Vì sao tiệm massage được đón khách trở lại, quán karaoke vẫn đóng cửa?

"Thời điểm này, chúng ta vẫn cần thận trọng, không thể mở cửa hay nới lỏng một cách ào ào”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 7/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều quyết định trong việc nới lỏng khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, được kiểm soát tốt hơn trước.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý cho phép tổ chức một số hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người... Cùng với đó, các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn). Riêng dịch vụ kinh doanh vũ trường, karaoke chưa được phép mở cửa trở lại.

Vì sao các dịch vụ không thiết yếu khác được hoạt động bình thường, hai dịch vụ trên vẫn đóng cửa?

Trao đổi với Zing, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết quyết định của Thủ tướng dựa trên việc đánh giá diễn biến, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam gần đây.

Vì sao tiệm massage được đón khách trở lại, quán karaoke vẫn đóng cửa? - Ảnh 1.

Trong khi các dịch vụ không thiết yếu khác được mở cửa trở lại, quán karaoke, vũ trường vẫn chưa thể hoạt động lại. (Ảnh: Mạnh Thắng).

21 ngày qua Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Chính phủ nhận định đây là điều đáng mừng, cho thấy chúng ta đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch Covid-19, dần trở lại công việc bình thường trong trạng thái mới.

Chính phủ cũng đánh giá Việt Nam hiện có nguy cơ thấp với Covid-19, nhưng cần cảnh giác bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực châu Á, Đông Nam Á đang diễn biến rất phức tạp.

Theo ông Dũng, Thủ tướng mong muốn xác lập trạng thái bình thường mới trong cuộc sống và các hoạt động kinh tế - xã hội. Lúc này, điều Việt Nam cần làm là vừa không chủ quan trong chống dịch, vừa tập trung phục hồi, phát triển và đẩy mạnh kinh tế, khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra trong vài tháng qua.

Từ nhận định đó, Thủ tướng quyết định nới lỏng nhiều biện pháp phòng chống dịch để dần đưa các hoạt động trở lại bình thường.

“Nhưng nới cũng phải dần dần, từng bước. Thời điểm này, chúng ta vẫn cần thận trọng, không thể mở cửa hay nới lỏng một cách ào ào”, ông Dũng nói với Zing.

Với quán karaoke và vũ trường, người phát ngôn Chính phủ cho rằng xét tính cần thiết và nhu cầu, thì hai dịch vụ này chưa cần thiết so với các dịch vụ khác. Hơn nữa, các hoạt động này có nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ khi hát karaoke, rất nhiều người dùng chung micro.

Vì vậy, Chính phủ tính toán và quyết định cho các dịch vụ không thiết yếu mở cửa trở lại, trừ vũ trường và quán karaoke. Tới đây, Chính phủ sẽ tính toán thời điểm thích hợp để cho mở cửa trở lại. Còn dịch vụ massage, từ nay được phép hoạt động bình thường.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và trên phương tiện hành khách công cộng; rửa tay, bảo đảm vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc ở nơi đông người.

Với lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng quyết định không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang thực hiện giãn cách trong lớp học, chỉ cần giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay; nhà trường tăng cường biện pháp lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng, lớp học, nhà vệ sinh…


chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.