TS Nguyễn Tùng Lâm: 'Con cái kỳ thị nghề nghiệp bố mẹ là bệnh xã hội!'

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng do sự thiếu giáo dục toàn diện cho các em, đặc biệt là sự kính trọng và định hướng nghề nghiệp.
 

Như chúng tôi đã đưa tin, GS Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Viện huyết học truyền máu Trung ương được hàng ngàn nhân vên ở đây và người bệnh xếp hàng, ôm hôn chia tay trong nước mắt. Trong số các bức ảnh gây xúc động, hình ảnh ông và bảo vệ bệnh viên ôm nhau rơi lệ cũng khiến nhiều người chia sẻ.

Nhìn bức ảnh đó, con gái anh bảo vệ đã bị bạn bè nhắn tin "chê": “Ơ, bố bạn đi làm bảo vệ à, tưởng làm công to việc lớn gì hóa ra lại chỉ là bảo vệ thôi hả?”.

Đó là em Ma Thị Huệ (sinh năm 1992, quê ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên), bố là Ma Quang Thành đã 48 tuổi, gắn bó 3 năm với công việc làm bảo vệ tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương.

ts nguyen tung lam con cai ky thi nghe nghiep bo me la benh xa hoi
Hình ảnh GS Nguyễn Anh Trí và ông Ma Quang Thành. Nguồn FB GS Trí

Đây có lẽ không phải trường hợp hiếm thấy bởi nhiều em học sinh đã so sánh nghề của cha mẹ với nhau. Có em còn dặn: 'Lần sau mẹ đừng mặc quần áo lao công đến đón con'. Chúng tôi đã phỏng vấn TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội về vấn đề này.

ts nguyen tung lam con cai ky thi nghe nghiep bo me la benh xa hoi
TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Theo ông, tình trạng con cái xấu hổ với bạn bè của mình về công việc bố mẹ mình làm như lao công, thu mua đồng nát, giúp việc,… đặc biệt ở những trẻ em thành phố có xảy ra phổ biến hay không?

Cho đến thời điểm hiện tại chưa có sự thống kê cụ thể để đánh giá tình trạng này có xảy ra nhiều hay không nhưng chắc chắn đây không phải là hiện tượng cá biệt mà là phổ biến. Đó cũng là điều mà chúng ta phải quan tâm và giáo dục các em chứ không thể để thả nổi như hiện nay được.

Nguyên nhân nào khiến các em không dám giới thiệu bố mẹ mình làm lao động chân tay, thậm chí không dám mời bạn bè đến nhà, thưa ông?

Có 3 nguyên nhân khiến các em không tự tin về bố mẹ mình.

Thứ nhất, xuất phát từ chính bản thân các em học sinh đó, các em đã thật sự yêu quý, tôn trọng bố mẹ mình hay chưa?

Thứ hai, do quan niệm về nghề nghiệp của các em còn nhiều lệch lạc. Các em luôn có suy nghĩ trong đầu rằng có nghề thấp kém, có nghề cao quý. Nhưng việc đánh giá sự cao quý của bất cứ nghề nghiệp nào đều phải dựa trên những đóng góp của công việc đó cho xã hội. Ai đóng góp nhiều cho xã hội thì càng quý trọng.

Ví dụ như nếu làm lãnh đạo nếu nhận tham ô hối lộ thì cũng phải vào tù chứ đâu sung sướng bằng những người quét chổi tre làm hết trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của mình. Điều này xuất phát từ việc các em chưa có quan niệm chính xác, đúng đắn về ngành nghề trong xã hội.

Thứ ba, đây là một trong những căn bệnh xã hội, mang tính chất là bệnh sĩ của trẻ con, thấy gì khoe được thì khoe chứ chưa có ý thức về những việc hiện nay các em đang làm. Điều này xuất phát từ việc giáo dục chưa đến nơi đến chốn, chưa đến từng học sinh. Giáo dục mới chỉ ở bề nổi chứ chưa có bề sâu.

Ông có cho rằng đây là một sự thất bại của giáo dục, của chính cha mẹ hay không, khi con cái được đi học, được giáo dục để “con không chê cha mẹ khó”?

Đây là một sự hạn chế của giáo dục nước ta, bởi hiện nay giáo dục quá nặng về sự đồng loạt, chưa có sự cá biệt hóa giáo dục. Khi cá biệt hóa giáo dục, thầy cô cần phải quan tâm đến từng học trò, hiểu được tâm tư của từng trò. Từ đó phát hiện ra những học sinh có cá tính, nhận thức sai lầm về nghề nghiệp cần phải đưa ra trao đổi khéo léo.

