Từ vụ xét xử trùm ma túy Văn Kính Dương và người tình hotgirl Ngọc Miu, bố hoặc mẹ không tố giác con có phạm tội?

Tại phiên tòa ngày 8/5, chủ tọa nói rằng, theo qui định luật pháp, hành vi không báo cơ quan chức năng thông tin về Văn Kính Dương của ông Văn Kính Thái (cha Dương) có thể bị truy tố tội không tố giác.

Ngày 8/5, phiên xử Văn Kính Dương (38 tuổi, còn gọi là Hoàng "béo", quê Hà Nội) cùng 9 đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi. Cả "ông trùm" và người tình hotgirl Ngọc Miu - Vũ Hoàng Anh Ngọc (25 tuổi, quê Hải Phòng) đều xuất hiện trong chiếc áo thun đỏ.

Phục vụ công tác xét xử, tòa mời ông Văn Kính Thái (cha của Dương) đến tham dự. HĐXX sau đó hỏi ông về thời gian Dương đào tẩu, trốn truy nã.

"Dương không bao giờ trực tiếp liên lạc với gia đình vì biết bị theo dõi. Dương nhờ bạn lấy số điện thoại khác và cũng rất hạn chế, chỉ khoảng 1-2 lần", ông Thái cho biết.

Theo lời ông Thái, qua người bạn, ông nghe nói Dương làm ăn buôn bán qua mạng. Người cha không đành lòng báo thông tin cho cơ quan chức năng. Thế nhưng, chủ tọa nói rằng, theo qui định luật pháp, hành vi này của ông có thể bị truy tố tội không tố giác.

Vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, bố mẹ có phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác con phạm tội không?

Từ vụ xét xử trùm ma túy Văn Kính Dương và người tình hotgirl Ngọc Miu, bố hoặc mẹ không tố giác con có phạm tội? - Ảnh 1.

Văn Kính Dương. (Ảnh tư liệu: Ngự Kỳ).

Bố mẹ không tố giác con phạm tội được miễn trách nhiệm khi nào?

Không tố giác tội phạm được hiểu là biết rõ hành vi phạm tội đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác.

Khoản 2 Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về việc không tố giác tội phạm của bố, mẹ người phạm tội như sau: Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì sẽ không phải chịu trách nhiệm về việc không tố giác.

Tuy nhiên, trong trường hợp không tố giác các tội liên quan xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác thì các đối tượng nêu trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tương tự, với hành vi che giấu tội phạm, trách nhiệm hình sự cũng được loại trừ đối với người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng, trừ che giấu các tội về xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng khác.

Căn cứ Điều 9 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, có 4 loại tội phạm:

Một là, Tội phạm ít nghiêm trọng, là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.

Hai là, Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù.

Ba là, Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù.

Bốn là, Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, theo Bộ luật Hình sự 2015, Tội phạm được phân làm 4 loại. Căn cứ để phân loại tội phạm dựa trên tính chất nguy hiểm, mức độ gây nguy hiểm cho xã hội và cụ thể hơn, người ta dựa vào khung hình phạt đối với tội đó mà nhìn nhận nó thuộc loại tội phạm nào.

Những quy định về tội không tố giác tội phạm một số nước trên thế giới

Bộ luật hình sự Lào không có quy phạm định nghĩa về khái niệm không tố giác tội phạm, nhưng có quy định về tội không tố giác tội phạm tại Điều 154: "Người nào biết hoặc thấy hành vi phạm tội của người khác nhưng không báo cho nhà chức trách thì bị phạt tước quyền tự do từ ba tháng đến năm năm hoặc cải tạo không tước quyền tự do".

Như vậy, theo pháp luật hình sự của Lào, bất cứ ai biết hoặc thấy về bất kỳ hành vi phạm tội của người khác mà không báo cho nhà chức trách thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật hình sự Nhật Bản không có quy định về tội không tố giác tội phạm, mà chỉ có quy định về tội che giấu tội phạm và giấu chứng cứ tại Điều 103 và Điều 104.

Bộ luật hình sự Thụy Điển có quy định về tội không tố giác tội phạm tại Điều 6 chương 23 - Phạm tội chưa đạt, chuẩn bị phạm tội và đồng phạm:

Người nào không kịp thời báo cáo hoặc tố giác một tội phạm đang được thực hiện khi có thể làm việc đó mà không gây nguy hiểm cho bản thân của mình, trong trường hợp có các quy định cụ thể cho việc này, thì bị kết án về tội không tố giác tội phạm tương tự như đã quy định đối với người đồng phạm tham gia phạm tội ở mức độ nhỏ.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, hình phạt không được nặng hơn hình phạt hai năm tù. Trong những trường hợp có quy định đặc biệt, hình phạt đối với tội không tố giác tội phạm cũng được áp dụng đối với người không biết, nhưng đáng ra phải biết là tội phạm đang được thực hiện.

