Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với Viện chiến lược GTVT nghiên cứu xây dựng đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”.
Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2020, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021 dừng hoạt động đối với xe máy vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày; hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.
Giai đoạn 2 từ năm 2023, dừng hoạt động đối với xe máy trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt…).
Giai đoạn 3, đến năm 2025 cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ô tô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực.
Hạ tầng giao thông dù được chú trọng phát triển nhưng vẫn không thể bắt kịp sự gia tăng của phương tiện. |
Đề án này đã đón nhận khá nhiều ý kiến trái chiều của người dân, liệu việc cấm xe máy vào nội thành có thực sự khả thi?
TS Nguyễn Thanh Tú, Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Việt Nam Mới về mức độ khả thi của dự án này:
PV: Thưa Tiến sĩ, việc đưa ra phương án cấm xe máy lưu thông trong khu vực nội thành liệu có khả thi ?
TS Nguyễn Thanh Tú: Quan điểm cá nhân tôi thấy có khả năng sẽ làm được, vì không phải chúng ta cấm hẳn mà ở đây chúng ta cấm theo lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó các vành đai có phương tiện công cộng phát triển thì chúng ta sẽ tổ chức cấm thí điểm để người dân quen dần với việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Sau khi cấm người dân sẽ có hai lựa chọn một là sử dụng phương tiện vận tải công cộng, hai là sẽ phải chọn hành trình dài hơn và xa hơn để tránh đường cấm. Việc này tôi thấy có thể khả thi và phù hợp vì thành phố sẽ còn phát triển hơn nữa các phương tiện giao thông công cộng.
Hiện nay mạng lưới xe buýt của địa bàn thành phố đã tương đối rộng khắp gần như vị trí nào cũng có xe buýt nên cũng không đáng lo về vấn đề phương tiện công cộng có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân hay không.
Vậy nếu hạn chế các phương tiện cá nhân lưu thông trong nội thành sẽ cần phải chuẩn bị những gì, thưa TS?
Đầu tiên phải tăng cường khả năng kết nối giữa các phương tiện giao thông công cộng để người dân không phải chuyển tuyến và khoảng cách giữa các điểm xử dụng phương tiện công cộng không được cách nhau quá xa.
Thứ hai phải xây dựng thêm nhiều bãi đỗ xe công cộng để người dân cảm thấy thuận tiện nhất có thể.
Theo TS, khi cấm các phương tiện xe máy đối tượng nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Theo tôi những người làm giờ hành chính sẽ không bị ảnh hưởng nhiều mà đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là những người buôn bán nhỏ, phương tiện đi lại kiếm sống duy nhất của họ là chiếc xe máy nên khi bị cấm họ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trung Quốc cũng cấm xe máy nhưng lộ trình của họ phải kéo dài trong 20 năm. Nhưng khi thực hiện đã kéo theo rất nhiều hệ lụy như xe ôm thất nghiệp, khi người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều sẽ xuất hiện trộm cắp, móc túi trên xe buýt,... đó là một vài hệ lụy có thể nhìn thấy ngay nếu chính quyền không có những giải pháp thích hợp.
Có một số ý kiến cho rằng sẽ chỉ cấm các phương tiện ngoại tỉnh vào nội đô vậy nếu việc đó được thực hiện liệu có kéo theo các hệ lụy khác mà những người đi xe tỉnh lẻ phải hứng chịu.
Nếu cấm như vậy đa số người buôn bán trên địa bàn thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn từ đó sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực như: mua bán sổ hộ khẩu, xe máy biển Hà Nội sẽ tăng giá, nhiều người sẽ phải mất thêm một khoản tiền không hề nhỏ để mua thêm một chiếc xe khác để sử dụng trông khi xe cũ của họ vẫn dùng tốt gây lãng phí... liệu nhà quản lí có kiểm soát được những vấn đề đó không.
Theo đề án các phương tiện xe máy sẽ bắt đầu bị hạn chế lưu thông từ năm 2020. |
Nếu không hạn chế phương tiện cá nhân sẽ không thể phát triển hạ tầng và giao thông công cộng bởi mặt đường không còn đủ chỗ trống. Nhưng nếu không phá bỏ được khó khăn này thì tương la không xa những người dân thủ đô sẽ còn phải chịu cảnh tắc đường nhiều hơn nữa.
Xin cảm ơn TS!