Trước khó khăn của việc xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch vì ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), vào đầu tháng 2/2020, Bộ Công Thương đã kêu gọi bộ ngành, doanh nghiệp và người tiêu dùng cả nước cùng chung tay hỗ trợ, "giải cứu" giúp nông dân.
Chỉ sau 10 ngày kêu gọi, các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Big C, VinMart, Lotte Mart, Aeon Mall, MM Mega Market… đã nhập cuộc giúp đỡ nông dân trồng thanh long, dưa hấu tại nhiều tỉnh thành.
Tuy nhiên mới đây, các nhà bán lẻ này lại bất ngờ cho biết dường như nông dân và doanh nghiệp đã hết muốn được giải cứu tiếp. Dù theo báo cáo của các tỉnh, vẫn còn hàng trăm nghìn tấn đang và sẽ gặp khó vì tắc đường qua Trung Quốc.
Có thông tin không cần giải cứu nông sản nữa
Từ ngày 5/2, một ngày sau khi Bộ Công Thương kêu gọi chung tay hỗ trợ giải cứu thanh long, dưa hấu giúp nông dân, hai mặt hàng này đã ngay lập tức lên quầy kệ tại các siêu thị thuộc hệ thống Big C, Saigon Co.op, Lotte Mart, Aeon Mall…
Các siêu thị cho biết đã thu mua với giá giúp nông dân vừa có lời, và bán hàng không lợi nhuận với mức giá từ hơn 4.000 đồng/kg dưa hấu ruột đỏ và hơn gần 11.000 đồng/kg thanh long. Ghi nhận sức mua tại siêu thị rất tốt, trung bình tăng từ 3-10 lần so với sức mua ngày thường, do được nhiều người dân chung tay ủng hộ.
Cụ thể, Aeon Mall cho biết chỉ sau 5 ngày giải cứu, hệ thống đã tiêu thụ 60 tấn dưa hấu và 20 tấn thanh long. Big C tiêu thụ mỗi ngày 100 tấn dưa hấu, gấp 10 lần ngày thường.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Saigon Co.op Hà Nội cho biết từ ngày 5/2, Co.opmart có chương trình hỗ trợ dưa hấu và thanh long tới 800 điểm bán trên cả nước, sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày là 160 tấn.
Tuy nhiên, theo bà, có thời điểm dưa hấu và thanh long phải chờ 2 ngày thì sản phẩm mới ra đến nơi. Do đó, bà cho rằng các địa phương cần cung cấp nguồn hàng, đảm bảo số liệu tốt nhất để tiêu thụ cho người nông dân, tránh ảnh hưởng nguồn cung.
Cũng trao đổi thẳng thắn về việc tạm "đứt" nguồn cung dù đang hỗ trợ thu mua, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó tổng Giám đốc VinCommerce - đơn vị vận hành VinMart, nói: "Chúng tôi chấp nhận bán hàng không lợi nhuận, chấp nhận lỗ khi chịu chi phí vận chuyển, nên cần cam kết sản lượng cần tiêu thụ là bao nhiêu và giá cụ thể như thế nào".
Đại diện đơn vị bán lẻ Aeon Việt Nam lại cho biết có thông tin không cần giải cứu nông sản nữa, thậm chí siêu thị liên hệ thì các nhà cung cấp cũng không cung cấp nữa.
Các doanh nghiệp bán lẻ đều khẳng định sẽ tích cực kết nối thị trường, đưa nông sản vào hệ thống. Tuy nhiên, siêu thị cần có sự cam kết ngược lại từ địa phương, nông dân để không lặp lại tình cảnh người dân vẫn chờ ủng hộ nhưng siêu thị hết hàng.
Theo báo cáo của tỉnh Bình Thuận, dự kiến tổng sản lượng thanh long đến kì thu hoạch trong tháng 2 và tháng 3/2020 của các nhà vườn trên địa bàn tỉnh khoảng 88.426 tấn.
Tại Long An, sản lượng thanh long chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 1 đến nay khoảng 30.000 tấn, chưa kể đến 59.580 tấn được thu hoạch trong tháng 2 và 31.750 tấn được thu hoạch trong tháng 3 tới.
Như vậy, tổng cộng sản lượng thanh long chưa tiêu thụ được và tính đến hết tháng 3 của hai tỉnh Bình Thuận, Long An lên đến gần 210.000 tấn.
