Tương lai trắc trở cho tiền điện tử Libra của Facebook

Kế hoạch phát triển tiền điện tử mới của Facebook, có thể sử dụng cho mọi thứ từ thương mại đến chuyển tiền, đang đối mặt với sự tức giận từ những nhà lập pháp Mỹ, theo Bloomberg.
Tương lai trắc trở cho tiền điện tử Libra của Facebook - Ảnh 1.

Facebook ra mắt tiền điện tử Libra, thách thức hệ thống tiền tệ toàn cầu. (Ảnh: Reuters).

Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, Maxine Waters, kêu gọi mạng xã hội lớn nhất hành tinh dừng dự án Libra cho đến khi Quốc hội Mỹ và các nhà quản lí xem xét. Các nhà lập pháp khác thì kêu gọi tổ chức phiên điều trần và đặt câu hỏi, liệu đồng tiền mới của Facebook, với tên gọi Libra, có được giám sát phù hợp.

Yêu cầu giám sát kĩ lưỡng của giới chức Mỹ cho thấy những rủi ro đối với mạng xã hội hơn 2,4 tỉ thành viên, khi chuyển sang một ngành công nghiệp gây tranh cãi như tiền điện tử, vốn đã đối mặt với sự hoài nghi sâu sắc của Washington. Trong một lĩnh vực có quy định lỏng lẻo và khả năng chống lại sự giám sát, những cáo buộc hướng vào Facebook vẫn xoay quanh vấn đề chính là sự an toàn cho thông tin riêng tư của người dùng.

"Facebook có dữ liệu về hàng tỉ người dùng và đã nhiều lần thể hiện sự coi thường trong việc bảo vệ và sử dụng cẩn thận nguồn dữ liệu này", Waters nói trong một tuyên bố được đưa ra sau khi Facebook công bố dự án tiền điện tử. "Với thông báo mới đây về kế hoạch tạo ra một loại tiền điện tử, Facebook đang tiếp tục mở rộng sự không kiểm soát và phạm vi tiếp cận với cuộc sống của người dùng".

Patrick McHenry, đại diện đảng Cộng hòa trong Hội đồng Dịch vụ Tài chính, muốn có một phiên điều trần với người đứng đầu Facebook. Ông nói rằng Quốc hội "cần phải bỏ qua những tin đồn, suy đoán và cần có sự thảo luận để đánh giá dự án này, cũng tác động chưa từng có của nó đối với hệ thống tài chính toàn cầu".

Các nhà lập pháp khác thể hiện sự lo ngại đặc biệt về rủi ro người dùng có thể bị đánh cắp tài sản hoặc những vấn đề liên quan đến rửa tiền. 

Thượng nghị sĩ Mark Warner của đảng Dân chủ tại Virginia, cho biết ông lo ngại Facebook có thể sử dụng sức mạnh của mạng xã hội 2,4 tỉ thành viên để tham gia và cố gắng thống trị các ngành công nghiệp mới.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sherrod Brown đưa ra quan điểm cũng giống những nhà lập pháp khác: các nhà quản lí phải đảm bảo người dùng Facebook được bảo vệ. Nhưng Sherrod Brown cũng không xác định được cơ quan cụ thể nào sẽ giám sát đồng tiền mới Libra.

Ủy ban chứng khoán thường chỉ tham gia giám sát nếu một công ty huy động vốn bằng việc bán cổ phần. Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai chỉ giám sát giao dịch tương lai và các công cụ phái sinh. Do đó, các cơ quan quản lí ngân hàng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể là đơn vị khả dĩ nhất tham gia điều tiết Libra. Tuy nhiên, không ai chắc chắn liệu Fed hay bất kì một cơ quan nào khác có toàn quyền quản lí đồng tiền này hay không.

Tương lai trắc trở cho tiền điện tử Libra của Facebook - Ảnh 2.

Minh họa việc chuyển tiền bằng Libra trên ứng dụng Calibra. (Ảnh: Facebook).

Tương tự giới lập pháp Mỹ, CNBC cho biết các quan chức châu Âu cũng tỏ ra nghi ngại về kế hoạch phát triển tiền ảo của nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Vài giờ sau khi Facebook công bố kế hoạch phát triển tiền ảo Libra, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã dội gáo nước lạnh vào kế hoạch này khi cho rằng không nên coi Libra là sự thay thế cho các loại tiền tệ truyền thống. Trong một cuộc phỏng vấn với đài Europe 1, người đứng đầu cơ quan tài chính Pháp nhấn mạnh Libra "không thể và không được" trở thành một loại tiền tệ hợp pháp.

Người đứng đầu cơ quan tài chính Pháp kêu gọi lãnh đạo trong nhóm G7 sớm thiết lập một diễn dàn để đánh giá tác động rủi ro của đồng tiền kĩ thuật số Libra với nền tài chính toàn cầu. Cuộc gặp dự kiến có lãnh đạo các ngân hàng trung ương và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong khi đó, Markus Ferber, một thành viên của Nghị viện châu Âu, cảnh báo Facebook có thể trở thành một "ngân hàng vô hình" với kế hoạch tạo ra tiền ảo. "Việc Facebook xâm nhập vào lĩnh vực tiền điện tử là một lí do chính đáng để các cơ quan quản lí xây dựng khung pháp lí phù hợp điều chỉnh hoạt động của tiền ảo", Ferber nhận xét.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.