Tại báo cáo về việc ứng phó khẩn cấp, cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), Sở Công Thương TP HCM cho biết vài ngày qua, các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn đã hỗ trợ giải cứu hơn nghìn tấn nông sản giúp nông dân.
Theo đó, trước tình hình một số mặt hàng nông sản như thanh long, mít, nhãn… rớt giá do gặp khó khăn, Sở đã làm việc với Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, toàn bộ các hệ thống phân phối trên địa bàn, 3 chợ đầu mối, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm để triển khai các giải pháp.
Về giải pháp tập trung kết nối, tiêu thụ sản phẩm tươi, các hệ thống phân phối, 3 chợ đầu mối tăng cường tổ chức thu mua các mặt hàng thanh long, dưa hấu.
Đến nay, Sở đã phối hợp với các tỉnh Long An, Bình Thuận và các tỉnh, thành phía Nam tập trung kết nối vào các hệ thống phân phối có mạng lưới kinh doanh trên cả nước như Saigon Co.op, Big C, VinMart…
Tính đến nay, sau thời gian ngắn thực hiện, sản lượng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị này đã tăng gấp nhiều lần so với trước.
Cụ thể, chỉ gần 1 tuần đầu tiên giải cứu, hệ thống Saigon Co.op đã tiêu thụ 84 tấn thanh long, 80 tấn dưa hấu. Sản lượng tiêu thụ tăng 2,5-3,5 lần so với ngày thường.
Tại VinMart, từ ngày 6-9/2, hệ thống tiêu thụ 85 tấn thanh long, 200 tấn dưa hấu, tăng hơn 10 lần so với ngày thường.
Hệ thống siêu thị Big C, từ ngày 5-10/2, đã tiêu thụ 141 tấn thanh long, 228 tấn dưa hấu, tăng gấp 4 - 8 lần so với ngày thường.
Lotte Mart tiêu thụ 20 tấn thanh long, 50 tấn dưa hấu, tăng gấp 3 lần bình thường.
Như vậy, tính chung, chỉ trong vài ngày, Saigon Co.op, Big C, VinMart, Lotte Mart đã tiêu thụ tổng cộng 888 tấn thanh long, dưa hấu và con số rất có thể đã vượt 1.000 tấn, do các doanh nghiệp bán lẻ vẫn chưa có số liệu thống kê trong vài ngày gần đây.
Tại các địa phương có trái cây phải giải cứu, thông tin trên Dân Việt, riêng hệ thống siêu thị và kênh bán hàng của Co.op mart Gia Lai đã thu mua gần 100 tấn dưa hấu của bà con nông dân, với giá 3.900 đồng/kg.
Tại Bình Thuận, các siêu thị, trung tâm thương mại Big C, Vinmart, Lotte Mart, Co.opmart, Bách Hóa Xanh… đã thông báo sẽ mua thanh long Bình Thuận với số lượng dự kiến 120 tấn/ngày. Ngoài ra, Sở Công Thương TP HCM, Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cũng đang giới thiệu 3 chợ đầu mối lớn nhất thành phố gồm chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối nông sản Thủ Môn, chợ đầu mối Hóc Môn cùng các doanh nghiệp thành viên hỗ trợ tiêu thụ thanh long Bình Thuận.
Các siêu thị đều cam kết bán không lợi nhuận, với giá dưa hấu ruột đỏ từ 4.200 đồng/kg, thanh long từ hơn 10.000 đồng/kg.
Đối với giải pháp tăng cường thu mua để sấy khô, trữ lạnh, các doanh nghiệp chế biến nông sản tăng cường tổ chức thu mua để sấy khô, trữ lạnh. Sở Công Thương TP HCM cam kết hỗ trợ kết nối, các hệ thống phân phối trên địa bàn cùng đồng hành hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản đã sấy khô, chế biến.
Bên cạnh đó, về giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu, Sở Công thương TP HCM phối hợp cùng các hội, Sở Công Thương các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch xúc tiến, phát triển thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản.
Trong đó, chú trọng giải pháp nâng cao và đồng bộ chất lượng nông sản; đáp ứng về tiêu chuẩn và sản lượng đối với các thị trường khó tính.
Trước tình hình một bộ phận người tiêu dùng hoang mang do lo ngại dịch bệnh kéo dài, lan rộng nên có hiện tượng gom, tích trữ các mặt hàng lương thực trong những ngày vừa qua, Sở Công Thương TP HCM đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu và các giải pháp cân đối cung - cầu khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Theo đó, Sở phối hợp các sở ngành, làm việc với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý I/2020 tăng 30-40% so với cùng kì năm 2019, trong trường hợp dịch bệnh lan rộng cộng đồng.
Nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu, TP HCM sẽ dự trữ 3.319,9 tấn lương thực mỗi tháng, trứng gia cầm 62,4 triệu quả/tháng.
Đường dự trữ 1.748,5 tấn/tháng, thực phẩm chế biến 631,7 tấn/tháng, dầu ăn 929,5 tấn/tháng, rau củ quả 6.409 tấn/tháng, thịt gia súc 2.224,7 tấn/tháng, thịt gia cầm 11.780,6 tấn/tháng.
Đối với mặt hàng sữa, thành phố sẽ dự trữ sữa bột dành cho trẻ em 71 tấn/tháng, sữa bột chức năng dành cho người cao tuổi, người bệnh là 75 tấn/tháng, sữa bột dành cho bà mẹ mang thai 11,7 tấn/tháng, sữa nước 130.051,17 lít/tháng.
Đặc biệt, Sở Công Thương TP HCM cũng khẳng định các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã có kế hoạch ứng phó, đảm bảo cung ứng, sẵn sàng cung ứng vượt 30-50% kế hoạch của thành phố giao.
Các chợ đầu mối cũng xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong giai đoạn phòng chống dịch, tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến.
Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn cũng có kế hoạch chuẩn bị, dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống dịch, tăng lượng hàng dự trữ từ 2-3 lần so tháng thường.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020