Trung Quốc sẽ không để ông Trump cướp đi bí mật công nghệ của mình

Công nghệ AI và thuật toán chính là công thức thành công của TikTok. Hiểu rõ điều này, Trung Quốc sẽ không để ông Trump dễ dàng giành được những món hời đó.

Mỹ và Trung Quốc thay nhau hành động

Thử tưởng tượng, một công ty muốn mua KFC nhưng được thông báo rằng thỏa thuận sẽ không tiết lộ 11 loại thảo mộc và gia vị bí mật của hãng đồ ăn nhanh này. Trường hợp của TikTok cũng tương tự vậy.

Thông qua các qui định hạn chế xuất khẩu mới, Bắc Kinh đang muốn nói với các công ty Mỹ muốn thâu tóm ứng dụng chia sẻ video TikTok rằng họ có thể không mua được các yếu tố tạo nên thành công của TikTok.

Ban đầu, chính quyền Tổng thống Trump dường như đã tính xong đường đi nước bước.

Thông qua các lệnh hành pháp, Washington cáo buộc ByteDance là rủi ro an ninh quốc gia và buộc sản phẩm chủ lực của công ty trên thị trường quốc tế - TikTok, phải bán mình.

Dù chưa công bố rõ mục đích, CEO Satya Nadella đã đưa Microsoft tham gia vào cuộc cạnh tranh mua lại TikTok ở Mỹ. Ngay sau đó, một số công ty khác cũng "xếp hàng" để mua ứng dụng chia sẻ video được cho là có hơn 100 triệu lượt tải xuống tại thị trường Mỹ này. Công ty phần mềm Oracle là một trong số các tên tuổi nổi bật đó.

Hạn chót 15/9 mà ông Trump đưa ra cho ByteDance giúp tạo cảm giác cấp bách. Về cơ bản, TikTok đang bị buộc phải bán mình.

Sau đó, Bắc Kinh vào cuộc. Ngày 28/8, Bộ Thương mại Trung Quốc đã thêm một số mặt hàng mới vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Hiện tại, các công nghệ giao diện trí tuệ nhân tạo (AI) như nhận dạng giọng nói và văn bản, cũng như các phương pháp phân tích dữ liệu và đề xuất nội dung cá nhân, là các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của Bắc Kinh.

Điều đó có nghĩa là ByteDance phải xin giấy phép của chính phủ Trung Quốc để có thể bán hoạt động của TikTok tại Mỹ. Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận cho biết động thái mới của Bắc Kinh là nhằm trì hoãn thỏa thuận trên, chứ không phải một lệnh cấm dứt khoát.

Theo Bloomberg, cơ chế quản lí thiếu rõ ràng của Trung Quốc đã tạo thêm nhiều ẩn số cho thỏa thuận bán TikTok vốn đã khá phức tạp và liên quan đến nhiều tập đoàn, cơ quan và tòa án liên bang.

Ông Jiang Zhaokang - luật sư trong lĩnh vực thương mại kiêm đối tác quản lí của GSC Potomac, nhận định ByteDance có thể mất đến 30 ngày để nhận được cái gật đầu cho phép xuất khẩu công nghệ AI từ Bắc Kinh.

AI và công cụ đề xuất nội dung là hai trong các thành phần quan trọng tạo nên thành công của ByteDance và cũng là những công nghệ chịu sự hạn chế của qui định xuất khẩu mới. Do vậy, chính phủ Trung Quốc đã trở thành "người phán xử" số phận của TikTok chứ không phải chính quyền ông Trump.

Trung Quốc lật ngược ván cờ, cướp vai 'người phán xử' của TikTok từ ông Trump - Ảnh 1.