Nếu cha mẹ, thầy cô giáo hoặc những người giám hộ ngoài các trường hợp nói tại Điều 1, vì không báo cáo với nhà chức trách khi có thể làm điều đó và không gây nguy hại cho bản thân hoặc người thân của mình, mà không ngăn chặn được người nằm trong sự kiểm soát của mình thực hiện một tội phạm, thì bị xử phạt theo quy định tại đoạn 1 về tội không tố giác tội phạm.

Hành vi không tố giác hoặc ngăn chặn một tội phạm không bị xử phạt theo luật hình sự trừ khi tội danh được thực hiện đã tiến triển tới mức phải áp dụng hình phạt.

Điều 14 Bộ luật này có quy định cụ thể về tội không tố giác tội phản bội Tổ quốc, tội không trung thành với đất nước trong đàm phán với nước ngoài, tội gián điệp, tội gián điệp trong trường hợp nghiêm trọng hoặc tội tiết lộ trái phép thông tin bí mật đang được thực hiện mà tiếp tay cho việc thực hiện các tội trên:

Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hoặc đồng phạm các tội phản bội Tổ quốc, tội không trung thành với Vương quốc trong đàm phán với nước ngoài, tội gián điệp, tội gián điệp trong trường hợp nghiêm trọng, tội vô ý làm lộ thông tin bí mật trong trường hợp nghiêm trọng, tội hoạt động tình báo bất hợp pháp, cũng như các hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tội vô ý làm lộ thông tin bí mật, thì hình phạt được áp dụng theo quy định tại chương 23.

Người nào có hành vi móc nối với nước ngoài nhằm mục đích chuẩn bị, tạo điều kiện hoặc khả năng thực hiện tội phản bội Tổ quốc, thì bị coi là người đồng phạm tội phản bội Tổ quốc.

Người nào không tố giác tội phản bội Tổ quốc, tội không trung thành với Vương quốc trong đàm phán với nước ngoài, tội gián điệp, tội gián điệp trong trường hợp nghiêm trọng hoặc tội tiết lộ trái phép thông tin bí mật đang được thực hiện mà tiếp tay cho việc thực hiện các tội trên, thì cũng bị xử phạt theo quy định tại chương 23, kể cả trong trường hợp người đó không biết nhưng đáng ra đã phải biết rằng tội phạm đã được thực hiện.

Trong Bộ luật hình sự năm 1996 của Nga, không có quy định về tội không tố giác tội phạm. Đáng chú ý, tội che giấu tội phạm được quy định tại Điều 310 Bộ luật này:

Không hứa hẹn trước mà che giấu tội phạm, thì bị phạt tiền từ 200 lần đến 500 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hay khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 2 tháng đến 5 tháng hoặc phạt giam từ 3 tháng đến 6 tháng hoặc phạt tù đến 2 năm.

Ghi chú: vợ chồng hay người thân của người phạm tội không hứa hẹn trước mà che giấu tội phạm, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tương tự như pháp luật hình sự Nga, Bộ luật hình sự năm 1997 của Trung Hoa cũng không có quy định về tội không tố giác tội phạm.

Văn Kính Dương bị Viện KSND TP HCM truy tố ở 5 tội danh: sản xuất trái phép chất ma túy; mua bán trái phép chất ma túy; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trốn khỏi nơi giam giữ; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

9 đồng phạm của Dương cùng bị đưa ra xét xử liên quan đến nhóm tội danh về ma túy, gồm: Vũ Hoàng Anh Ngọc (hot girl Ngọc Miu, 25 tuổi, quê Hải Phòng), Lê Văn Mang, Phạm Bảo Quân, Nguyễn Đức Kỳ Nam, Nguyễn Bá Thành, Lê Hương Giang, Nguyễn Đắc Huy, Nguyễn Thu Huyền, Phạm Thị Thu Huyền.

Trong đó hot girl Ngọc Miu cũng là người sống chung như vợ chồng với Dương bị truy tố ở tội "tàng trữ trái phép chất ma túy" với khung hình phạt 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Thời điểm triệt phá đường dây này, ngoài số ma túy khủng trị giá khoảng hơn 200 tỉ đồng, công an còn thu giữ nhiều tỉ đồng tiền mặt, 7 ô tô trong đó có cả siêu xe; kê biên 3 căn hộ với tổng trị giá khoảng 15 tỉ đồng.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.