Thủ tướng yêu cầu tài xế phải mặc đồ bảo hộ khi chở nông sản lên cửa khẩu để phòng virus corona

Thủ tướng yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch tại cửa khẩu, để khi trở lại Việt Nam không phải áp dụng biện pháp cách li.

Tài xế chuyển hàng qua cửa khẩu không phải bị cách li

Thủ tướng vừa kí công điện mới nhất về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) vẫn diễn biến phức tạp.

Tại công điện này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, thống nhất với các Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính, Công Thương, UBND các tỉnh có đường biên giới và cơ quan liên quan, xây dựng quy trình kiểm dịch y tế, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông.

Thủ tướng yêu cầu tài xế phải mặc đồ bảo hộ khi chở nông sản lên cửa khẩu để phòng virus corona - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu tài xế phải mặc đồ bảo hộ khi vận chuyển nông sản qua biên giới. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Quy trình này sẽ được áp dụng tại các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sắt, trên nguyên tắc tạo thuận lợi, đẩy nhanh hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu, để khi trở lại Việt Nam không phải áp dụng biện pháp cách li theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trước đó, Bộ Y tế có hướng dẫn các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc về việc thực hiện các biện pháp phòng dịch cho tài xế ngay từ đầu, để khi quay về không phải bị cách li. Theo đó, lái xe và người giao hàng chỉ được chở đến khu vực giao hàng tại cửa khẩu, không đi sâu vào nội địa. 

Tài xế và người giao hàng bắt buộc phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (hoặc dung dịch sát khuẩn). 

Khi quay trở lại phải cởi bỏ đồ phòng hộ, khẩu trang tại khu cách li của cửa khẩu, sau đó kiểm dịch y tế. Lái xe, người giao hàng sẽ không bị cách li khi trở về, nhưng phải tự theo dõi sức khoẻ và báo ngay cho cơ quan y tế địa phương, nơi cư trú khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh có đường biên giới chủ trì, phối hợp với các Bộ để trao đổi, làm việc với các địa phương biên giới phía Trung Quốc, thống nhất triển khai thực hiện các quy trình xuất khẩu hàng hoá.

Tại công điện này, người đứng đầu Chính phủ cho biết đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương, về việc tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam (tỉnh Lạng Sơn) và lối mở Km3+4 phường Hải Yên, Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt về phòng chống dịch. 

Hơn 2.000 tấn thanh long được thông quan qua Trung Quốc

Chi cục Hải quan Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) cho biết trong 4 ngày qua (từ 8-11/2), hơn 100 container chở gần 2.000 tấn thanh long đã được thông quan qua Trung Quốc.

Thủ tướng yêu cầu tài xế phải mặc đồ bảo hộ khi chở nông sản lên cửa khẩu để phòng virus corona - Ảnh 2.

Hơn 2.000 tấn thanh long đã được thông quan qua Trung Quốc. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Để tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây, cửa khẩu Kim Thành đã đưa thanh long xếp vào luồng xanh, ưu tiên xuất khẩu trước các mặt hàng khác. Những container chở thanh long bị mắc kẹt từ trước đó tại cửa khẩu được ưu tiên đặc biệt.

Không chỉ mặt hàng thanh long, các nông sản khác như mít, dưa hấu với hàng nghìn tấn cũng đã được xuất khẩu sang Trung Quốc sau thời gian chờ cửa khẩu mở lại.

Để đảm bảo nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Lào Cai đã thành lập đội lái xe trung chuyển hàng hóa với những điều kiện về bảo hộ, khử trùng, sát khuẩn theo quy định nghiêm ngặt.

Cụ thể, với hàng hóa phía Trung Quốc sang, lái xe sẽ dừng lại tại khu cách li, sau đó đội lái xe trung chuyển phụ trách làm thủ tục và đánh xe vào bãi kiểm hóa. Đối với các xe xuất khẩu của Việt Nam cũng do đội lái trung chuyển phụ trách theo quy định.

Cơ quan chức năng cho biết đội lái xe này sinh hoạt trong vùng an toàn, do Ban Quản lí Khu kinh tế đặt ra để theo dõi và quản lí. 

Nếu thành viên của đội lái xe có nhu cầu ra ngoài hoặc tìm công việc khác, sẽ thực hiện cách li trong thời gian theo quy định. Đội lái xe phải chịu sự giám sát của Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, phải mặc quần áo bảo hộ, thực hiện sát khuẩn, khử trùng cẩn thận. Các xe hàng hóa cũng thường xuyên được khử trùng, tiêu độc nhằm ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh Covid-19.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.