Thời trang Forever 21: Giấc mơ Mỹ từ số 0 trở về số 0

Hãng thời trang bình dân Forever 21 đã nộp đơn xin phá sản và sẽ đóng cửa một số cửa hàng tại châu Á và châu Âu. Đây được xem là bước đi quan trọng và cần thiết để hãng thời trang này tái cấu trúc cơ cấu và mô hình kinh doanh.

Forever 21 là thương hiệu thời trang do cặp vợ chồng người Hàn Quốc Jin Sook và Do Wan Chang sáng lập. Trước khi xây dựng được đế chế Forever 21, họ chỉ là những người nhập cư thực hiện "giấc mơ Mỹ" với con số 0 theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, không tiếng Anh, không người thân, không bằng cấp. 

"Giấc mơ Mỹ" mang tên Forever 21

Những năm đầu trên đất Mỹ, Do Wan Chang đã làm rất nhiều công việc bán thời gian, như bảo vệ, nhân viên bán xăng, nhân viên phục vụ,... Nhờ đó, ông có được những trải nghiệm thực tế khi tiếp xúc với khách hàng, sự quan sát nhạy bén để hình thành nên tư duy kinh doanh.

Năm 1984, ông bà Chang mở cửa hàng đầu tiên trên phố Highland Park, Los Angeles. Khi đó, hãng đã định hình là thương hiệu thời trang bình dân, lấy giá cả thấp làm yếu tố cạnh tranh chiến lược.

ông bà Chang

Vợ chồng Do Won Chang phải làm cùng lúc 3 công việc, bao gồm nhân viên phục vụ, bảo vệ và nhân viên đổ xăng khi bước chân sang Mỹ. (Ảnh: CBS).

"Đối tượng khách hàng mà chúng tôi nhắm đến là những người trẻ thuộc độ tuổi 20. Những người trung niên đều muốn sống lại tuổi 21 lần nữa, trong khi người trẻ chỉ muốn mình mãi mãi tuổi 21", Do Won Chang giải thích về tên thương hiệu của mình.

Điểm nổi bật của thương hiệu này là "thời trang nhanh", các sản phẩm thời trang hợp xu hướng, giúp các cô gái có thể mặc trang phục giống người nổi tiếng họ yêu thích, với mức giá phải chăng.

Nhờ đó, Forever 21 nhanh chóng phát triển và mở rộng thị trường. Đây được xem là thời kì "vàng son" của Forever 21, khi có tới hơn 600 cửa hàng trên toàn thế giới, có sức cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu có tiếng trong ngành như H&M, Zara, Uniqlo,…

Theo số liệu thống kê của Forbes vào năm 2016, số lượng tài sản của vợ chồng ông Chang lên đến 6,1 tỉ USD, thuộc top tỉ phú của nước Mỹ. 

Năm 2017, ông Chang từng lọt top 400 người giàu nhất nước Mỹ.

giấc mơ Mỹ

2 nhà sáng lập Forever 21 từng là nguồn cảm hứng cho dân nhập cư thực hiện "giấc mơ Mỹ". (Ảnh: Forbes).

Chia sẻ trên tờ Los Angeles Times, Do Won Chang thẳng thắng nhìn nhận về thành công của mình: "Forever 21 mang đến niềm hi vọng và cảm hứng cho mọi người đến nước Mỹ với đôi bàn tay trắng. Món quà thành công này khiến tôi càng phải khiêm tốn hơn: Sự thật là những người nhập cư đến Mỹ giống như tôi, đều có thể tìm đến một cửa hàng Forever 21, để biết được rằng đây là thương hiệu được sáng lập bởi 1 người Hàn rất đỗi bình thường và từng chỉ có cho riêng mình một giấc mơ".

Forever 21 - Thời kì tụt dốc không phanh

Kể từ năm 2016, doanh thu của những cửa hàng F21 bắt đầu giảm dần. Tính đến năm 2018, vốn chủ sở hữu của F21 vượt qua 3 tỉ USD. Hãng này đặt mục tiêu đưa vốn chủ sở hữu lên 8 tỉ USD và mở thêm 600 cửa hàng đến năm 2021. Tuy nhiên, với tuyên bố phá sản đưa ra tháng trước, giấc mơ về thời kì thịnh vượng trở lại của F21 trở thành xa vời.

Cùng cảnh ngộ với các đối thủ thời trang nhanh như H&M và Zara, Forever 21 dần hụt hơi trước tâm lí chuộng mua hàng trực tuyến của giới trẻ. 

