Thương con nhưng bất lực
Trò chuyện với Trịnh Thị Huyền Trang, cô học trò nghèo quê Nghệ An, vẫn chưa hết thổn thức vì nỗi lo lắng sẽ lỡ hẹn với ước mơ vào Đại học đã ấp ủ bao lâu của mình.
“Mấy ngày nay nhìn bạn bè cùng trang lứa phấn khởi khi có kết quả xét tuyển, mà em càng buồn hơn bao giờ hết. Nỗi lo sợ khi biết mình không có đủ điều kiện đi học vì nhà quá nghèo khiến em tủi thân. Nhiều đêm nằm trằn trọc không ngủ được vì suy nghĩ, em phải kiềm chế không khóc vì sợ mẹ tỉnh giấc và buồn thêm”, Trang tâm sự.
|
Được biết Trang là vừa tốt nghiệp trường THPT Nam Đàn 2. Nhiều năm học Trang đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Không những vậy năm lớp 11, cô bé còn đạt giải 3 cấp tỉnh môn Văn, khiến thầy cô giáo và gia đình rất tự hào.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Trang xuất sắc được 24,5 điểm xét tuyển khối C (Văn 8,5; Sử 8; Địa 8). Tính cả 1 điểm cộng, cô nữ sinh được 25,5 điểm.
Với số điểm này, Trang hoàn toàn có thể xét tuyển vào những trường danh tiếng trong cả nước. Thế nhưng, con đường đến với giảng đường dường như quá xa vời, khi gia đình Trang thuộc diện hộ khó khăn, không đủ tiền cho Trang đến trường.
Ngay đến việc dự định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trường nào, cũng là cả một vấn đề khiến Trang mất nhiều thời gian đắn đo và suy nghĩ. “Nếu được đi học em muốn học luật, để sau này được thỏa ước mơ làm luật sư, bảo vệ công lý, lẽ phải cho những người dân nghèo”, cô bé chia sẻ.
Được biết, gia đình Trang thuộc vào những hộ nghèo nhất nhì trong xóm. Hiện mẹ con Trang đang ở trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, dột nát. Ngôi nhà lại nằm ở vị trí trũng, cứ mùa lũ là nước lại ngập quá nền nhà. Đồ đạc trong nhà chẳng có mấy thứ giá trị, đáng giá nhất là mất bao thóc ở góc nhà. “Có hôm mưa lớn, mà mẹ con em phải thức trắng đêm để che cho thóc khỏi ướt. Nhiều hôm cực quá, mấy mẹ con chỉ biết nhìn nhau mà khóc.”, cô bé nói.
Lớp 11, Trang đạt giải 3 cấp tỉnh môn Văn. (Ảnh: Tri thức trẻ) |
Gia đình Trang vốn làm nông nghiệp, nhưng cả nhà chỉ có 4 sào ruộng để nuôi 4 miệng ăn, năm nào mưa lũ thì xem như mất mùa, cả gia đình phải chạy ăn từng bữa. Để kiếm sống, bố Trang, anh Trịnh Văn Huynh, (SN 1974), đã phải chạy vạy vay mượn 160 triệu đồng để sang Angola lao động.
Cứ ngỡ nhà có người đi "Tây" là sướng, nhưng chị Quế nghẹn ngào chia sẻ: “Trong khi số tiền gốc vay ngân hàng cho chồng đi xuất khẩu lao động còn chưa trả được, lại còn khoản nợ 50 triệu hộ nghèo đè cả lên vai tôi. Trong nhà thì trăm thứ phải chi tiêu. Bởi vậy tôi cũng chưa dám nghĩ đến việc cho con đi học Đại học. Thôi thì hoàn cảnh gia đình như vậy, tôi đành có tội với con”.
Chia sẻ với PV, mặc dù buồn vì hoàn cảnh của mình nhưng Trang không hề oán trách mẹ điều gì. Bởi chính cô nữ sinh tự nhận thức, “Mẹ em đã quá vất vả rồi, em không muốn mẹ phải khổ hơn vì em nữa. Hôm nhận được công bố điểm đỗ của trường Đại học Vinh. Nghe tin đó em gọi ngay điện sang thông báo cho bố, bố em mừng lắm. Nhưng sau đó cả hai bố con em cùng khóc trong điện thoại, vì chính bố cũng không bết lấy tiền đâu cho em nhập học”.
Chia sẻ về mong muốn cũng như dự định sắp tới của bản thân, Trang cho biết nếu được đi học, cô bé sẽ cố gắng đi làm thêm để có thể trang trải một phần. Nhưng thấy mẹ vất vả thế này, còn em trai đang học lớp 10, rồi còn bố đang ở nước ngoài đối mặt với nguy hiểm từng ngày bởi nạn cướp bóc mà chưa có tiền để về… nên Trang dự tính sẽ không đi học. “Em sẽ đi làm, tích lũy tiền năm sau thi lại”, cô nữ sinh nghẹn giọng.
Ngưng cuộc nói chuyện với Trang, mà tôi không khỏi xót xa và cảm phục trước nghị lực vượt khó của cô bé. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng không làm Trang nhụt chí học tập và phấn đấu đạt được ước mơ của mình. Nhưng thật đáng trân trọng hơn nữa, khi Trang dám quyết định tạm gác ước mơ đã ấp ủ từ lâu của mình, vì thương cha mẹ. Có lẽ ở tuổi của Trang, không phải ai cũng suy nghĩ và làm được điều đó.
Chia sẻ về trường hợp của Huyền Trang, thầy Lê Văn Quyền, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nam Đàn 2 cho biết: "Suốt những năm học cấp 3, Trang đều là học sinh giỏi, ngoan ngoãn và được thầy cô bạn bè yêu quý. Trong kỳ thi xét tuyển Đại học, Trang là một trong hai học sinh có điểm cao nhất trường. Nhưng gia đình nghèo quá nên nhiều khả năng Trang sẽ không được đi học tiếp. Mong sao có nhà hảo tâm giúp đỡ để Trang được đến trường, được thực hiện ước mơ của mình."
Mọi đóng góp của các nhà hảo tâm để giúp nữ sinh xứ Nghệ được đến giảng đường xin gửi về gia đình em Trịnh Thị Huyền Trang (xóm 4, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An), SĐT của Trang: 01697 895 961. Hoặc chị Nguyễn Thị Quế, mẹ Trang, SĐT: 01628 579 547. |