Cận cảnh "dương bảo" mới phát hiện tại Nghệ An. Ảnh: Lê Quyết |
“Cát lợn” và “dương bảo”
Đây là nguồn gốc của hiện tượng các “thần y” nhan nhản từ xưa đến nay, với những phương thuốc, cách thức chữa bệnh kỳ dị, quái đản, và không thể nói khác hơn, là lừa đảo.
Và cũng là nguyên nhân làm mọi người háo hức về những “thần dược” được phát hiện từ cơ thể động vật, gây xôn xao dư luận thời gian qua như “cát lợn”, “cát nghé”, “kê bảo”, rồi “dương bảo”….
Một kịch bản khá giống nhau, đó là khi mổ các con vật, chủ nhân phát hiện các vật có hình thù, mùi vị kỳ dị trong cơ thể các con vật này; “nghe nói” là vô cùng quý hiếm, đắt đỏ, nhưng sau đó… chẳng ai mua.
Vào ngày 14.9.2016, mổ lợn nái nuôi đã 13 năm, ông Lương Xuân Linh (xóm 1, Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An) phát hiện vật thể lạ, được cho là “cát lợn” từ trong dạ dày con vật.
Rửa sạch, “cát lợn” có hình bầu dục như củ khoai, được bao bọc bởi lớp lông cứng như lông lợn đan ken, màu trắng, đen, nâu..., nặng gần 500g.
Vật thể này tương truyền là một vị thuốc vô cùng quý hiếm, được người tận Hồng Kông đặt mua với giá đến 3 tỉ đồng. Nhưng cho đến nay, “cát lợn” này vẫn còn… đợi khách, vì chẳng ai mua. Đây là số phận của nhiều “cát lợn” khác trên cả nước.
Mới đây nhất (4.4), anh Trần Công Phúc (chủ quán dê Hương Sơn ở số 2, ngõ 6, Lý Thường Kiệt, TP. Vinh, Nghệ An) mổ bụng con dê 10 tuổi, phát hiện trong dạ dày 2 vật thể lạ, nặng 300 gam. Anh Phúc nghe ai đó “dò tìm trên mạng”, được biết đây “dương bảo” có tác dụng “tăng cường sinh lực phái mạnh”.
“Dương bảo” này vẫn tiếp tục có thông tin là “nhiều người hỏi mua”, nhưng chủ “chưa bán”.
Trước đó, một người (ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) làm thịt gà, phát hiện vật thể lạ, nghe nói là “kê bảo”, cũng “vô cùng quý hiếm”.
Thiếu tư duy phản biện
Người Việt, vốn có nếp tư duy “hoài cổ”, cho rằng những cái gì thuộc về truyền thống, quá khứ đều tuyệt vời, siêu đẳng, lý tưởng. Bên cạnh đó là tư duy có phần dễ dãi, dễ tin vào những lời đồn, truyền thuyết, những điều huyền bí, hoang đường, những thông tin không có cơ sở, thiếu kiểm chứng…, tóm lại là rất yếu về tư duy phản biện.
"Cát lợn" được cho là vô cùng quý hiếm, được trả giá đến 3 tỉ đồng, nhưng rút cục... chẳng ai mua. |
Nhiều người cho rằng “cát lợn” (trư cát), “dương bảo”, “kê bảo”…. là vị thuốc quý, rất đắt đỏ, nhưng “chẳng thể biết” là nó chữa bệnh gì, cách bào chế, cơ chế chữa bệnh ra sao, tài liệu nào ghi nhận…, đã có ca nào hiệu quả chưa.
Dĩ nhiên, ai cũng mong muốn có sức khỏe dồi dào, không bệnh tật, trẻ mãi không già, hoặc khi mắc bệnh thì được chữa khỏi nhanh chóng… Nhưng thay vì tiếp thu, vận dụng các thành tựu khoa học, y học hiện đại, hoặc trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu một cách đầy đủ, không ít người vẫn tin vào những phương thuốc thần kỳ, những cách chữa bệnh thần bí, hoang đường nhuốm màu mê tín dị đoan như “năng lượng vũ trụ”, rồi “thần dược chữa bách bệnh”….
Họ không cần nghiên cứu, tìm hiểu, họ đã có sẵn “lý luận”, đó là do “khoa học chưa khám phá được”, rồi “không hiệu nghiệm tại sao có nhiều người sử dụng”, là “y học cổ truyền rất kỳ diệu”… vân vân.
Chỉ đến khi, gặp hậu quả thảm khốc, họ mới tỉnh ngộ, nhưng đã muộn. Gần đây, một cháu bé 5 tuổi tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) bị chó dại cắn, được mẹ đưa đi lấy thuốc nam điều trị, ở một nhà thầy lang rất “nổi tiếng”, thay vì tiêm phòng dại thường quy. Hậu quả cháu bé tử vong, người mẹ ân hận suất đời.
Tuy nhiên, một bác sĩ cho biết, rất nhiều người dân vẫn tin rằng sở dĩ cháu bé kia chết là do chưa uống đủ liều, chứ không phải do thuốc nam không chữa được bệnh dại (?!).
Nghịch lý là, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nhưng đây đó vẫn có hiện tượng dễ dãi tin vào những điều nhảm nhí, những đồn thổi vô căn cứ, những điều hoàn toàn phản khoa học.
Nếu có một cuốn sách góp nhặt những chuyện bi hài do con người mê muội vì những điều sai lầm, tin vào những chuyện hoang đường, nhảm nhí... do thiếu tư duy phản biện, ắt hẳn nó sẽ rất dày, dù chỉ chép những chuyện xảy ra trong thế kỷ này.
Thiếu tư duy phản biện, như một tấm màn che chắn, ngăn cản con người bước tới ánh sáng văn minh.
Và, chúng ta lại phải nhắc câu nói nổi tiếng của Rene Descartes: “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” (I think; therefore I am).