'Ủng hộ phương án không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư'

Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, việc Luật Nhà ở đề cập đến thời hạn sở hữu nhà chung cư là đang “lấn sân” vào phạm vi của pháp luật dân sự. Nếu Luật Nhà ở quy định gia hạn giấy sở hữu nhà chung cư thì mâu thuẫn với Luật Đất đai.

Sáng 20/12 đã diễn ra hội thảo “Giải pháp cải tạo chung cư cũ và quản lý, vận hành nhà chung cư” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và CLB Bất động sản Hà Nội, Công ty TNHH Luật Davilaw phối hợp tổ chức.

Hội thảo góp phần phản ánh thực trạng và giải pháp liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vận hành nhà chung cư cũng như hoạt động cải tạo xây dựng lại nhà chung cư để các cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội trong thời gian tới.

Tham gia phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội đã có góp ý về nội dung thời hạn sử dụng và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội. (Ảnh: Reatimes).

Dẫn nội dung tại khoản 2 Điều 15. Thời hạn sử dụng nhà chung cư quy định “trước khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng theo hồ sơ thiết kế công trình”, chuyên gia cho rằng cách diễn đạt trên gây ra các cách hiểu khác nhau, tiềm ẩn sự tùy tiện trong việc áp dụng. Ông góp ý sửa đổi thành: “Trước khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng 6 tháng theo hồ sơ thiết kế công trình…”.

Về Điều 76 quy định các trường hợp phá dỡ nhà chung cư để cải tạo, xây dựng lại, hiện có hai phương án gồm: có quy định về thời hạn sở hữu nhà chung và không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. 

Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho biết ủng hộ phương án không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Bởi lẽ, người mua sau khi thanh toán đủ số tiền cho chủ đầu tư thì nhà chung cư là tài sản thuộc sở hữu của họ và được pháp luật bảo hộ. Nhà chung cư được người dân mua không chỉ để ở mà còn là tài sản để cất giữ của cải thặng dư và để lại thừa kế.

Bên cạnh đó, theo ông Tuyến, việc Luật Nhà ở đề cập đến thời hạn sở hữu nhà chung cư là đang “lấn sân” vào phạm vi của pháp luật dân sự. Nếu Luật Nhà ở quy định gia hạn giấy sở hữu nhà chung cư thì mâu thuẫn với Luật Đất đai.

Về nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, ngoài 5 nguyên tắc được quy định tại Điều 77, ông Tuyến cũng bổ sung thêm hai nguyên tắc.

Thứ nhất, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải dựa trên sự đồng thuận giữa chủ sở hữu, chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở. Trong đó, nguyên tắc hài hoài lợi ích giữa các bên mới là mấu chốt để không phát sinh tranh chấp.

Thứ hai, việc việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đảm bảo công khai minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cư dân trong tòa nhà. Nếu họ không đồng thuận thì không thể cải tạo được.

Cũng tại hội thảo, vị chuyên gia đã góp ý một số nội dung trong Điều 78. Kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; Điều 81. Các cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và Điều 155. Phần sở hữu chung và phần sở hữu riêng trong nhà chung cư.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.