Trung tâm công nghệ hàng đầu của Trung Quốc Hàng Châu có kế hoạch phân công các quan chức chính phủ làm việc tại 100 công ty tư nhân, bao gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Reuters đánh giá đây là một động thái có khả năng dấy lên mối lo ngại về vai trò ngày càng tăng của nhà nước.
Alibaba ủng hộ kế hoạch đưa quan chức chính phủ vào công ty của họ. (Ảnh: CNBC).
Tuy chỉ thị không nêu rõ tên của 100 công ty nằm trong diện của chính sách này, nhưng truyền thông địa phương tiết lộ Alibaba và nhà sản xuất ô tô Chiết Giang Geely Automobile Holdings sẽ nằm trong số đó.
Alibaba khẳng định với Reuters rằng kế hoạch này sẽ không can thiệp vào hoạt động của họ.
"Chúng tôi hiểu sáng kiến này nhằm mục đích thúc đẩy một môi trường kinh doanh tốt hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp có trụ sở tại Hàng Châu. Đại diện chính phủ sẽ đóng vai trò là cầu nối cho khu vực tư nhân và sẽ không can thiệp vào hoạt động của công ty", phía Alibaba tuyên bố.
Chỉ thị này được truyền thông Trung Quốc cho là một phần của Kế hoạch sản xuất mới của chính quyền Hàng Châu, một nỗ lực nhằm thúc đẩy sản xuất và thúc đẩy nền kinh tế địa phương ở vùng phía Đông tỉnh Chiết Giang.
Huawei từng bị Mỹ và các nước cấm vận với cáo buộc cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền. (Ảnh: ToiImg).
CNBC đánh giá đây là chiến lược mới nhất báo hiệu những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm chuyển đổi nền kinh tế của đất nước. Chiến lược cốt lõi của đất nước tỉ dân, Made in China 2025, nhằm mục đích giúp Trung Quốc theo kịp các đối thủ kinh tế trong các ngành công nghiệp có giá trị cao như robot và hàng không vũ trụ.
Luật pháp Trung Quốc từ lâu đã yêu cầu các công ty tư nhân, bao gồm các thực thể nước ngoài, thành lập các tổ chức công đoàn chính thức. Kế hoạch này cho thấy chính quyền Trung Quốc đang tích hợp sâu hơn vào khu vực kinh tế tư nhân, trong khi nền kinh tế của nước này căng thẳng với Hoa Kỳ.
Ngoài ra, theo luật, các tổ chức có thể bị buộc phải bàn giao dữ liệu cho nhà nước nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố rằng họ có thể buộc các công ty chia sẻ thông tin.
Việc đưa hàng trăm quan chức chính phủ vào trong các công ty tư nhân có thể làm dấy lên mối lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về mức độ kiểm soát của nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế.