‘Thần dược’ trị bách bệnh giá chỉ… 100.000 đồng. (Video: Thiên Trường).
Trong những ngày này không khó để bắt gặp cảnh các quầy thuốc nam vây kín các cửa phủ, đền chùa ở Hà Nội, với tiếng loa quảng cáo inh tai nhức óc về công dụng trị bách bệnh của các “thần dược”.
Những gói thuốc nam không nhãn mác, không xuất xứ, không hạn sử dụng, được người bán cho biết là có thể chữa khỏi các bệnh tiểu đường, tim mạch, gout,… với mức giá chỉ từ 20.000 - 100.000 đồng/gói.
“Uống vào tăng cường sức khoẻ thì chẳng sợ virus corona nào nữa”, nửa đùa nửa thật một người bán trà thảo mộc trước cổng Phủ Tây Hồ (Hà Nội), nói.
Tại một quầy bán trà thảo mộc trước cổng Phủ Tây Hồ (Hà Nội), những lá trà đã sấy khô, hoặc đổ đống trên sạp không vật che chắn, hoặc được bọc trong túi nilon, được người bán quảng cáo uống vào có thể trị bách bệnh, từ tiểu đường, mỡ máu, tim mạch,… có giá 100.000 đồng/gói.
Theo lời người bán, đây là hai loại trà hồng sâm và sơn mật, được chế biến từ các loại cỏ mọc tự nhiên trên các vùng núi đá Sapa, Hà Giang,nên rất mát. Loại này có thể chữa được các bệnh từ đơn giản như ho, viêm họng đến các bệnh mà y học hiện đại vẫn gặp khó trong việc điều trị như xơ gan, tiểu đường, tim mạch, sỏi thận,… Cách dùng cũng đơn giản, chỉ cần chế 100g trà với 2 lít nước sôi, đợi trong 3 phút là có thể uống được ngay.
Kèm theo đó người bán cũng không quên căn dặn, để có được kết quả tốt nhất thì phải dùng hằng ngày.
Khi được hỏi tại sao bán hai loại trà mà ở quầy chỉ thấy có một, người này khẳng định luôn: “Không đâu, là hai loại đấy, nhưng trộn chung với nhau…. cũng được”.
Trên các sản phẩm đã được bọc nilon sẵn, ngoài những dòng giới thiệu về công dụng đặc biệt của loại trà này và số điện thoại đặt hàng, thì không thấy ghi một dòng thông tin nào về xuất xứ nguồn gốc hay hạn sử dụng.
Người bán cho biết, trà có thể dùng trong một năm, hoặc lâu hơn nếu được bảo quản được tốt.
Thấy khách còn chần chừ chưa mua, người này tiếp tục quảng cáo, có cơ sở chính ở Hà Nội, chỉ cần gọi điện đặt hàng theo số điện thoại, bao nhiêu cũng có.
“Bản thân tôi cũng pha uống mỗi ngày, nên cứ yên tâm sử dụng”, người bán hàng trấn an.
Trong khi đó, chủ quầy thuốc thừa nhận, bản thân không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuốc, cũng không biết về các loại thuốc nam, chỉ thu mua từ những nơi khác về để bán.
Cách đó khoảng 100m là một quầy thuốc khác cũng bày bán la liệt các gói thuốc ngâm trị bệnh, đồng giá 20.000 đồng/gói.
Các gói thuốc bột màu vàng cũng không rõ xuất xứ, không rõ thành phần nguyên liệu và hạn sử dụng. Khi được hỏi thuốc gồm có thành phần gì, người bán tỏ thái độ khó chịu, và cho biết đây là thuốc gia truyền nên không thể nói được.
Tương tự như loại trà trên, công dụng của các gói thuốc này được liệt kê rất nhiều như đặc trị đau xương khớp, đau lưng, mỏi gối, tê dại chân tay, mất ngủ, chống ra mồ hôi chân, giúp điều hoà khí huyết, tinh thần sảng khoái.
Tù mù với chất lượng sản phẩm, song nhiều người tiêu dùng vẫn tin vào quảng cáo mua thuốc về sử dụng mà không cần khám bệnh, kê đơn.
Chị Thu Quỳnh, ngụ tại Cầu Giấy (Hà Nội), khách hàng vừa mua khoảng 5 gói thuốc ngâm chân, cho biết: “Tôi hay ra mồ hôi chân tay, đi chữa nhiều rồi nhưng không khỏi. Nay mua dùng thử loại này. Nhà thuốc cho biết nếu không thuyên giảm họ sẽ gửi thêm”.
Tuy biết là không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng nhưng những người dùng như chị vẫn tặc lưỡi nhắm mắt mua thuốc về dùng, với tâm lí “có bệnh thì vái tứ phương”, hay thuốc nam thường… lành tính.
Việc sử dụng các loại thuốc nam mà không biết rõ công dụng, độc tố của nó đã được các chuyên gia y tế cảnh báo, rất dễ gây ra những biến cố nguy hiểm cho người bệnh.
“Việt Nam có nhiều cây thuốc nam tốt, có thể chữa nhiều bệnh mà y học hiện đại cung đang gặp khó trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, nếu tuỳ tiện sử dụng thuốc, không hiểu rõ về nguồn gốc, tác dụng, cách chế biến và những tác dụng phụ của thuốc, thì cây thuốc đó sẽ trở thành thuốc độc”, Lương y Hoàng Trần Côn (Ý Yên, Nam Định), một người làm nghề bốc thuốc mấy chục năm nay, chia sẻ.
Chị Phạm Thị Tình, ngụ tại TP Nam Định bị ngã xe, chấn thương cổ chân. Khước từ yêu cầu bó bột của bác sĩ, chị Tình quyết định tìm một thầy lang trên đường Hàn Thuyên (TP Nam Định) để bó thuốc.
Tuy nhiên, sau hai tuần bó thuốc, không những chỗ đau không thuyên giảm mà còn bị sưng to, tím ngắt. Người nhà lúc đó vội đưa vào viện thì bác sĩ kết luận vị trí bó thuốc có dấu hiệu bị tổn thương, nếu không điều trị sớm, có thể dẫn đến việc bị hoại tử chân.
Lương y Côn cho biết một số cây thuốc nam có tác dụng như một loại kháng sinh. Tuy nhiên, nó sẽ có tác dụng phụ hoặc gây ra các độc tố nếu bó thuốc quá lâu. Có những loại thuốc bó chỉ có tác dụng khi bó trong 2 giờ đồng hồ, nhưng nếu bó quá lâu sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ như lở loét, thối thịt, hoại tử, đau nhức…
Do đó, để bảo vệ sức khoẻ của mình, người bệnh cần đến những cơ sở y tế thăm khám, và điều trị nếu có bệnh. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc nam, cần được sự tư vấn của các lương y có giấy phép hành nghề, nắm được thành phần, công dụng của thuốc, và liệu trình điều trị thích hợp, tránh tiền mất tật mang.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020