 km là trụ sở Kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó, khu vực này còn có trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí lớn.

Trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ: Nằm giữa 'Thung lũng Silicon' của Hà Nội, sẽ có tuyến metro chạy qua - Ảnh 4.

Trục đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Bên cạnh đó, đường Phạm Văn Bạch nói riêng cũng như khu vực Mỹ Đình, Mễ Trì còn là nơi quy tụ của các tập đoàn kinh tế, tài chính quy mô lớn.

Cạnh trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ là tòa nhà FPT Tower, trụ sở của Tập đoàn FPT; cách đó 300 m là trụ sở Tập đoàn Viettel. Ở nút giao Phạm Văn Bạch - Dương Đình Nghệ là trụ sở Tổng công ty PVI và Tổng công ty Mobifone. 

Tại góc ngã tư Phạm Hùng – Dương Đình Nghệ là cụm công trình Keangnam - Landmark cao nhất Hà Nội hiện nay với 72 tầng (336 m), bên trong công trình này là trụ sở làm việc của hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ.

Nằm trên đường Phạm Hùng đoạn Dương Đình Nghệ - Tôn Thất Thuyết là trụ sở của Vinaconex 9; Simco Sông Đà; Sunshine Group; các khu phức hợp Vinhomes Skylake; FLC Complex; trên đường Mễ Trì là trụ sở của Tập đoàn Bitexco... 

Ngoài ra, trục đường Trung Kính - Phạm Văn Bạch, Dương Đình Nghệ hay phố Duy Tân còn được ví von là "Thung lũng Silicon" của Hà Nội, khi các công ty công nghệ thông tin lớn nhỏ trong và ngoài nước đều hội tụ về đây.

Là trung tâm kinh tế, tài chính của Hà Nội, khu vực này đồng thời là nơi có dân trí cao với các dự án bất động sản và hệ thống cơ sở giáo dục, y tế. 

Khu đất phía Đông Nam trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ là ba tòa căn hộ Golden Park Tower, Star Tower và Luxury Park Views; phía bên kia Công viên Cầu Giấy là khu đô thị Dịch Vọng; mạn đường Phạm Hùng có khu đô thị Sông Đà Mễ Trì, xa hơn là The Manor Central Park,...

Đối diện trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ là Viện Huyết học Trung ương, bán kính 1,5 km có Bệnh viện 198 Bộ Công an và hệ thống trường các trường trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.  

Sẽ có tuyến metro số 4 chạy qua

Trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ: Nằm giữa 'Thung lũng Silicon' của Hà Nội, sẽ có tuyến metro chạy qua - Ảnh 5.

Dự án Công viên và hồ điều hòa CV1. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Với việc nằm gần đường Vành đai 3, nơi chuyển giao giữa nội thành Hà Nội và khu Tây, các quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm được hưởng lợi về phát triển hạ tầng giao thông. 

Về giao thông, hiện nay, đường Phạm Văn Bạch, Tôn Thất Thuyết và Trần Thái Tông có bề ngang 40 m, đường Dương Đình Nghệ rộng 50 m. Có thể thấy, giao thông xung quanh trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ thông thoáng hơn đáng kể so với khu vực số 7 Láng Hạ.

Theo quy hoạch phân khu H2-2 TP Hà Nội, tuyến đường Dương Đình Nghệ hiện nay sẽ được kéo dài đến đường Cầu Giấy, kết nối với đường Nguyễn Văn Huyên. 

Tương tự, đường Trung Kính sẽ được kéo dài đến đường Hoàng Đạo Thúy. Cả hai dự án nói trên khi hoàn thành sẽ đồng bộ, tạo nên tuyến Vành đai 2,5 của Thủ đô.

Giai đoạn từ nay tới năm 2030, đường Dương Đình Nghệ sẽ được mở thông tới đường Láng (Vành đai 2). Cùng với đó, trục đường Châu Văn Liêm - Mễ Trì - Dương Đình Nghệ sẽ được làm đường trên cao với bề ngang 19 m (4 làn xe), tạo thành tuyến đường nối Đại lộ Thăng Long với Vành đai 2.

Ngoài ra, chạy trên trục đường Hoàng Đạo Thúy - Trung Kính - Phạm Văn Bạch - Trần Thái Tông còn có tuyến đường sắt đô thị số 4 (Đông Anh - Mê Linh). 

Do đó, sẽ có hai ga dừng của tuyến metro số 4 này nằm gần trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ: một ga ngay trước FPT Tower và một ga ở ngã tư Trung Kính - Dương Đình Nghệ (trước trường THCS Yên Hòa). 

Nằm tại khu vực giao cắt giữa đường Dương Đình Nghệ và Phạm Hùng, cách đường Phạm Văn Bạch 500 m về phía Tây Nam là dự án Công viên và hồ điều hòa CV1 với tổng diện tích hơn 3,9 ha.

Đây là một trong bốn mảnh đất được quy hoạch làm công viên trên địa bàn quận Cầu Giấy, bên cạnh công viên Nghĩa Đô, Cầu Giấy và Nhân Chính. Với dự án CV1, không gian xung quanh trụ sở mới Đại sứ quán Mỹ sẽ hưởng lợi từ hai hồ nước lớn.