Ông Tuấn thường xuyên hướng dẫn các kĩ thuật chăm sóc cây trồng cho người dân và nhân công của mình. (Ông Tuấn áo trắng) |
Ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1960, ngụ tại thôn Nhân Đức, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) hiện sở hữu hơn 16.000 trụ tiêu, 5 ha cà phê, 5 ha chanh dây và 10ha cao su đang trong giai đoạn thu hoạch. Năm 2015 trừ hết chi phí ra gia đình ông thu nhập hơn 4,2 tỷ đồng.
Để được thành công ngày hôm nay, cựu chiến binh Tuấn đã trải qua biết bao khó khăn vất vả.
Ông Tuấn kể, sinh ra và lớn lên ở Hà Nam, năm 1978 nghe theo tiếng gọi của Tổ quốcnên đã lên đường nhập ngũ ở Lữ đoàn 299, Quân đoàn I (đóng quân ở Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Năm 1981, ông xuất ngũ trở về quê, nhưng do cuộc sống quá khó khăn nên ông đã rời quê và vào Tây Nguyên lập nghiệp.
Trước khi vào Tây Nguyên, ông nghĩ đây sẽ là vùng đất hứa với những nương ngô, lúa... bạt ngàn, nhưng khi đến nơi chỉ là rừng núi trập trùng và khi ấy ông cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Chưa khỏi ngỡ ngàng thì bệnh sốt rét rừng tấn công gia đình ông.
“Lúc ấy tôi nản lắm, vì nghèo khổ nên gia đình chỉ có khoai, sắn ăn qua ngày. Xa trung tâm nên lúc ốm đau không biết nhờ vả vào ai, cả gia đình chỉ biết ôm nhau khóc. Vì khó khăn, nhiều lúc vợ con tôi đòi về quê, nhưng tôi không muốn từ bỏ một cách dễ dàng như vậy nên vợ con cũng cố gắng ở lại cho đến bây giờ”, ông Tuấn chia sẻ.
Nhận thấy cuộc sống khó khăn, ông động viên gia đình cùng cố gắng vượt qua cái nghèo, cái khổ. Và chất lính trong ông trỗi dậy, ban đầu, ông trồng các loại lúa, khoai, ngô, đậu... để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia đình. Sau đó, ông chuyển dần sang các loại cây công nghiệp.
“Khi đó, do mới làm quen trồng cây công nghiệp nên tôi phải sang tận Đắk Lắk để học hỏi kĩ thuật trồng trọt và chăm sóc để cây trồng phát triển và sinh trưởng tốt”, ông Tuấn nói.
Năm 1993-1996, chương trình hỗ trợ mô hình cao su tiểu điền của Công ty cao su Chư Prông khởi động nên ông “đánh liều” vay 100 triệu đồng của ngân hàng về làm vốn trồng cao su.
Đến năm 2000, thành công trong việc trồng cây cao su, ông quyết định mở rộng thêm diện tích cao su và trồng thêm cây cà phê với diện tích hơn 19 ha.
Mỗi ngày cố gắng, hy sinh trên mảnh đất cằn sỏi đá, ông Tuấn nhận thấy gia đình mình đã phần nào ổn định nên muốn giúp đỡ bà con trong vùng. Ông đã giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho 14 lao động thường xuyên với mức lương 5 triệu đồng/tháng và hơn 50 lao động mùa vụ.
Theo người dân địa phương cho biết, không những hỗ trợ công ăn việc làm cho bà con nông dân, năm 2014 ông Tuấn còn đóng góp 150 triệu đồng để kéo đường điện về cho các hộ dân nghèo sử dụng.
Cựu chiến binh còn cho bà con mượn trước 700 triệu đồng để xây dựng 500m đường bê tông liên thôn và tích cựu hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật để chăm sóc, phát triển cây trồng.
Với những đóng góp, hỗ trợ của mình, ông Nguyễn Anh Tuấn đã được Ban Tuyên giáo Trung ương và UBND tỉnh Gia Lai trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cũng tặng ông Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng giao thông nông thôn. Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai trao bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc phát triển mô hình làm kinh tế và giúp đỡ nông dân nghèo vượt khó...
Ông Mai Khắc Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông cho biết, ông Tuấn mặc dù hiện nay có thu nhập tiền tỷ nhưng sống rất tình cảm, luôn giúp đỡ bà con hàng xóm phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo.
“Cựu chiến binh Tuấn luôn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệp về khoa học kĩ thuật, kinh nghiệm làm giàu từ chính mảnh đất của gia đình. Nhờ ông Tuấn mà xã Ia Drăng nói riêng cũng như huyện Chư Prông nói chung ngày càng phát triển, ông xứng đáng với tên gọi anh bộ đội cụ Hồ”, ông Mai Khắc Tuấn nhận định.