Trung Quốc sẽ bơm 126 tỉ USD vào nền kinh tế, hướng đến các doanh nghiệp ngành sản xuất, trong khi lĩnh vực bất động sản vẫn bị hạn chế. (Ảnh: SCMP).
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết họ sẽ cắt giảm lượng ngân hàng tiền mặt phải nắm giữ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, nhằm bơm thanh khoản vào nền kinh tế, vốn đang phải đối mặt với việc nhu cầu nội địa suy yếu và những cơn gió ngược từ thương chiến.
Tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với tất cả các ngân hàng sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm, có hiệu lực vào ngày 16/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết trên trang web của cơ quan này vào ngày 6/9.
PBOC cũng cắt giảm tỉ lệ dự trữ ở mức một điểm phần trăm đối với một số ngân hàng thương mại thành phố, chia làm 2 đợt, bắt đầu vào thời điểm 15/10 và 15/11.
Việc cắt giảm này sẽ giải phóng 900 tỉ Nhân dân tệ (126 tỉ USD) thanh khoản, PBOC cho biết. Con số này cao hơn so với các đợt cắt giảm trước đó vào tháng 1 và tháng 5, đã vốn đã bơm lần lượt 800 tỉ Nhân dân tệ và 280 tỉ Nhân dân tệ, PBOC cho biết tại thời điểm đó.
Động thái này được kì vọng sẽ giúp kích thích nhu cầu bằng cách bơm tín dụng vào các công ty nhỏ. Mặc dù đợt cắt giảm này chỉ có quy mô hạn chế, nó cũng có thể khiến đồng Nhân dân tệ vốn yếu đi, điều có thể khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi giận.
Gần đây, các quan chức PBOC cho biết họ rất thận trọng khi triển khai các biện pháp nới lỏng quy mô lớn hơn, và cho đến nay đã không cắt giảm lãi suất theo sau các động thái tương tự từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Ông Zhou Hao, chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi tại Commerzbank AG tại Singapore, cho biết: “Việc cắt giảm này không phản ánh một đợt nới lỏng mạnh tay. Trên thực tế, Trung Quốc gần đây đã thắt chặt tín dụng vào bất động sản. Do đó, đây vẫn là một động thái cân bằng lại, để giảm chi phí tài trợ cho lĩnh vực sản xuất nhưng thắt chặt thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản do lo ngại bong bóng tài sản”.
Nền kinh tế Trung Quốc đã lại suy yếu vào tháng 8, sau kết quả ảm đạm trong tháng 7 và có thể sẽ xấu đi hơn nữa trong phần còn lại của năm.
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gần đây, đã mở rộng ra mặt trận tài chính, sau khi Trung Quốc cho phép đồng tiền suy yếu lên trên 7 NDT đổi 1 USD, khiến Mỹ gắn mác nước này là một kẻ thao túng tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh rằng sự thay đổi chính sách lần này không đồng nghĩa với việc cơ quan này sẽ mạnh tay nới lỏng tiền tệ.
“Đợt cắt giảm sẽ không bơm quá nhiều thanh khoản vào nền kinh tế và lập trường của chính sách thận trọng vẫn được giữ nguyên”, PBOC cho biết.