Trung Nguyên lại rốt ráo với kế hoạch nhượng quyền. Lần này là mô hình nhỏ, bình dân hơn. (Ảnh: Quý Hòa).
Thích thiết kế của mô hình E-Coffee của Tập đoàn Trung Nguyên Legend, bà Trần Thị Tú Vân, đối tác tại Cần Thơ đã quyết định nhượng quyền mô hình này. Mô hình E-Coffee có diện tích từ 4-40 m2, phù hợp với xu hướng Take Away hiện nay.
“Tôi thích không gian và yên tâm đầu tư vì đây là thương hiệu của Tập đoàn Trung Nguyên Legend”, bà Vân cho biết.
Chuỗi cà phê bán lẻ nhượng quyền E-Coffee của Trung Nguyên có diện tích nhỏ, chi phí đầu tư từ 65-175 triệu đồng, phù hợp với những cá nhân vốn ít và thích kinh doanh. Con số này rất thấp so với mô hình Trung Nguyên Legend khi có chi phí đầu tư trung bình trên 1 tỉ đồng, không gian dành cho khách hàng đến thưởng thức cà phê.
Mô hình E-Coffee nhắm đến khách hàng có mức thu nhập thấp và trung bình. Hiện nay, mô hình E-Coffee có 3 hình thức, gói 65 triệu đồng dành cho quán cà phê đang hoạt động nhưng muốn chuyển qua đồng hành với Trung Nguyên hoặc cửa hàng đang bán sản phẩm khác và muốn bán thêm cà phê Trung Nguyên, diện tích tối thiểu 4 m2.
Gói Khởi nghiệp 120 triệu đồng dành cho những người muốn khởi nghiệp trong ngành cà phê, diện tích quán vào từ 8-20 m2 và gói Thịnh vượng 175 triệu đồng, sẽ được Trung Nguyên hỗ trợ từ A đến Z, thường diện tích quán trên 40m2. Nếu đối tác không có mặt bằng, đội ngũ Trung Nguyên sẽ cùng đối tác tìm kiếm mặt bằng.
“E-Coffee tối ưu hóa mọi đối tượng như cao ốc văn phòng, trạm metro, chợ và các cửa hàng tiện lợi. Thời gian đầu, để hỗ trợ khách hàng, Công ty sẽ không lấy phí thương hiệu và phí quản lý. Song song đó, Công ty sẽ thực hiện các chương trình đào tạo, tư vấn, hướng dẫn kinh doanh và cách vận hành hệ thống tối ưu cho đối tác”, bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc Truyền thông Trung Nguyên", chia sẻ.
Ngoài cà phê và bánh mì, khách có thể bán thêm các sản phẩm nước uống khác không cùng chủng loại và bán thêm các sản phẩm khác của Trung Nguyên, cà phê rang say đóng gói, cà phê hòa tan G7, cà phê viên nén... Theo đó, mỗi cửa hàng E-Coffee giống như một đại lý phân phối của Trung Nguyên.
Thực tế, mô hình này đã được Trung Nguyên đưa ra từ năm 2018, nhưng đến nay mới nở rộ. Hiện mô hình nhượng quyền chuỗi cà phê bán lẻ này đã có gần 100 cửa hàng trên toàn quốc. Đến cuối năm 2019, Trung Nguyên đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần so với hiện tại và đạt 3.000 cửa hàng trong năm 2020.
Lý giải về mô hình này, theo bà Giang, chỉ cần mỗi tỉnh thành, E-Coffee có khoảng 20 đối tác là E-Coffee đã có trên 1.000 quán. Trong giai đoạn đầu, ngoài chi phí như kể trên, Trung Nguyên sẽ không thu phí nhượng quyền thương hiệu, các đối tác sẽ được hưởng 100% lợi nhuận.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Nguyên nhượng quyền. Cách đây trên 10 năm, khi thị trường bán lẻ cà phê hiện đại ở Việt Nam chưa phát triển, Trung Nguyên đã nhượng quyền thương hiệu, khiến quán cà phê có bảng hiệu Trung Nguyên mọc lên như nấm. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh của các mô hình bán lẻ cà phê hiện đại, mô hình nhượng quyền truyền thống đầu tiên của Trung Nguyên đã lụi tàn và gần như biến mất trên thị trường cách đây vài năm.
