Trung Quốc quyết cắt nguồn thịt heo Mỹ, sang Việt Nam lùng mua gom hàng

Quyết hủy mua thịt heo của Mỹ, đàn heo trong nước bị tiêu hủy khoảng 200 triệu con do dịch tả heo châu Phi, thương lái cho biết Trung Quốc “đói hàng” nên thịt heo của Việt Nam lại được gom mua xuất sang thị trường 1,4 tỉ dân này.

Gom heo sống, thịt heo mảnh xuất sang Trung Quốc

Sáng ngày 8/8, sau khi điện thoại cho mấy chủ trại heo ở các tỉnh thành để đặt mua heo sống, ông Nguyễn Văn Duy – một thương lái chuyên thua mua thịt heo ở Lạng Sơn cho biết, đợt này ông tăng thu mua heo sống để xuất sang Trung Quốc.

Theo ông Duy, trước đây heo Việt Nam được xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch rất nhiều. Thế nhưng từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc không nhập khẩu thịt heo qua đường tiểu ngạch nên thịt heo ở nước ta hầu như không xuất được nữa. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng giá heo năm 2017 ở nước ta.

Song dịp này, các đầu mối bên Trung Quốc đặt mua thịt heo trở lại sau một thời bị "cấm cửa". Những thương lái như ông lại gom heo xuất bán sang Trung Quốc. Một số lò mổ còn xuất bán được cả thịt heo mảnh.

Trung Quốc quyết cắt nguồn Mỹ, sang Việt Nam lùng mua gom hàng - Ảnh 1.

Thương lái cho biết, thịt heo mảnh, heo sống đang được gom mua để xuất sang Trung Quốc.

“Trung Quốc cũng giống Việt Nam đang bị dịch tả heo châu Phi hoành hành, heo bị tiêu hủy nhiều dẫn đến nguồn cung thiếu hụt, giá tăng cao kỉ lục. 

Như hiện nay, giá thịt heo hơi Trung Quốc đang chênh cao hơn  so với Việt Nam khoảng 20.000-25.000 đồng/kg”. Ông Duy nói và cho biết, thịt heo Việt Nam giá rẻ hơn rất nhiều, trong khi Trung Quốc đang “đói hàng” nên các thương lái bên Trung Quốc đẩy mạnh thu mua heo của Việt Nam.

Trước đó, ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trại lớn nhất nhì tỉnh Sơn La cũng cho biết ngày 2/8, một thương lái tại Bắc Ninh đánh xe lên tận trại nhà ông để mua 150 con heo xuất bán sang Trung Quốc.

Thực tế, Trung Quốc đang trải qua đợt khủng hoảng do dịch tả heo châu Phi. Cũng vì dịch bệnh này, tính từ tháng 8/2018 đến nay, nước này đã phải tiêu hủy khoảng 200 triệu con heo (chiếm 30% tổng đàn), Nguồn cung thiếu hụt trầm trọng dẫn đến  giá thịt heo tăng phi mã.

Dịp cuối tháng 7, theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, giá heo bán buôn bình quân trên cả nước tăng 2,99% lên 18,59 NDT/kg (khoảng 63.400 đồng/kg).

Tại một số tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây, Sơn Đông, Cát Lâm… giá heo tăng lên tới 75.000 đồng/kg, thậm chí Hà Bắc, Hà Nam giá đã tăng lên mức 81.000-85.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ngày đầu tiên của tháng 8, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết Trung Quốc quyết định hủy mua lô thịt heo Mỹ lớn nhất từ trước đến nay, với 14.700 tấn, vốn dự kiến nhận trong năm nay và năm sau.

Trước đó, Trung Quốc đã hủy mua 53 tấn thịt heo Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 28/2, hủy mua 999 tấn trong tuần kết thúc ngày 21/3, hủy mua 214 tấn trong tuần kết thúc ngày 18/4, giữa tháng 5 cũng đã đã hủy mua 3.200 tấn thịt heo của Mỹ.

Một chuyên gia trong ngành cho biết nguồn cung trong nước đang thiếu hụt, nguồn cung lớn thịt heo từ Mỹ cũng đã bị hủy, Trung Quốc sẽ phải tìm nguồn cung khác bù đắp vào sự thiếu hụt này. Và đó có thể là nguyên nhân thịt heo Việt Nam lại đạng gom mua xuất sang Trung Quốc trong những ngày gần đây.

Trung Quốc quyết cắt nguồn Mỹ, sang Việt Nam lùng mua gom hàng - Ảnh 2.

Nguồn cung thiếu hụt do dịch tả heo châu Phi khiến giá heo tại các tỉnh miền Bắc đang có chiều hướng tăng mạnh.

Giá thịt heo tăng mạnh

Theo báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trong tháng 7/2019, giá heo hơi trong nước biến động tăng tại miền Bắc.

Nguyên nhân là bởi nguồn cung thịt heo không còn dồi dào vì ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi. Theo đó, giá heo hơi tại miền Bắc đã tăng thêm 2.000–6.000 đồng/kg lên mức 36.000-45.000 đồng/kg tùy địa phương.

Khảo sát trên thị trường hiện nay, giá thịt heo hơi xuất chuồng trên cả nước cũng đang biến động theo chiều hướng tăng, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc. Cụ thể, tại Vĩnh Phúc giá heo hơi đã tăng lên mốc 44.000 đồng/kg, Thái Bình có những đàn heo đã bán được giá tới 45.000 đồng/kg.

Ở Hải Dương, Phú Thọ giá heo cũng tăng lên mức 44.000-46.000 đồng/kg. Đáng chú ý, tại Cao Bằng, một số hộ chăn nuôi cho biết, giá heo hơi xuất chuồng đạt mức 48.000-49.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh miền Trung, miền Nam, giá thịt heo hơi xuất chuồng cũng bắt đầu tăng nhẹ. Hiện đạt mức 33.000-35.000 đồng/kg tùy địa phương. Trong khi tại thời điểm tháng 7, giá heo ở 2 miền này chỉ quanh mốc 29.000-32.000 đồng tùy nơi.

Theo Anova Feed dự báo, giá heo hơi dự kiến sẽ còn nhích lên từng ngày, bởi hiện nay lượng heo trong dân không còn nhiều do số lượng đàn bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi tương đối lớn.

Với tình trạng dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, lây lan ra 62 tỉnh thành, phải tiêu hủy gần 4 triệu con heo, ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhận định, đã giảm giá heo gần như đã chấm dứt.

Sang tới thời điểm tháng 8 và tháng 9 giá thịt heo hơi xuất chuồng sẽ quay đầu tăng mạnh, có thể tăng lên mức 45.000 đồng/kg và giữ ổn định ở mức cao chứ không giảm nữa.

Một phần là do thiếu hụt nguồn cung, phần khác do thị trường mùa thấp điểm tiêu thụ thịt heo đã kết thúc. Bằng chứng, ở miền Bắc, khi nguồn cung thiếu hụt do đàn heo bị tiêu hủy với số lượng lớn nên giá khu vực này thời gian gần đây đã tăng và ổn định ở mức khá cao.


chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.