Trước khi Uniqlo mở cửa hàng tại TP HCM, nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam đã lần lượt về tay người Nhật

Đầu tháng 12 này, thương hiệu thời trang Uniqlo của Nhật Bản sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP HCM. Nhưng chưa cần tới sự hiện diện này, yếu tố Nhật đã dính líu đến ngành bán lẻ thời trang Việt nhiều năm nay, khi nhiều một loạt tên tuổi như NEM, Vascara, Elise lần lượt thuộc về doanh nghiệp Nhật.

NEM, Elise, Vascara lần lượt về tay người Nhật

Cuối tháng 9/2019, Vascara bất ngờ thông báo sẽ về đội của công ty bán lẻ thời trang Nhật Bản Stripe International. Theo bà Lê Cảnh Bích Hạnh, CEO Công ty TNHH MTV Global Fashion (GF), chủ sở hữu thương hiệu giày Vascara, cho viết sự hỗ trợ từ doanh nghiệp Nhật sẽ giúp Vascara tăng nhanh hệ thống cửa hàng trên toàn quốc.

Hiện chuỗi này đã thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu với các mô hình cửa hàng mới.

vascara

Vascara sau khi về tay đối tác Nhật đã đổi hệ thống nhận diện thương hiệu. (Ảnh: Vascara).

Là thương hiệu bán lẻ thương trang Việt Nam có tuổi đời 10 năm, Vascara đã nâng số điểm bán lên 134 cửa hàng và kênh thương mại điện tử. Trong năm 2018, chuỗi này đã phục vụ hơn 1,5 triệu lượt khách hàng mua sắm.

Ông Harigae Tsutomu, Chủ tịch hội đồng quản trị Stripe Saigon, đánh giá cao tiềm năng của thị trường thời trang Việt Nam, đặc biệt là ngành giày dép, túi xách. "Vascara là thương hiệu chúng tôi thấy rất có tiềm lực để phát triển. Vì vậy, chúng tôi tin những kinh nghiệm, kĩ thuật bấy lâu đã tích lũy từ nhiều thị trường trên thế giới sẽ đồng hành và hỗ trợ thương hiệu này phát triển tăng tốc, mở rộng hệ thống cửa hàng", ông nói.

Stripe International là doanh nghiệp bán lẻ lớn của Nhật Bản, thành lập năm 1994, hiện sở hữu 20 thương hiệu. Với việc thâu tóm Vascara, tổng số cửa hàng của tập đoàn đã tăng lên trên 1.400.

Trước đó, vào cuối năm 2017, cũng chính Stripe International đã mua lại 70% cổ phần của hãng thời trang NEM và thành lập Công ty cổ phần Stripe Việt Nam, với số vốn điều lệ 175 tỉ đồng, chuyên kinh doanh các sản phẩm may mặc dành riêng cho nữ giới.

Ông Yasuharu Ishikawa, Chủ tịch Stripe International, cho hay quyết định mua lại NEM là một trong những bước đầu của hãng nhằm thâm nhập thị trường Việt Nam. Công ty muốn mở rộng các hoạt động kinh doanh dài hạn ở Việt Nam nói riêng và khối ASEAN nói chung, nơi được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng nhờ dân số lớn và kinh tế phát triển ổn định.

Công ty Cổ phần Thời trang NEM thành lập năm 2007, sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang công sở NEM nổi tiếng dành cho nữ, hiện đã có 86 cửa hàng tại 40 tỉnh thành, phân nửa tập trung tại Hà Nội và TP HCM (Hà Nội 19 cửa hàng, TP HCM có 12 cửa hàng). Mỗi tháng, thương hiệu này cho ra mắt trên 500 mẫu thời trang.

Theo đánh giá của Stripe International tại thời điểm thâu tóm, NEM là hãng thời trang công sở với tốc độ mở mới hơn 10 cửa hàng mỗi năm và doanh thu đạt mức tăng trưởng 20%.

thoi-trang-nem-nguoiduatin

NEM cuối những năm 2000 là một chuỗi bán lẻ thời trang đình đám tại thị trường Hà Nội. (Ảnh: Người Đưa Tin).

Đầu năm nay, sau bao đồn đoán từ cuối năm 2018, thương hiệu thời trang nữ đình đám Elise chính thức xác nhận thông tin bán cổ phần cho đối tác đến từ Nhật Bản, quỹ đầu tư Asia Fund, thuộc Công ty Đầu tư vốn tư nhân Advantage Partners.

Trước đó, các thành viên Hội đồng Quản trị và Giám đốc kỹ thuật mới của Elise đã lộ diện, với 3 người đến từ Nhật Bản, và họ đều dự cảm tốt về tương lai của thời trang Việt.

Ông Tokuo Yotaro, thành viên Hội đồng quản trị Elise, cho rằng ngành thời trang Việt Nam sẽ phát triển nhanh nhất châu Á và nhiều cơ hội hơn cả Nhật Bản. Trong khi ông Uyama Atsushi, Giám đốc kĩ thuật Elise, cũng tin tưởng với kinh nghiệm của các chuyên gia kĩ thuật tại Uniqlo và các thương hiệu quốc tế khác trong hơn 30 năm, ông sẽ đưa Elise đến với tiêu chuẩn của thương hiệu thời trang thế giới.

