Thông tin từ các Bộ, ngành cho biết từ cuối tháng 3, Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường siết chặt việc thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Bộ Nông nghiệp thông tin từ ngày 30/3, phía Trung Quốc tăng cường quản lí chặt chẽ, không cho phép các lái xe đến từ các tỉnh đã có ca bị lây nhiễm dịch Covid-19 của Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc.
Từ ngày 7/4, phía Trung Quốc đề nghị thành lập đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu, chở hàng qua lại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh - Pò Chài. Theo đó, yêu cầu lái xe đến từ các tỉnh chưa phát sinh ca bị lây nhiễm dịch bệnh không được ra khỏi địa bàn TP Lạng Sơn và phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19.
Nước này yêu cầu chỉ những người có tên trong danh sách đội lái xe mới được xuất nhập cảnh chở hàng hóa qua lại hai bên.
Cũng từ ngày 7/4, tỉnh Quảng Tây yêu cầu các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam chỉ thông quan 5 tiếng/ngày (buổi sáng từ 8-11h, buổi chiều từ 12-14h), nghỉ vào các ngày cuối tuần và lễ, Tết. Tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, nếu hết giờ làm việc nhưng lái xe chưa giao được hàng sẽ được bố trí quay về đường cũ.
Phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường quản lí đối với xe hàng và lái xe qua biên giới. Cụ thể, xe hàng xuất nhập cảnh phải khử trùng kĩ theo quy trình liên quan; yêu cầu đăng kí đối với tất cả lái xe chở hàng qua biên giới, thực hiện vận tải theo điểm và tuyến cố định.
Xe hàng Việt Nam thực hiện bốc dỡ tại bãi hàng được chỉ định tại khu vực cửa khẩu, lái xe phía Việt Nam chỉ được giới hạn hoạt động tại khu vực bãi hàng và xuất cảnh trong ngày.
Liên quan tình hình thông quan hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương cho biết một số cửa khẩu đã được mở nhưng năng lực thông quan chưa cải thiện được nhiều, do cả hai bên đều đặt ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp phòng chống dịch. Thậm chí, do tăng cường siết về quản lí, thu hẹp thời gian thông quan nên số lượng xe hàng qua lại hiện nay còn thấp hơn so với hồi tháng 3.
Hôm 8/4, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đang tồn khoảng 1.698 xe và 1 toa hàng, trong đó riêng tỉnh Lạng Sơn còn tồn 1.582 xe, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, trái cây như thanh long, dưa hấu, chuối, xoài, mít…
Tuy nhiên, sau hai ngày, chỉ riêng các cửa khẩu tại Lạng Sơn, tổng số xe hàng đang ùn ứ, xếp hàng dài chờ được thông quan qua Trung Quốc tăng lên thành 2.600 xe. Đây là số lượng xe ùn ứ cao kỉ lục, thậm chí nhiều hơn cả số lượng container ùn ứ hồi tháng 2 khi vừa qua Tết Nguyên đán, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.
"Với những biện pháp mà phía Trung Quốc mới áp dụng, nếu lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực biên giới phía Bắc không giảm thì sẽ xảy ra tình trạng tồn đọng, ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu", Bộ Công Thương nhận định.
Bộ cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành liên quan, UBND một số tỉnh biên giới làm việc với phía Trung Quốc để bảo đảm lưu thông thương mại quốc tế, trên cơ sở thực hiện tốt, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
"Bộ Công Thương đang bám rất sát để tập trung xử lí. Dự kiến trong tuần tới, Bộ trưởng Công Thương sẽ cùng trao đổi với Đại sứ Trung Quốc và sẽ lên tuyến biên giới để khảo sát thực tế để có biện pháp tháo gỡ", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ và các địa phương hôm 10/4.
Trước diễn biến mới nhất khi Trung Quốc siết thông quan hàng hoá qua cửa khẩu, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình để chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác điều hành, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới.
Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường công tác thông tin, khuyến cáo hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi về diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, để chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.
Khuyến cáo doanh nghiệp nên xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, tuyệt đối không nên đưa hàng lên biên giới chỉ để bán tại các cặp chợ, không rõ đối tượng mua hàng, đối tượng nhận hàng, không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc đối với hàng xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Nông nghiệp rà soát, thông báo doanh nghiệp trước mắt tạm dừng đưa hàng nông sản, nhất là mặt hàng hoa quả lên khu vực Lạng Sơn. Nguyên nhân là số container ùn ứ tại các cửa khẩu trên tỉnh này còn quá nhiều, phải chờ thông quan hết số hàng đang tồn đọng.
Bộ Nông nghiệp yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, không bị ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường thu mua nông sản nhất là rau củ quả, thủy sản, chế biến phục vụ nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, cung ứng thị trường trong nước.
Bộ Nông nghiệp cũng yêu cầu cần định hướng các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động chuyển hướng thị trường; cơ quan địa phương kiên quyết xử lí các hành vi trục lợi ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lí hoang mang cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020