Trong một nhóm chat trên ứng dụng WeChat của các cư dân ở khu chung cư The Belch, quận Pok Fu Lam, Hong Kong, vào rạng sáng ngày thứ Hai bất ngờ xuất hiện một thông báo: Giấy vệ sinh đang cháy hàng!
Tin tức nhanh chóng được lan truyền tới hơn 7.000 cư dân sống trong 6 toà tháp của The Belcher. Các hộ gia đình cuống cuồng đổ xô vào các siêu thị gần đó, cố vét nốt những mặt hàng thiết yếu cuối cùng còn sót lại.
Vào cuối ngày, mọi cửa hàng tạp hoá, hiệu thuốc và siêu thị trong khu phố đã hết sạch giấy vệ sinh, khăn lau và giấy lau cồn. Sự việc đã làm dài thêm danh sách các sản phẩm thiết yếu đang bị thiếu hụt tại Hong Kong kể từ khi dịch virus corona bùng phát.
Harrison Lee, một nhân viên kế toán đang phải làm việc tại nhà để tránh bị lây nhiễm virus, và không biết đến khi nào mới có thể ra khỏi nhà, cho biết: “Người dân tại Hong Kong phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp đến từ đại lục. Mọi thứ chúng tôi ăn hoặc sử dụng hàng ngày. Do đó, nếu nguồn cung còn tiếp tục bị gián đoạn thì nó sẽ trở thành một vấn đề lớn đấy”.
Kể từ năm 1982, Trung Quốc đại lục đã trở thành nhà cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm lớn nhất cho người dân Hong Kong. Trong năm 2018, có 46% hàng hoá tiêu dùng đi vào Hong Kong được xuất phát từ đại lục.
Cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh tại một khu phố ở Hong Kong cho thấy một cái nhìn đầy đủ nhất về tầm quan trọng của năng lực sản xuất ở Trung Quốc, quốc gia được mệnh danh là công xuởng của thế giới.
Căn bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra lần đầu tiên bùng phát từ Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, đã khiến hơn 43.000 người bị nhiễm bệnh và giết chết hơn 1.000 người, hầu hết trong số họ đều ở Trung Quốc đại lục.
Để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đã kéo dài kì nghỉ Tết nguyên đán và yêu cầu các công ty, nhà máy trên 17 thành phố, tỉnh thành phải tạm ngừng hoạt động. Hơn 50 triệu người Trung Quốc tại các thành phố lớn bị buộc phải ở yên trong nhà, tránh đi lại.
Các biện pháp “ngăn sông cấm chợ” này đã khiến các nhà máy sản xuất như ngồi trên đống lửa. Nó đã bắt đầu ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, từ những chiếc iPhone của Apple đến ô tô của Hyundai, hay cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh tại Hong Kong.
“Sự gián đoạn tại Trung Quốc càng lớn thì khả năng thế giới bị ảnh hưởng là rất cao. Bởi Trung Quốc là trung tâm của nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, nên việc ngừng sản xuất tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn thế giới”, Neil Shearing - chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi của Capital Economics, nhận định.
Nếu như trong đại dịch Sars năm 2003, Trung Quốc chỉ chiếm 4,4% GDP toàn cầu, thì đến năm 2019, con số này đã nhảy vọt lên 15,8%, theo CICC Research. Trong đó, sản xuất đóng góp tới 32% sản lượng kinh tế của Trung Quốc, theo thống kê của chính phủ nước này.
Các nhà sản xuất ô tô của Hàn Quốc là khách hàng đầu tiên cảm nhận được những tác động trực tiếp. Hyundai Motor, một nhà sản xuất ô tô hàng đầu xứ sở kim chi, đã phải đình chỉ toàn bộ các hoạt động lắp ráp ô tô của mình tại Hàn Quốc, vì thiếu hụt nguồn linh kiện đến từ Trung Quốc.
Kia Motor, hãng xe hơi lớn thứ hai nước này, cũng phải giảm sản lượng tại hai nhà máy ở Hwaseong và Gwangju, vì những lí do tương tự, theo truyền thông địa phương.
Các nhà phân tích cảnh báo, những tác động tiêu cực chưa dừng lại ở đó. Khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa có vắc xin hay thuốc đặc hiệu. Quảng Đông, Chiết Giang, Hà Nam và Giang Tô - 4 trung tâm sản xuất chế tạo chính ở Trung Quốc, vẫn đang nằm trong danh sách 10 tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều đó có nghĩa là các nhà máy ở đây sẽ vẫn phải tiếp tục đóng cửa.
Vũ Hán, tâm chấn của đợt dịch lần này, là một trong 4 trung tâm chế tạo ô tô lớn nhất Trung Quốc, sau các địa phương như Quảng Đông, Cát Lâm và Thượng Hải, theo Bloomberg.