Việc trao đổi này nhằm nâng cao, củng cố ở những em có nhận thức tốt và để những em làm sai tự ý thức được và sửa đổi. Muốn làm được điều đó, giáo viên phải có nghệ thuật tổ chức giáo dục khéo léo.

Theo ông, như thế nào là nghệ thuật tổ chức giáo dục khéo léo?

Đối với những em học sinh có thái độ kỳ thị về những nghề nghiệp lao động chân tay thì cần phải có cách tổ chức, giáo dục riêng để các em không có cảm giác bị áp đặt suy nghĩ, nhận thức.

Giáo viên có thể đưa ra những ví dụ, những câu chuyện từ thực tế để từ đó các em nhận thức được về vai trò của người mẹ, người bố của các em, để các em tự hào về bố mẹ của mình dù bố mẹ có làm những công việc nặng nhọc ngoài xã hội.

Những câu chuyện từ cuộc sống thực tế giúp các em nhận thức đúng đắn về vai trò xã hội của từng công việc, chứ không phải là kể những công việc cao sang để từ đó các em nhìn ra những công việc được cho là thấp hèn.

Ông đã từng gặp trường hợp học sinh nào cũng kỳ thị ngành nghề của bố mẹ mình chưa?

Trường hợp những học sinh kỳ thị nghề nghiệp, ghét bỏ bố mẹ không phải là hiếm. Có em học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập chính bằng việc bán nước mía. Em này cũng chưa ý thức được về nghề nghiệp của gia đình nên luôn phá phách, nghịch ngợm, bỏ bê gia đình, không quan tâm đến việc học hành.

Sau khi được giáo dục nhân cách, em này cũng đã hiểu được vai trò của bản thân đối với gia đình và xã hội nên có sự thay đổi nhanh chóng. Em phấn đấu để học tốt hơn, thậm chí được giỏi, thi đỗ đại học đồng thời cũng biết quý trọng bố mẹ mình hơn.

Theo ông, đối với những em đã “nhiễm” căn bệnh xã hội này thì cần phải “chữa” như thế nào?

Thứ nhất, cần giúp trẻ định hướng nghề nghiệp rõ ràng để trẻ không có những suy nghĩ lệch lạc. Mỗi người đều phải đóng góp cho xã họi bằng nghề nghiệp của mình. Còn đóng góp bằng cách nào thì đó là sự cao quý riêng của mỗi nghề. Đó là điều đầu tiên cần phải giáo dục cho các em để các em hiểu về nghề nghiệp. Đồng thời cũng khiến các em hiểu rằng phải trả điều này bằng chính cuộc sống của các em về sau.

Thứ hai, cần phải tăng cường việc giáo dục lòng yêu thương, sự tôn trọng, hiếu lễ của mỗi con người đối với bố mẹ của mình. Con không thể có quyền chọn cha mẹ cho mình. Nhưng điều có thể thay đổi là sự đóng góp của chính em đó như thế nào để làm rạng danh cho gia đình, giải quyết những khó khăn của gia đình mình ra sao. Chứ không phải cứ sinh ra ở nơi nhung lụa, giàu sang thì mới là vinh dự, tự hào.

Giáo dục cho học sinh phát triển nhân cách nhưng không được lệch lạc, phải lấy yêu thương, tự hào về bố mẹ, về gia cảnh của gia đình để từ đó phải phấn đấu từ cuộc sống thật ấy mà đi lên.

Thứ ba, cần tạo được môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh để phát triển nhân cách của các em. Thật khó nếu như các em trong cũng một lớp học lại có các ý thức khác nhau về tôn vinh gia đình.

Có những em ý thức được sự vất vả, lam lũ của công việc bố mẹ mình nhưng các bạn cùng lớp lại tạo sức ép, đẩy em đó đến việc ngại, xấu hổ vì nghề nghiệp của bố mẹ là thấp hèn và không bằng các bạn trong lớp. Từ đó, em này lại càng bị cô lập trong lớp, vô hình đã đẩy tới sự ghét bỏ, kỳ thị đối với bố mẹ mình.

Do đó, các thầy cô, gia đình và toàn xã hội phải tạo ra được một môi trường giáo dục chung trong sáng, lành mạnh cho học sinh thì mới có thể giáo dục tốt cho học sinh được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.