Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội bao giờ vận hành?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến việc dự án metro Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ và phương án khắc phục tình trạng hư hỏng mặt đường bộ bên dưới đoạn trên cao.

Trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long, Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai liên quan đến tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án do UBND TP Hà Nội là cấp quyết định đầu tư và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.

Dự án đã được khởi công từ tháng 9/2010 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022. Đến nay khối lượng thi công của các nhà thầu mới chỉ đạt 74,36% theo khối lượng hợp đồng xây dựng. Trong đó, đoạn tuyến trên cao đạt được 95,1%; còn đoạn tuyến đi ngầm mới chỉ đạt khoảng 33%.

Những nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ dự án và việc xử lý trách nhiệm của các bên liên quan đã được UBND TP Hà Nội báo cáo, giải trình làm rõ trong văn bản số 1146/UBND-ĐT ngày 19/4/2022.

 Ga Cầu Diễn thuộc tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: Huy Hoàng).

Về chất vấn của Đại biểu Long liên quan đến việc tuyến đường bộ bên dưới đoạn trên cao của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, đặc biệt từ Cầu Diễn - Cầu Giấy bị hư hỏng, xuống cấp và trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong việc kiểm tra, chỉ đạo thi công hoàn thiện mặt đường để đảm bảo an toàn giao thông, Bộ cho biết đã có văn bản đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan và nhà thầu thi công kiểm tra, rà soát khắc phục ngay tình trạng hư hỏng mặt đường, bổ sung hệ thống rào chắn, biển cảnh báo, tập trung công tác điều tiết… nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Năm 2021, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Nhổn - ga Hà Nội).

Hiện nay, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện dự án để sửa chữa, hoàn thiện lại mặt đường đoạn tuyến nêu trên.

 Ga ngầm S12 Trần Hưng Đạo là ga cuối cùng của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: Huy Hoàng).

Mới đây, Ban quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội kiến nghị tăng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 34.500 tỷ đồng, tức là tăng hơn 4.900 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án cũng kiến nghị mốc vận hành khai thác đoạn trên cao trong năm 2022, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 4/2009, phê duyệt điều chỉnh vào tháng 6/2013.

Tổng chiều dài tuyến chính 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km, đường sắt khổ 1.435 mm, 8 ga trên cao, 4 ga ngầm.

Điểm đầu tại Nhổn - theo quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - Nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với đường vành đai 2) - Kim Mã - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).

Tổng mức đầu tư dự án là 783 triệu euro, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 1.176 triệu euro, nguồn vốn từ vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ và vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.