Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 40 tỉ USD, thì xuất sang Trung Quốc đến 8,5 tỉ USD, riêng rau quả là 2,6 tỉ USD.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp cho thấy trong các loại rau quả xuất sang Trung Quốc, thanh long, dưa hấu chiếm phần lớn. Vài ngày qua, đây cũng là 2 mặt hàng được kêu gọi giải cứu nhiều nhất vì tắc đường sang Trung Quốc, bởi ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19).
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không chỉ thanh long, dưa hấu mà còn một loạt các mặt hàng nông sản khác với sản lượng lên đến hàng nghìn tấn cũng đang lo âu vì không có thị trường tiêu thụ, đang chờ giải cứu.
Theo báo cáo của tỉnh Bình Thuận - địa phương được mệnh danh là "thủ phủ" thanh long của cả nước, dự kiến tổng sản lượng thanh long đến kì thu hoạch trong tháng 2 và tháng 3/2020 của các nhà vườn trên địa bàn tỉnh khoảng 88.426 tấn.
Để ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay khi bị tắc đường xuất sang Trung Quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã khuyến cáo nhà vườn tổ chức sản xuất thanh long cho phù hợp, như tạm dừng chong đèn thanh long ra hoa trái vụ, giảm từ một nửa lượng trái trên cây để tập trung dinh dưỡng, giảm tối đa chi phí…
Trong khi đó, tại Long An, toàn tỉnh hiện có hơn 11.820 ha thanh long, diện tích cho trái khoảng 9.586 ha, sản lượng 317.932 tấn.
Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vào hôm qua (11/2), lãnh đạo tỉnh cho biết hiện thanh long đang vào vụ thu hái nhưng tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Sản lượng thanh long chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 1 đến nay khoảng 30.000 tấn, chưa kể đến 59.580 tấn được thu hoạch trong tháng 2 và 31.750 tấn được thu hoạch trong tháng 3 tới. Như vậy, tổng cộng sản lượng thanh long chưa tiêu thụ được và tính đến hết tháng 3 là khoảng hơn 121.000 tấn.
Trong khi 2 vựa thanh long lớn nhất nước là Bình Thuận và Long An đang kêu gọi giải cứu, thì nhiều tỉnh thành khác trong nước cũng đau đầu vì hàng trăm nghìn tấn trái cây chuẩn bị đến mùa thu hoạch có thể tiếp tục gặp khó vì dịch Covid-19.
Tại cuộc họp kết nối các địa phương sản xuất nông sản và doanh nghiệp phân phối lớn do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - ông Nguyễn Hữu Dũng, cho biết tỉnh sắp bước vào mùa thu hoạch nông sản, và có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch.
Ông Dũng cho biết xoài là mặt hàng chủ lực của tỉnh, với tổng diện tích 11.000 ha, sản lượng khoảng 90.000 tấn, và khoảng 1 tháng tới là bắt đầu thu hoạch.
Trong khi đó, khoai lang tại Đồng Tháp đang tồn đọng lớn nhất, với khoảng 11.000 tấn không xuất được. Ngoài ra còn có 6.700 tấn, nhãn 1.200 tấn đang tồn.
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đồng Nai, cho biết lượng nông sản cần tiêu thụ trên địa bàn tỉnh khá lớn, khoảng 85.000 tấn chuối và 59.000 tấn xoài.
Đồng Nai đang sắp vào vụ thu hoạch trái cây chính mùa, như mít, chôm chôm, sầu riêng...
"Thủ phủ" vải thiều Bắc Giang cũng lo lắng về đầu ra cho quả vải trong năm nay. Lãnh đạo tỉnh này cho biết mùa vụ vải bắt đầu từ ngày 20/5, và sản lượng vải xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm từ 45-60%, nhưng trước diễn biến bất thường của dịch bệnh, đầu ra của quả vải sẽ bị ảnh hưởng.
Trước tình hình khó khăn như hiện nay, các địa phương đều kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp có chính sách hỗ trợ hợp tác xã, người sản xuất chi phí vận chuyển tiêu thụ hàng hóa, lãi suất ngân hàng, thu mua tạm trữ, sơ chế, sử dụng kho đông lạnh bảo quản hàng hóa kéo dài trong thời gian thu hoạch.
Các tỉnh mong muốn nhất là được hỗ trợ kết nối tỉnh với các đơn vị tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để hạn chế lây lan dịch bệnh, một số cửa khẩu xuất khẩu nông sản đã tạm thời đóng cửa ngừng thông quan, nên những mặt hàng như dưa hấu, thanh long và trong thời gian tới là xoài, vải… sẽ gặp khó khăn tiêu thụ.
Để chủ động đẩy mạnh tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm nông sản, ông Hải đề nghị các địa phương và doanh nghiệp có sự trao đổi thông tin cụ thể về nguồn cung, nhu cầu và kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, phối hợp hỗ trợ nhau trong việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết vài ngày trước từng hi vọng Trung Quốc mở cửa thông quan nông sản, tuy nhiên, điều đó chưa xảy ra.
Ông khẳng định, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Công Thương đang cố gắng hết sức làm việc với phía Trung Quốc để cuối tháng 2 có thể thông quan trở lại.
Thời gian qua, các hệ thống phân phối lớn đã đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm, hỗ trợ các nhà vườn. Tuy nhiên bối cảnh hiện nay, theo Thứ trưởng cần phải làm quyết liệt hơn vì sản lượng nông sản hiện nay cần hỗ trợ tiêu thụ rất lớn.
Theo ông, có những mặt hàng cần phải tiêu thụ ngay thời điểm này, nhưng cũng có những mặt hàng một vài tháng nữa mới đến thời gian thu hoạch. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị các Sở Công Thương và hệ thống phân phối cần chủ động bàn bạc kế hoạch và hiện thực hóa kế hoạch đó, để tích cực hỗ trợ người nông dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường lại cho rằng thị trường Trung Quốc gặp khó khăn là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để tái cơ cấu mặt hàng nông sản trong nước.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cần phải tổ chức lại thật tốt chuỗi giá trị cho các loại nông sản, từ việc tạo kênh tiêu thụ nội địa rộng rãi, đến mở rộng thị trường nước ngoài, đặc biệt là việc xuất khẩu theo đường chính ngạch và chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020