Ban đầu, chính quyền Tổng thống Trump dường như đã tính xong đường đi nước bước cần làm với TikTok. (Ảnh: Backgrid)

Công thức thành công của TikTok

Nhiều nhà phê bình, bao gồm các thượng nghị sĩ Mỹ và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bày tỏ lo ngại về khối lượng dữ liệu mà TikTok thu thập. Tuy nhiên, các thuật toán mới đóng vai trò quan trọng bậc nhất với TikTok và các công ty muốn thâu tóm nó.

Các thuật toán trên chính là những công thức kì diệu chỉ cho TikTok biết dữ liệu nào có thể tác động đến hành vi tương lai của người dùng và khiến họ sử dụng ứng dụng lâu hơn.

Ví dụ, nếu một người nán lại các video hiphop lâu hơn và lướt nhanh qua các mẹo nấu ăn thì nhiều khả năng nội dung liên quan đến các video hát nhép DJ Khaled sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, trong khi tần suất của các video nấu ăn sẽ ít dần.

Nhận dạng giọng nói và văn bản cho phép TikTok đánh giá nội dung sâu hơn, từ đó hiểu rõ cách nói và viết của người dùng.

Facebook, Snap và Alphabet là ba trong số các công ty Mỹ đang đổ hàng tỉ USD vào dự đoán hành vi người dùng. Đây là vấn đề sống còn của các công cụ tìm kiếm và nội dung trên dòng thời gian của người dùng mạng, nhờ đó mà các công ty này có thể bán quảng cáo đến đúng đối tượng với giá cao hơn.

Ví dụ, Goolgle có xu hướng trả lại kết quả tìm kiếm tốt hơn Bing dù hai công cụ này có quyền truy cập vào cùng một kho dữ liệu (tức mạng Internet). Vấn đề cốt lõi chính là thuật toán.

Thuật toán của TikTok chính là vàng. Hoặc ít nhất, các công ty muốn thâu tóm ứng dụng này đang nghĩ vậy.

Dường như Bắc Kinh đồng ý với quan điểm trên. Cho nên, chính quyền Trung Quốc mới phát đi thông điệp: "Bạn muốn mua TikTok thì cứ việc, nhưng chưa chắc chúng tôi sẽ bán cả 'bí kíp thành công' của TikTok đâu!"

Trung Quốc lật ngược thế cờ

Diễn biến mới chắc chắn sẽ khiến Microsoft, Oracle và các tay chơi khác quay cuồng. Họ sẽ phải thương thảo với ngân hàng và luật sư để xác định giá trị của TikTok nếu không có các thuật toán bí mật.

Về phần mình, ByteDance sẽ cần phải nghiên cứu họ có thể và không thể bán gì trong thỏa thuận ép buộc đó. Điều này không hề dễ dàng gì. Trong kịch bản tồi tệ nhất, ByteDance có thể phải rà soát lại hàng triệu dòng mã code để phân loại nội dung nào được phép và bị cấm bán.

Khi các công ty vội vã đánh giá lại liệu Bắc Kinh có cho phép họ thâu tóm TikTok và liệu họ có nên đưa ra đề nghị mua hay không, một số khác nhanh chóng kết luận rằng mua lại TikTok đầy rẫy rủi ro.

Bước đi bất ngờ của Trung Quốc đá quả bóng trở lại chân ông Trump. Tổng thống Mỹ có thể phải đối mặt với khả năng TikTok không tìm được người mua và ông sẽ phải quyết định xem có nên xóa một trong các ứng dụng phổ biến nhất nước Mỹ khỏi kho ứng dụng của Apple hay không.

Tổng thống Trump có thể nghĩ rằng ép buộc Trung Quốc sẽ nâng cao cơ hội tái đắc cử của ông, tuy nhiên "chơi trội" có thể gây phản tác dụng. Cũng có thể nếu TikTok bị cấm hoàn toàn ở Mỹ, ông Trump sẽ phải đối mặt với sự giận dữ từ người dùng của ứng dụng này.

Khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung sắp diễn ra, Bắc Kinh đã tự tìm ra cho mình một quân bài mặc cả.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.