Trong khi đó, một loạt các tỉnh thành khác như Đồng Tháp, Đồng Nai… cũng đang lo lắng khi xoài, chuối, khoai lang, nhãn… lên đến hàng trăm nghìn tấn, sắp đến mùa thu hoạch nhưng tình hình thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc vẫn đang gặp khó vì dịch Covid-19.
Tại buổi họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ đang cố gắng hết sức làm việc với phía Trung Quốc để cuối tháng 2 có thể thực hiện việc thông quan.
Bộ Công Thương đã tiếp tục khuyến cáo thanh long và dưa hấu hạn chế đưa lên biên giới để không phải tiếp tục xếp hàng dài chờ thông quan. Bộ cũng tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị... hỗ trợ nông dân tiêu thụ thanh long, dưa hấu đang gặp khó khăn để phục vụ người tiêu dùng trong nước.
Theo Thanh Niên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết sau khi tìm hiểu thì biết rằng sở dĩ nhà cung cấp dưa hấu, thanh long nói không cần "giải cứu" nữa, bởi họ muốn siêu thị mua với giá cao hơn, nhất là nghe ngóng tin Trung Quốc sắp mở cửa khẩu trở lại, trái cây sẽ được trả giá cao.
Việc nông dân luôn ngóng giá cao là thực tế đang xảy và làm khó những người chấp nhận bỏ vốn, công sức đứng ra "giải cứu" nông sản trong tình hình hiện nay.
Chị Thy, chủ một cửa hàng bán thực phẩm ở ngụ quận 9, TP HCM, cho biết với nguồn khách hàng thân thuộc của cửa hàng rất lớn nên mấy ngày qua, tận mắt chứng kiến nông dân trồng bưởi hồng ở Vĩnh Cửu - Đồng Nai không bán được bưởi ngay sau Tết, chị đã huy động khách quen giải cứu. Chị đến tận vườn trao đổi, mua sỉ hết cả vườn bưởi giúp nông dân, tính chi phi thuê người hái, vận chuyển lên TP HCM, bán không lợi nhuận với giá khoảng 12.000 đồng/kg. Hàng trăm người gồm khách hàng, bạn bè, người thân của chị tham gia đặt hàng ủng hộ.
Tuy nhiên, đến ngày cắt bưởi, nhà vườn thông báo chị phải tăng giá mua, tăng chi phí chở bưởi lên TP HCM, tăng chi phí thu hoạch... vì nhiều người đang về vườn "giải cứu" với giá cao hơn. Qua vài lần đàm phán, vài lần tăng giá và "muối mặt" tăng giá bán ra với khách hàng, chị Thy chỉ nhận được vài trăm kg bưởi không đủ chia cho vài khách quen, đành phải năn nỉ, xin lỗi khách vì lỡ giải cứu.
Tại Gia Lai, sau khi các tổ chức, cá nhân từ nhiều nơi về thu gom, giải cứu, giá dưa hấu tại ruộng từ 400-500 đồng/kg đã tăng gấp 10 lần, lên 4.000 đồng/kg, ngang giá các siêu thị tại TP HCM đang bán lẻ đến người dùng, nhưng các chủ vườn cho biết không còn dưa để bán. Chính điều này khiến các siêu thị tại TP HCM hiện cũng không còn dưa để bán.
Tại Bách Hóa Xanh, dưa hấu "giải cứu" đã không còn xuất hiện tại nhiều cửa hàng từ đầu tuần này. Giá dưa hấu hệ thống này đang bán khoảng 11.000 đồng/kg là sản phẩm kinh doanh bình thường.
Các địa phương cho rằng xảy ra tình trạng "đứt nguồn cung" nông sản giải cứu trong khi thực tế hàng vẫn còn tồn rất lớn tại vườn, là do nông dân nghe ngóng thông tin cửa khẩu sẽ mở lại. Các địa phương cũng có báo cáo về việc thương lái tiếp tục gom hàng để chở về biên giới. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục khuyến cáo các doanh nghiệp địa phương thời điểm này, không nên vội đem hàng về khu vực biên giới, bởi chưa có thông tin phía Trung Quốc sẽ mở cửa thông quan trở lại chính xác vào lúc nào.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, trước khi thúc đẩy xuất khẩu, cần tập trung vào thị trường trong nước với sức mua của 100 triệu dân.
Theo ông, có thể cân nhắc đến thị trường châu Á khác như Campuchia, Myanmar… vì với thị trường có nhu cầu cao như Mỹ, EU thì yêu cầu cũng rất khắt khe. Địa phương cũng cần tính toán để tái cơ cấu sản xuất và chuẩn bị kịch bản mang tính chiến lược, bài bản hơn.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020