Trước quy hoạch lên thành phố, đất Phú Mỹ từng sốt nóng ra sao?

Giai đoạn Covid-19, Phú Mỹ từng là tâm điểm giao dịch đất nền của Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo thống kê của Sở Xây dựng, giá đất nền trung bình tại địa phương này trong 2 năm đã tăng từ 47 triệu/m2 lên 59 triệu đồng/m2 (tính đến quý II/2022).

Thống nhất đề án thành lập TP Phú Mỹ

Một góc Cảng Phú Mỹ. (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thị xã Phú Mỹ là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng, là đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh và của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vai trò chiến lược, được định hướng phát triển 5 mũi nhọn kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đây cũng là địa bàn sở hữu nhiều điều kiện để phát triển kinh tế như: Cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép nằm trong top 19 cảng biển lớn nhất thế giới, có tốc độ tăng trưởng trong nhóm nhanh nhất thế giới; Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và bến cảng Cái Mép hạ lưu có quy mô khoảng 1.763 ha.

Ngày 12/4/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 24/11/2020, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định công nhận thị xã Phú Mỹ là đô thị loại III. Đại hội Đảng bộ thị xã Phú Mỹ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết, trong đó đề ra mục tiêu xây dựng thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố gắn với thế mạnh công nghiệp, cảng biển vào năm 2025.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, đại diện Sở Nội vụ cho biết, căn cứ tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh được quy định thì thị xã Phú Mỹ hiện đã đạt 11/11 tiêu chuẩn thành lập TP Phú Mỹ và 3 xã Tân Hải, Tân Hòa và Tóc Tiên đạt 17/17 tiêu chuẩn thành lập phường, đảm bảo tiêu chuẩn là đơn vị hành chính thành phố thuộc tỉnh.

Việc thành lập TP Phú Mỹ và các phường thuộc TP Phú Mỹ trên cơ sở nguyên trạng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hiện hữu là phù hợp với quy định hiện nay; đảm bảo đúng quy hoạch đã được phê duyệt và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong tỉnh.

Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cơ bản thống nhất chủ trương xây dựng Đề án thành lập TP  Phú Mỹ và các phường thuộc TP Phú Mỹ.

Nhìn lại một thời kỳ sốt đất Phú Mỹ 

Một góc thị xã Phú Mỹ. (Ảnh: Dân Trí).

Còn nhớ giai đoạn Covid-19, thị trường bất động sản Phú Mỹ đã từng chứng kiến những cơn sốt đất. Nguyên nhân là địa phương này có tiềm năng về công nghiệp, cảng biển và có nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai, chưa kể là quy hoạch thành thành phố cảng vào năm 2025.

Khoảng quý III/2021, thông tin Bà Rịa - Vũng Tàu mở cửa trở lại đã thúc đẩy các hoạt động đi lại, giao thương giữa các địa phương, trong đó có giao dịch đất đai.

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, các khu vực thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc bắt đầu được nhà đầu tư săn đất sào (từ 1.000 m2 trở lên), đất phân lô biệt thự (từ 300 m2 trở lên),...

Trong đó, thị xã Phú Mỹ nơi được nhà đầu tư săn đón nhiều. Những tuyến đường về xã Châu Pha, xã Tóc Tiên, thuộc thị xã Phú Mỹ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến xem và mua đất.

Môi giới tại khu vực này cho biết, giá đất Châu Pha, Tóc Tiên đang có giá hơn 1 tỷ - 1,7 tỷ đồng/lô đối với diện tích 150 - 200 m2, trong đó có 100 m2 đất thổ cư. Mức giá này tăng khoảng 10% so với trước dịch.  

Giai đoạn tháng 10/2021, Giám đốc Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Phú Mỹ cho biết trung bình mỗi ngày văn phòng tiếp nhận và xử lý 80 -100 hồ sơ chuyển nhượng đất, chưa kể có nhiều giao dịch chuyển nhượng mới nhận cọc hoặc công chứng, hồ sơ chưa đến văn phòng một cửa.  

Trong một báo cáo về thị trường bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu được công bố bởi Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, vào năm 2021, tại Phú Mỹ, đối với đất sào, đất mẫu ghi nhận giao dịch nhộn nhịp lúc đầu gỡ bỏ giãn cách.

Lúc đó, các lô đất ngay đường quốc lộ 51 thì giá tầm 1,2 tỷ/mét ngang (tăng 200 triệu), các trục đường chính thì giá dao động từ 600 - 700 triệu đồng/mét ngang, tùy đoạn đường ( tăng 50 - 150 triệu). Vào các nhánh rẽ, từ vị trí 2 trở đi cứ giảm tầm 100 – 200 triệu/mét ngang so với đường chính. 

Tại khu Công nghệ cao như ở thị xã Phú Mỹ đã được chấp thuận chủ trương, giao cho Ban Quản lý các KCN chính thức triển khai thì khu vực Hắc Dịch là sôi nổi nhất trong quý IV/2021, giá đất đã nhảy vọt lên hơn 15% cùng 1 lô đất, 1 địa điểm.

Tại báo cáo đó, VARS đã dự báo thị trường Phú Mỹ sẽ sốt đất đến tháng 4/2022 khi bảng giá đất mới chính thức được áp dụng và không có dịch bùng phát.

Bước sang tháng 2/2022, báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy, nguồn cung chào bán trong tại Phú Mỹ đã sụt giảm mạnh khiến nhu cầu tìm kiếm nhà đất chỉ tăng 1% so với tháng 1/2022.

Trong báo cáo của Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu, quý II/2022, Thị xã Phú Mỹ và huyện Đất Đỏ tiếp tục là hai khu vực có lượng giao dịch đất nền nhiều nhất tỉnh. Hầu hết các giao dịch đất nền đều là đất nền nằm trong khu dân cư hiện hữu và đất nền phát triển theo dự án. Trong vòng hai năm, đất nền tại khu vực Phú Mỹ trung bình đã tăng từ 47 triệu/m2 lên 59 triệu đồng/m2. Đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, thị xã Phú Mỹ là địa phương chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Sang quý IV/2022, Phú Mỹ vẫn tiếp tục là địa phương hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều giao dịch nhất về đất nền và nhà ở riêng lẻ.

chọn
Thân thế doanh nghiệp thế chân Viwaseen tại KĐT bên Vành đai 4: Vốn nghìn tỷ, từng tham gia thị trường vàng
BĐS Hồ Gươm (đơn vị thế chân Viwaseen tại dự án An Thịnh 6) nằm trong hệ sinh thái doanh nghiệp do doanh nhân Nguyễn Thị Loan phát triển. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng, từng tham gia thị trường vàng.