Hai nhà máy lắp ráp ô tô lớn nhất của Pháp tại Trung Quốc là Renault và Peugeot đều được đặt tại TP Vũ Hán.
Lệnh phong toả được áp dụng tại các trung tâm sản xuất như Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô và tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, cũng được dự báo là sẽ làm giảm lợi nhuận quý tài chính thứ ba của hãng xe điện Tesla tại Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng tới thời gian giao hàng các mẫu xe Model 3 của hãng.
David Zhang, một Giám đốc điều hành cấp cao của Hazardtex Tô Châu, cho hay: “Chúng tôi lo lắng về mọi thứ. Thiếu nguyên liệu thô, thiếu lao động và thậm chí thiếu cả khẩu trang phòng dịch. Sẽ mất ít nhất khoảng 2 tuần để chúng tôi đảm bảo được nguồn nguyên liệu và nhà máy đạt được công suất tối đa. Tuy nhiên, khi không có đủ khẩu trang, chúng tôi không thể sử dụng 100% nhân công của mình”.
Hà Nam, một tỉnh ở miền trung Trung Quốc cũng đã ra lệnh ngừng mọi hoạt động kinh doanh. Tại thủ phủ Trịnh Châu, Hon Hai Precision Industry - công ty mẹ của Foxconn, với hơn 300.000 công nhân, chủ yếu lắp ráp các đơn hàng iPhone, iPad và các thiết bị điện tử khác của Apple.
Foxconn, nhà sản xuất gia công lớn nhất thế giới cho biết sẽ phải mất ít nhất từ 1-2 tuần mới có thể khôi phục hoàn toàn việc sản xuất. Điều này đã khiến Apple phải hạ dự báo doanh thu ở quý này, bởi không chắc chắn về công suất chuỗi cung ứng hiện tại khi các nhà máy chưa mở cửa trở lại.
Các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ và dịch vụ giải trí thậm chí còn chịu nhiều thiệt hại nhiều hơn do dịch bệnh gây ra.
Cedric Lai, Phó Chủ tịch của Moody, cho biết giao thông bị ngưng trệ liên tục, các lệnh cấm đi lại đã khiến lượng khách hàng trong các ngành bán lẻ, du lịch và vận tải của Trung Quốc sụt giảm nặng nề, từ đó làm tăng các rủi ro tín dụng cho những công ty này.
Hãng bán lẻ Fast Retailing của Nhật Bản đã đóng cửa 280 trong tổng số 750 cửa hàng tại Trung Quốc. Starbucks cũng đã đóng cửa một nửa trong tổng số 4.300 quán cà phê của hãng ở quốc gia này. Việc đóng cửa, ngừng kinh doanh tương tự cũng được báo cáo bởi Nike, McDonald, H&M và Levi Strauss.
Kem Xia, chủ một nhà hàng mì và thức ăn nhanh ở Thượng Hải, cho biết mỗi tháng anh phải bỏ ra 50.000 nhân dân tệ để trả lương cho 5 nhân viên. “Sẽ không ngạc nhiên nếu tôi mất thêm từ 20.000 - 30.000 nhân dân tệ mỗi tháng từ giờ cho đến hết tháng 4”, Xia nói.
Các hoạt động công cộng quy mô lớn, bao gồm các buổi hoà nhạc, triển lãm và biểu diễn đã bị đình chỉ vô thời hạn. Việc Công viên Giải trí Thượng Hải bị đóng cửa 2 tháng liền có thể khiến Walt Disney bị bốc hơi khoảng 135 triệu USD trong doanh thu quý II/2020, người khổng lồ giải trí cho biết.
Những điều này sẽ kéo dài trong bao lâu? Dựa trên đại dịch Sars năm 2003, CICC Research dự báo các lệnh cấm sẽ kết thúc vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3.
“Cuối tuần trước là bước ngoặt lớn đầu tiên của dịch bệnh, khi các ca nhiễm mới đã giảm”, các nhà nghiên cứu tại CICC nói với South China Morning Post. “Nếu đúng như vậy thì các biện pháp ngăn chặn của Chính phủ và các liệu pháp y tế đã hoạt động và cho kết quả tốt”.
Đây có thể là tin tốt cho các nhà sản xuất toàn cầu, những người đang hi vọng vào một ánh sáng cuối đường hầm.
“Không nhiều các công ty đa quốc gia muốn di dời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, bất chấp những lời khuyên trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và chiến tranh thương mại leo thang. Đó là bởi vì quy mô quá lớn của thị trường tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc, và mạng lưới các nhà cung cấp đã ăn sâu bén rễ tại đây”, CICC nhận định.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020