Lời chia sẻ này làm giới phân tích không loại trừ Uniqlo đứng sau thương vụ này. Trước đó, thông tin Uniqlo chi hàng chục triệu USD để mua lại 35% cổ phần của Elise từng được bà Trần Thị Thanh Thủy, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chia sẻ. Động thái này diễn ra khi Uniqlo tuyên bố sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam.

Vì sao nhiều thương hiệu thời trang Việt phải bán mình?

Đầu năm nay, thương hiệu Hnoss cũng âm thầm về với Seedcom, một quỹ đầu tư do ông Đinh Anh Huân, cựu sáng sáng lập viên Thế Giới Di Động, thành lập. Bà Cổ Huệ Anh, nhà sáng lập thương hiệu Hnoss, lí giải với truyền thông rằng: "Các thương hiệu thời trang tầm trung, có đâu đó vài chục cửa hàng, nếu không bán thì sẽ chết. Đó là lí do Hnoss nhận đầu tư để làm một cách bài bản và lớn hẳn lên".

Cũng theo bà Huệ Anh, thương hiệu thời trang tầm trung gặp quá nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh doanh hiện nay về mặt bằng, kênh bán hàng, khâu vận hành và quản trị, khó cạnh tranh nổi với làn sóng thời trang ngoại.

Theo báo cáo tài chính của công ty CP Thương mại NEM trước khi bán 70% cổ phần cho Stripe International, năm 2016, doanh thu bán hàng đạt 219 tỉ đồng, tăng trưởng gấp rưỡi so với năm 2015. Tuy nhiên, sau trừ đi các khoản mục chi phí hoạt động, công ty này vẫn lỗ 2,7 tỉ đồng. Năm trước đó, NEM cũng lỗ gần 2 tỉ đồng. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-16 lúc 10

Làm ăn thua lỗ, nợ phải trả tăng cao khiến NEM phải bán mình. (Đồ họa: Tất Đạt).

Tổng nợ phải trả của công ty lên đến 534 tỉ đồng, trong đó 500 tỉ đồng là nợ vay ngắn hạn, gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, tính đến cuối năm 2016, tổng giá trị hàng tồn kho của công ty gần 62 tỉ đồng.

Đáng nói, trước thời điểm NEM bán mình, Zara và H&M đã hiện diện tại Việt Nam.

Tuy không công bố nhiều số liệu nhưng trường hợp của Vascara được dự liệu là do sức ép cạnh tranh. Thị trường da giày Việt Nam tuy có quy mô lên đến 1-1,5 tỉ USD, nhưng thương hiệu Vascara mới chỉ chiếm khoảng 1-2% thị phần.

Người đứng đầu Vascara, CEO Lê Cảnh Bích Hạnh nói rằng với sự đầu tư và kinh nghiệm của Stripe International, Vascara sẽ mở rộng hệ thống cửa hàng nhanh hơn, giúp gia tăng độ phủ và hàng hóa đến được với nhiều phụ nữ khắp mọi miền cả nước. Ngoài ra, chuỗi đang muốn tận dụng công nghệ của đối tác để đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến.

AJ2I6496(1)

Chuỗi Elise đang cật lực giành lại thị phần sân nhà trước các đối thủ ngoại nhờ nguồn lực mới. (Ảnh: Elise).

Tương tự, Elise cũng khẳng định sau khi có sự trợ lực của đối tác ngoại, chuỗi đã cật lực giành lại thị phần sân nhà trước các đối thủ ngoại. 

CEO Lưu Thị Nga cho biết nhờ trợ lực từ đối tác Nhật, trong 4 năm tới, toàn bộ hệ thống thời trang Elise sẽ tăng gấp đôi số cửa hàng và gấp bốn tổng doanh thu so với hiện tại. 

Stripe International là tập đoàn đến từ Nhật Bản, thành lập từ năm 1994. Trong năm tài chính 2018, Stripe International ghi nhận doanh thu 136,4 tỉ yên (tương đương 29.240 tỉ đồng). Hệ thống này đang có tới 1.237 cửa hàng, trong đó 780 cửa hàng do công ty mẹ Stripe quản lí.

Ngoài Stripe Việt Nam, hiện còn có 5 công ty con khác ở ngoài Nhật Bản là Stripe Taiwan và Stripe China. Vào năm 2016, Stripe International cũng đã thâu tóm một công ty trong lĩnh vực thời trang nữ, là Alphabet Pastel và hãng thời trang trẻ em Smarby.

Stripe cho hay, công ty sẽ liên tục thực hiện các thương vụ thâu tóm và góp vốn trong thời gian tới để mở rộng mạng lưới hoạt động. Ngoài thời trang, Stripe còn có các mảng kinh doanh khác trong lĩnh vực thực phẩm, nội thất gia đình và có cả sàn thương mại điện tử.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.