Trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP diễn ra chiều 11/12 về vấn đề thương mại dịch vụ, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động được một trung tâm logistics, 5 trung tâm thương mại, phát triển 30 siêu thị, 205 cửa hàng tiện ích, 110 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, thành phố đã đưa vào hoạt động được 7 chợ, 5 chợ khác đã đầu tư và đang hoàn thành các thủ tục để đưa vào khai thác.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, việc thiếu các chợ quy mô lớn là một trong những "điểm thiếu" ở lĩnh vực thương mại dịch vụ của thành phố.
Nhìn thấy được việc này, trong thời gian vừa qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo và trong quý I vừa qua đã bổ sung chợ đầu mối Gia Lâm và Mê Linh vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư.
Với chợ đầu mối Gia Lâm, chợ này dự kiến đặt tại xã Yên Thường với quy mô 125 ha.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì dự án này đã có nhà đầu tư quan tâm, đó là Tập đoàn T&T.
"Tập đoàn T&T đang nghiên cứu để cùng đối tác để xin đầu tư chợ này. Nếu đầu tư được chợ này với quy mô lớn, thì chúng ta sẽ có chợ đầu mối đảm bảo cung cấp cho vấn đề lương thực thực phẩm của Thủ đô cũng như xuất khẩu", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ.
Theo tìm hiểu của người viết, với quy mô 125 ha, chợ Yên Thường sẽ là chợ đầu mối lớn nhất Thủ đô Hà Nội tính tới thời điểm hiện tại.