Trung Quốc xây tường biên giới để kiểm soát hàng xuất nhập khẩu

Một đoạn tường rào đang được phía Trung Quốc xây dựng gần đoạn biên giới với Việt Nam (giáp tỉnh Lạng Sơn), nhằm từng bước đưa hàng hóa xuất nhập khẩu vào quy củ.

Trước thông tin Trung Quốc xây dựng tường rào dọc biên giới, một lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn xác nhận với Zing về việc này. Ông cho biết Trung Quốc đã xây dựng tường rào từ lâu với chiều dài khoảng 100 km.

“Tường rào xây trên lãnh thổ của họ, đúng quy định về hiệp định biên giới giữa hai bên”, vị này chia sẻ.

Một lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cũng xác nhận phía Trung Quốc đã xây dựng tường rào gần lối mở Co Sa, cửa khẩu Chi Ma từ lâu. Trước đây, lối này mở ra để cho hàng tạm nhập tái xuất đi qua, nhưng sau đó Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng không đồng ý cho hàng tạm nhập về và dừng hoạt động cả năm nay. Phía Trung Quốc cũng không cho xuất hàng qua cửa khẩu này.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, kể từ năm 2018, Trung Quốc chủ trương tăng cường quản lí chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, kiểm soát các hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới.

 Điều này đã được Bộ phổ biến chi tiết tới các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Trung Quốc xây tường biên giới để kiểm soát hàng xuất nhập khẩu - Ảnh 1.

Xe tải chở hàng tại một cửa khẩu ở Lạng Sơn. (Ảnh: Hiếu Công).

Hiện tại trong bối cảnh dịch Covid-19, cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã tăng cường các biện pháp quản lí đối với người, hàng hóa và phương tiện tại khu vực biên giới, tuy nhiên không vì vậy mà gây gián đoạn quá mức cần thiết tới trao đổi hàng hóa giữa 2 bên.

Hai bên đã thống nhất khôi phục lại việc trao đổi hàng hóa tại một số cửa khẩu. Tuy nhiên, do phải áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt nên năng lực thông quan tại thời điểm này chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của cả hai bên.

Kể từ trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương khuyến nghị chỉ nên vận chuyển hàng lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và đối tác phía Trung Quốc có khả năng nhận hàng.

Các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các quy định về bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng từng cho biết Trung Quốc đang dần siết chặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Nếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tập quán làm ăn nhỏ lẻ, giao thương tiểu ngạch sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Muốn xuất khẩu hàng hóa bền vững sang Trung Quốc cần phải tổ chức lại sản xuất, xây dựng chiến lược xuất khẩu.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.