TS. Cấn Văn Lực: 90.000 tỷ vốn đầu tư công làm hạ tầng cho ĐBSCL là chưa đủ

Theo TS. Cấn Văn Lực, nguồn vốn đầu tư công 90.000 tỷ đồng cho ĐBSCL mới chỉ đáp ứng được 49% tổng vốn đầu tư các dự án hạ tầng. Do đó, rất cần phải huy động vốn ngoài ngân sách.

Chiều 10/6 vừa qua, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long”. Báo Chính phủ đưa tin.

Tại buổi làm việc, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ Quốc gia; Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, ĐBSCL được ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công của Nhà nước 90.000 tỷ đồng, với 11 dự án thành phần. Nhưng nguồn vốn này cũng chỉ đáp ứng được 49% tổng vốn đầu tư.

Với nhận định việc huy động vốn ngoài ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng vô cùng quan trọng, rất cần quan tâm giải quyết, TS. Cần Văn Lực đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, cần đẩy nhanh hoàn thành các quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Thứ hai, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA.

Thứ ba, cần cơ cấu lại, phát huy vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đây phải là ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển chủ lực phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời phải hình thành quỹ (hoặc ngân hàng xanh, hoặc ngân hàng bán buôn) là đầu mối dẫn dắt đất nước tiếp cận nguồn lực tài chính xanh.

Thứ tư, tháo gỡ vướng mắc trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng hơn đối với các tổ chức cho vay; Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình, trái phiếu chính quyền địa phương.

Thứ năm, nâng cao chất lượng, năng lực thẩm định, thi công và quản lý các dự án, không để xảy ra việc đội vốn quá nhiều, chậm tiến độ quá lâu hay đề xuất mức doanh thu kỳ vọng quá cao.

Thứ sáu, đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, du lịch, y tế, giáo dục…

Thứ bảy, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cần thống nhất chính sách về việc cho phép nhà đầu tư, các tổ chức cho vay nước ngoài được nhận tài sản thế chấp, được mua nhà ở, tài sản trên đất. Để bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia, có thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở và bất động sản khác thông qua ủy thác bên thứ ba tại Việt Nam…

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.