TS. Võ Trí Thành: Còn quá sớm để nhận định chính sách tiền tệ sẽ theo xu hướng nới lỏng

Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, những áp lực lên chính sách lãi suất đã giảm bớt tạo dư địa cho NHNN hạ lãi suất nhưng việc chuyển hẳn sang chính sách nới lỏng là điều chưa thể chắc chắn.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có thông báo về việc điều chỉnh giảm loạt lãi suất điều hành từ 0,5 - 1 điểm %, áp dụng kể từ ngày 15/3. Lần điều chỉnh lãi suất điều hành này không áp dụng với trần lãi suất huy động. Các mức lãi suất được điều chỉnh giảm gồm lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm và trần lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên.

Trong thông cáo phát đi mới đây, NHNN đánh giá việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ. Qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Áp lực đã giảm bớt nhưng khó nới lỏng thực sự

 TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý Trung ương. (Ảnh: NVCC). 

Động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN được một số chuyên gia kỳ vọng rằng là tín hiệu cho thấy xu hướng điều hành chính sách tiền tệ sẽ được chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng, song theo TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý Trung ương (CIEM), vẫn còn quá sớm để nhận định chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng.

Theo chuyên gia, "chưa thể chắc chắn NHNN sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ . Hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với các điều kiện ngặt nghèo và rủi ro tài chính cao hơn. Áp lực đó khá lớn đối việc điều hành chính sách tài chính.

Thời gian gần đây, áp lực này đã giảm bớt nhưng việc chuyển hẳn sang chính sách nới lỏng là chưa thể chắc chắn. "Đang từ tăng 5% mà giảm xuống chỉ tăng 3% được gọi là nới lỏng thì tôi cho là hơi quá", ông Thành nói.

Phân tích về những yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất, TS. Võ Trí Thành cho hay, với điều kiện bên ngoài, áp lực từ tỷ giá đã giảm nhiều, trong thời gian tới các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới khó có thể tăng mạnh lãi suất thêm nữa. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể vẫn tăng lãi suất nhưng với bước tăng nhỏ hơn và kết thúc sớm hơn dự báo sau hai vụ ngân hàng sụp đổ ở Mỹ.

Có dự báo cho rằng, trong tháng 3 Fed có thể không tăng lãi suất, tuy nhiên, những đợt tiếp theo thì không thể chắc chắn liệu Fed có tăng 0,5 điểm % hay 0,75 điểm % nếu lạm phát ở Mỹ diễn biến phức tạp hay không? Dù họ chỉ tăng đến giữa năm rồi đi ngang không tăng nữa cũng là một mức lãi suất khá cao.

"Yếu tố thứ hai là lạm phát, áp lực từ bên ngoài đã giảm do lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh, vừa rồi lạm phát của Mỹ chỉ còn 6% yoy. Trong nước cũng vậy, vẫn còn áp lực lạm phát khá là lớn phía trước nhưng mức tăng CPI tháng 2 đã thấp hơn tháng 1, cầu tiêu dùng khá yếu.

"Câu chuyện lạm phát sắp tới sẽ còn nhiều yếu tố tác động như biến động giá dầu, tăng lương hay tăng giá điện. Các yếu tố này có thể làm lạm phát tăng trở lại, gây áp lực lên chính sách tiền tệ của NHNN",TS. Thành nói.

Một điểm tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lãi suất điều hành của NHNN là thanh khoản của thị trường đã được cải thiện hơn, cộng với bản thân các ngân hàng thương mại cũng nỗ lực ít nhiều trong việc giảm lãi suất. 

Tình hình thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện, đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm lãi suất cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, ông Thành cho biết.

"Trong thời gian tới, nếu các yếu tố thuận lợi không còn, NHNN khó có thể tiếp tục hạ lãi suất. Dù vậy, nếu có điều kiện thì luôn luôn nên thực hiện giảm lãi suất điều hành vì sẽ tác động tích cực tới tâm lý thị trường. Động thái này cũng sẽ góp phần hạ lãi suất huy động - cho vay, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn", ông Thành nói.

Kỳ vọng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt

 PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh chụp màn hình). 

Còn theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là một động thái tốt, hành động đi trước một bước so với dữ liệu lạm phát của tháng 3 ở Việt Nam cũng như kỳ họp sắp tới của Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Ông Thế Anh cũng nhìn nhận, quyết định mang tính đón đầu này cũng có những rủi ro nhất định nếu lạm phát trong nước không tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, rủi ro này là rất nhỏ, CPI sẽ tiếp tục tăng chậm lại và sẽ ở dưới 4% (yoy) trong tháng này. Ngược lại, nếu duy trì lãi suất cao, điều kiện tín dụng trong nước bị thắt chặt quá lâu, kết hợp với cầu xuất khẩu từ bên ngoài đang suy yếu sẽ dẫn đến những sự đổ vỡ không thể cứu vãn, chuyên gia cho hay.

Lãi suất điều hành giảm sẽ truyền dẫn sang các loại lãi suất khác trong nền kinh tế giảm theo và ngay lập tức lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với một số đối tượng doanh nghiệp cũng giảm ngay sau đó, lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ giảm.

Lãi suất cho vay trung hạn đối với doanh nghiệp có thể giảm từ mức 13-14% xuống còn 11%, còn lãi suất cho vay ngắn hạn có thể giảm hơn nữa, từ hơn 10% giảm xuống còn hơn 8%, PGS. TS. Phạm Thế Anh nhận định.

Khi lãi suất cho vay giảm, điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng hơn thì các doanh nghiệp sẽ tìm được nguồn vốn cần thiết cho sản xuất kinh doanh, các thị trường tài sản cũng đỡ căng thẳng hơn so với trước.

“Đây là hành động tương đối là phù hợp. Tôi kỳ vọng trong thời gian tới lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, thông điệp chính sách của FED bớt thận trọng hơn thì lãi suất của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như thị trường”, ông Thế Anh đánh giá.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.