"Có những rủi ro trong mô hình thời trang nhanh. Nếu một nhà bán lẻ hiểu sai về xu hướng thịnh hành, họ sẽ ngậm ngùi ngắm nhìn lượng hàng tồn kho chất thành núi", Greg Portell, đối tác chính tại công ty tư vấn AT Kearney, chia sẻ trên trang CBS

mua sắm

Ariana Grande từng kiện hãng này vì sử dụng trái phép hình ảnh của cô cho một chiến dịch quảng bá. (Ảnh: Business Insider).

Trong nhiều năm, Forever 21 tích cực mở rộng diện tích cửa hàng của mình trong các trung tâm mua sắm, ngay cả khi lượng khách ghé ngang giảm dần. Hãng này mở nhiều cửa hàng định dạng hộp lớn, trung bình khoảng 3.5000 m2, mặc dù chi phí tăng cao.

Chuỗi này còn xây dựng các cửa hàng đồ sộ, lên đến bốn tầng và rộng 90.000 mét vuông với 151 phòng ở trung tâm Quảng trường Thời đại của New York. 

Khi nhiều nhà bán lẻ bắt đầu giảm bớt mạng lưới cửa hàng của họ trong những năm gần đây, thì Forever 21 vẫn mở thêm cửa hàng cho đến năm 2016.

cửa hàng5

Forever 21 "điên cuồng" mở rộng cửa hàng trước xu thế người dùng chuộng mua trực tuyến. (Ảnh: Getty).

Forever 21, được đặt tên với mong muốn người mua sắm có thể cảm thấy trẻ trung mãi mãi, cũng không còn phong cách khi những người mua sắm trẻ tuổi ngày càng đòi hỏi hàng hóa chất lượng cao hơn, ngay cả với sản phẩm giá rẻ.

Các nhà bán lẻ thời trang nhanh cũng phải đối mặt với những chỉ trích về môi trường của ngành công nghiệp thời trang. Sản xuất hàng may mặc và giày dép chiếm 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu , theo báo cáo năm 2018 từ Quantis.

Forever 21 lại trở về vạch xuất phát số 0

Rõ ràng, Forever 21 phá sản là cái chết được báo trước. 

Linda Chang, Phó Chủ tịch điều hành của công ty, khẳng định trong thông cáo báo chí về việc nộp đơn phá sản: "Đây là một bước quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của công ty, cho phép chúng tôi tổ chức lại hoạt động kinh doanh và tái định vị Forever 21".

Forever 21 hiện vẫn thuộc quyền sở hữu của vợ chồng nhà sáng lập Do Wan Chang và Jin Sook. Tuy nhiên, sau tuyên bố phá sản, ước tính tổng tài sản của hai vợ chồng chỉ còn lại 1,6 tỉ USD, giảm 3,4 tỉ USD so với thời kì đỉnh cao năm 2015.

mua sắm

Hình ảnh này sẽ khó thể bắt gặp được ở các cửa hàng Forever 21 tại châu Âu và châu Á. (Ảnh: Getty).

Theo công ty nghiên cứu thị trường Mintel, Forever 21 đang vướn nợ trị giá khoảng 500 triệu USD. Nhà bán lẻ có kế hoạch cắt giảm chi phí bằng cách đóng cửa nhiều cửa hàng ở Bắc Mỹ và rút lui khỏi các thị trường ở châu Á và châu Âu. Hãng sẽ tiếp tục hoạt động ở Mexico và Mỹ Latinh.

Cuối tháng 8, công ty đã đàm phán để có thêm nguồn tài chính và làm việc với một nhóm các cố vấn, để giúp tái cơ cấu các khoản nợ. Forever 21 nói rằng họ đã nhận một vài khoản trợ cấp vốn, gồm 275 triệu USD từ ngân hàng JPMorgan Chasse và 75 triệu USD từ một quỹ mới là TPG Sixth Street Partners.

phá sản

Forever 21 phá sản, để lại khoản nợ 500 triệu USD cho 2 nhà sáng lập. (Ảnh: Bloomberg).

Chana Baram, nhà phân tích bán lẻ tại Mintel, cho biết: "Để đưa doanh nghiệp trở lại đúng hướng, những người cho vay sẽ phải sẵn sàng bơm thêm tiền vào đó, và đây có thể là một việc mạo hiểm nữa. Chỉ có thời gian mới có thể nói điều gì sẽ xảy ra, nhưng đây chắc chắn là thời điểm rắc rối cho nhà bán lẻ thời trang nhanh này".

Sau một hành trình dài, Forever 21 gần như lại trở về vị trí xuất phát với con số 0. 

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.