Có thể thấy sự ra đời của E-Coffee tiếp tục phản ánh cuộc cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh chuỗi cà phê.
Theo Dcorp R-Keeper Việt Nam, Việt Nam hiện có khoảng 22.000 cửa hàng cà phê và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong cuộc cạnh tranh này, trước đây, Trung Nguyên có phần chững lại và đi theo một ngách khác, định hướng trở thành một nơi mà khách hàng có thể tĩnh tâm, đọc sách và suy ngẫm.
Trong khi đó, các đối thủ gia tăng tốc độ mở chuỗi như Highlands có 240 cửa hàng, The Coffee House có 145 và Starbucks 49 cửa hàng. Sự mở rộng của E-Coffee sẽ giúp Trung Nguyên tăng độ phủ và chiếm mảng quán cà phê bình dân tại các tỉnh.
Nhượng quyền thương hiệu đã chứng minh được sức hấp dẫn với các chủ đầu tư, đặc biệt đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải khát.
Ở lĩnh vực cà phê, Trung Nguyên là thương hiệu cà phê Việt đầu tiên trên thị trường áp dụng hình thức nhượng quyền. Vốn nhượng quyền của doanh nghiệp này khoảng 3,5 tỉ đồng, gồm phí nhượng quyền, đào tạo, quản lí, xây dựng... Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần chi thêm 5% doanh thu mỗi tháng cho thương hiệu vì đăng kí nhượng quyền.
Minh chứng điển hình của chuỗi cà phê nhượng quyền là Highlands Coffee. Thương hiệu này không chỉ nằm trong top cà phê có doanh thu cao mà tốc độ phát triển cũng vô cùng đáng nể.
Tính đến tháng 2/2019, Highlands Coffee đã nâng tổng số cửa hàng lên đến 211 cửa hàng trên toàn quốc. Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Virac, doanh thu năm 2018 của Highlands Coffee tiếp tục tăng 31% lên trên 1.600 tỉ đồng. Mức nhượng quyền của Highlands Coffee bao gồm vốn đầu tư từ 4-5 tỉ đồng, địa điểm kinh doanh cần phải đảm bảo gần khu vực trung tâm hoặc các khu vực đông dân cư, các tòa cao ốc tập trung văn phòng, hoặc trong các trung tâm thương mại thuận tiện giao thông, diện tích từ 150m2 trở lên. Phí nhượng quyền của hãng này được tính là 7% với chi phí quản lí vận hành là 5% doanh số được kéo dài trong 5 năm.
Trong khi đó, The Coffee House có điểm khác biệt là không đầu tư cửa hàng tại những vị trí vàng nhưng lại ghi điểm bằng thiết kế quán trẻ trung, ấn tượng, phù hợp với giới trẻ. Giá thức uống cũng ở mức khách hàng trung cấp chấp nhận. Mặc dù vậy, cựu CEO Nguyễn Hải Ninh của The Coffee House chia sẻ không bao giờ có ý định nhượng quyền.
Một số cái tên cà phê ở phân khúc thấp cũng đã nhượng quyền như Milano Coffee. Chi phí nhượng quyền của thương hiệu này vào khoảng 80-100 triệu đồng.
Hoặc Viva Star Coffee định vị là thương hiệu cà phê bình dân. Ước tính trung bình để mở một quán cà phê nhượng quyền của Viva Star Coffee tại TP HCM vào khoảng 1,1 tỉ đồng. Với các điều kiện kèm theo như mặt bằng đảm bảo, có năng lực quản lý cũng như ngân sách đầu tư. Cộng Cà Phê cũng là một thương hiệu bình dân đang được nhượng quyền rộng rãi.