362 container nông sản kẹt ở cửa khẩu đã qua được Trung Quốc, trong nước bắt đầu giải cứu thanh long, dưa hấu vì virus corona

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, 362 container nông sản "kẹt" ở cửa khẩu đã qua được Trung Quốc từ trưa nay. Ông cho biết hiện số nông sản còn lại thống nhất không chuyển qua biên giới, mà tập trung tiêu thụ nội địa.

362 container nông sản đã qua Trung Quốc 

Tại phiên họp báo thường kì Chính phủ tháng 1/2020, diễn ra chiều nay (5/2), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã dành nhiều thời gian đề cập tình hình hàng trăm container nông sản kẹt đường qua Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch nCoV.

362 container nông sản đã qua được Trung Quốc, bắt đầu kêu gọi giải cứu nông sản trong nước vì dịch viêm phổi - Ảnh 1.

362 container nông sản đã qua Trung Quốc. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Các phóng viên cũng đặt câu hỏi sẽ giải quyết số nông sản trên như thế nào. Đồng thời, Bộ sẽ có chính sách như thế nào hỗ trợ người sản xuất kinh doanh, lẫn doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trước tình hình dịch cúm, hoạt động xuất nhập khẩu nông sản qua Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Vài ngày qua, hàng trăm container nông sản đã ách tắc ở cửa khẩu. Sản phẩm sữa của Việt Nam dù được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết riêng 362 container nông sản ùn tắc mấy ngày qua, đến trưa nay đã được thông quan. Trong quá trình đàm phán cũng gặp khó khăn, chỉ được chuyển cửa khẩu quốc tế, nhưng trước mắt đã giải quyết được số container trên.

"Hiện số nông sản còn lại thống nhất không chuyển qua biên giới, mà tập trung tiêu thụ nội địa, tập trung chế biến sâu", Thứ trưởng nói.

Bộ Nông nghiệp đã đề nghị doanh nghiệp, các tỉnh tập trung chế biến sâu, xúc tiến tìm thị trường, tiêu thụ nội địa. Cụ thể, ngay trong tháng 2 này, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương tiến hành xúc tiến thương mại với một số nước như Mỹ, Brazil, Nga, Nhật.

Thứ trưởng cho biết trong tình thế khó khăn lâu dài, Bộ sẽ cơ cấu lại sản phẩm phù hợp thị trường. Bộ cũng phối hợp Thông tin và Truyền thông để phổ biến đến doanh nghiệp, đia phương chuẩn bị cơ cấu lại sản phẩm, song song với trao đổi thông tin thường xuyên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, tìm đường mở lối cho nông sản.

Chỉ đạo các địa phương hỗ trợ giải cứu nông sản

Trả lời thêm về việc xuất khẩu nông sản gặp khó trong thời gian dịch nCoV diễn biến phức tạp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nhất là doanh nghiệp liên quan nông sản.

362 container nông sản đã qua được Trung Quốc, bắt đầu kêu gọi giải cứu nông sản trong nước vì dịch viêm phổi - Ảnh 2.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ đạo các địa phương hỗ trợ giải cứu nông sản. (Ảnh: VGP).

Theo Bộ trưởng, dịch nCoV tác động mạnh đến thương mại, xuất nhập khẩu không chỉ với Trung Quốc mà còn khó khăn với các thị trường khác. Nguyên nhân là hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam như may mặc, được nhập từ Trung Quốc. 

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới trong tình hình hiện nay là khó khăn nhất. Bộ trưởng nhấn mạnh việc phòng chống dịch không được làm gián đoạn hoạt động sản xuất doanh nghiệp, đối phó dịch, phải tạo điều kiện xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng hiện nông sản Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Về lâu dài, ngành nông nghiệp cần tái cơ cấu, sản xuất theo nhu cầu thị trường, tăng cường hệ thống phân phối, không để phụ thuộc vào 1 thị trường.

Bộ trưởng cho biết hiện đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp trong nước hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản trước tình hình vẫn khó khăn hiện nay.

Bộ Công Thương kêu gọi người dân giải cứu nông sản

Bộ trưởng cũng nhắc đến việc Bộ Công Thương từ hôm 31/1 đã có văn bản yêu cầu tăng cường các biện pháp nhằm đối phó dịch bệnh, hỗ trợ xuất nông sản qua cửa khẩu.

Trong thông báo mới đây, Bộ Công Thương đã kêu gọi một loạt bộ ngành cùng chung tay hỗ trợ nông dân.

362 container nông sản đã qua được Trung Quốc, bắt đầu kêu gọi giải cứu nông sản trong nước vì dịch viêm phổi - Ảnh 3.

Bộ Công Thương kêu gọi giải cứu nông sản. (Ảnh: Zing).

Bộ cho biết trước ảnh hưởng sâu rộng của dịch, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay. Dự kiến, hôm nay, nội các Thái Lan thông qua một Chương trình tổng thể, để hỗ trợ khẩn cấp cho các công ty lữ hành gồm, cho vay ưu đãi, hoãn trả vốn và lãi trong 6 tháng, tạm hoãn đóng thuế thu nhập, đồng thời giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu bay và giảm phí sân bay để trợ giúp ngành hàng không.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là với trái cây, mặt hàng có thời gian bảo quản rất ngắn.

Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay… để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay, góp phần hỗ trợ nông dân.

Bộ yêu cầu các tỉnh hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch những lô hàng có đủ điều kiện, đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc, để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức.

Với các lô hàng không đủ điều kiện chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức thì ưu tiên giải phóng hàng khi chợ biên giới được mở lại.

"Tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước", thông báo của Bộ Công Thương nêu.