Nhiều người cho rằng trước diễn biến phức tạp do chủng mới của virus corona gây ra, dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến là một hình thức kinh doanh hốt bạc, vì người dân hạn chế ra ngoài.
Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra. Virus corona đã phủ bóng lên lĩnh vực dịch vụ ước đạt 86 tỉ USD vào năm 2019.
Anna Wang, 30 tuổi, sống tại Bắc Kinh, là người thường xuyên sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn, thường gọi đồ ăn và trà sữa hàng tuần mặc dù công ty của cô cung cấp bữa ăn miễn phí cho nhân viên tại một nhà hàng. Tuy nhiên, thói quen này của cô đã thay đổi khoảng 10 ngày trước, với sự lây lan nhanh chóng của virus corona.
Thay vào đó, Wang đặt rau quả tươi và đồ tươi sống để nấu ăn tại nhà cũng cha mẹ. Trong khi điều này đồng nghĩa với việc vẫn phải tiếp xúc với nhân viên giao hàng, Wang nói cô thường đặt đồ đủ dùng trong khoảng bốn ngày, thay vì phải tiếp xúc với họ mỗi ngày, khi gọi đồ ăn chế biến sẵn.
Gia đình Wang cũng hạn chế đến những nơi đông người như chợ. “Chúng tôi cố gắng tránh gặp càng nhiều người càng tốt,” cô cho hay.
Wang là một trong số nhiều người sử dụng dịch vụ giao đồ ăn thường xuyên ở Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của loại hình dịch vụ này. Theo một báo cáo được đưa ra bởi nhà nghiên cứu thị trường Trustdata, thị trường giao đồ ăn trực tuyến được dự đoán sẽ tăng 30%, lên mức 86 tỉ USD vào năm 2019, gấp bốn lần giá trị so với cùng kì năm trước.
Cũng theo Trustdata, các ứng dụng giao đồ ăn ở Trung Quốc ước tính có khoảng 400 triệu người dùng hàng tháng - khoảng 30% dân số của quốc gia này - trong quí III/2019, tăng 14% so với cùng kì năm trước.
Vậy nhưng, sự bùng phát virus corona ở Trung Quốc đã phủ bóng đen lên ngành công nghiệp đang nở rộ này. Theo truyền thông địa phương, một nhân viên giao hàng ở Thâm Quyến đã làm việc 14 ngày trước khi anh ta được chẩn đoán mắc bệnh, trong khi đó, bốn nhân viên tại một nhà hàng thức ăn nhanh ở Trùng Khánh cũng bị nhiễm virus.
Li Zhanlin, một nhân viên giao hàng toàn thời gian của Meituan Dianping, cho biết số lượng đơn hàng vào dịp Tết Nguyên đán năm nay giảm mạnh.
“Số lượng đơn hàng trung bình mỗi ngày chỉ đạt từ 20 đến 30, trong khi đó con số này vào Tết năm ngoái là 50 hoặc 60,” anh chia sẻ. “Tôi nghĩ đó là vì nhiều nhà hàng đóng cửa và khách hàng cũng không muốn đặt đồ ăn vào thời điểm dịch bệnh bùng phát”.
Yang Xu, nhà phân tích cao cấp tại công ty nghiên cứu Analysys cho biết Tết Nguyên đán vốn là mùa thấp điểm của các ứng dụng giao hàng vì có ít tài xế hơn, nhiều cửa hàng thực phẩm đóng cửa và khách hàng thì về quê nghỉ lễ.
“Cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh, mùa thấp điểm năm nay sẽ kéo dài hơn. Nhiều cửa hàng đóng cửa và kì nghỉ lễ kéo dài hơn dự kiến, vì lo ngại virus corona có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực”, Yang Xu nhận định.
"Các nền tảng phân phối đang thực hiện các điều chỉnh để đối phó với các tình huống bất ngờ", Yang nói. Meituan đang làm việc với các ngân hàng để cung cấp khoản vay cho các nhà hàng cần hỗ trợ để duy trì hoạt động. Trong khi Ele.me của Alibaba cũng đề nghị giảm hoa hồng cho các nhà hàng trên cả nước.
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng, ngoài đồ ăn chín, các đơn vị cũng đang cung cấp dịch vụ giao thuốc và các sản phẩm hàng tiêu dùng.
Một phát ngôn viên của Meituan cho biết doanh số bán hàng trên dịch vụ giao hàng tạp hóa của ứng dụng Meituan Maicai, cao gấp hai đến ba lần so với thông thường ở Bắc Kinh trong kì nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Li cho biết khoảng 70% các đơn đặt hàng mà anh nhận được mỗi ngày hiện là các đơn hàng tạp hóa, trong khi chúng chủ yếu là giao hàng tận nơi.
Giữa những lo ngại của các khách hàng như Wang về việc bị lây nhiễm qua tiếp xúc với các nhà cung cấp thực phẩm, Meituan và Ele.me, hai nền tảng giao hàng lớn nhất ở Trung Quốc, cũng đang triển khai các dịch vụ giao hàng không tiếp xúc trên toàn quốc.
Tính năng này cho phép nhân viên giao hàng đặt đồ ăn đến một khu vực được chỉ định mà không cần tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Cả hai công ty đều từ chối bình luận về việc dịch bệnh đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp của họ như thế nào.
Meituan đã phân phối khẩu trang và chất khử trùng cho các nhân viên giao hàng làm việc trong mùa dịch, đồng thời cung cấp khoản trợ cấp lên tới 129 USD mỗi tuần.
Và bất chấp những thách thức mà ngành công nghiệp hiện đang phải đối mặt, Yang vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của mình: Nếu dịch bệnh có thể được ngăn chặn trong quí I, tôi tin rằng hiệu suất của ngành sẽ phục hồi trong quí II năm nay và doanh số bán hàng trong năm 2020 ít nhất sẽ như năm ngoái.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020