Uống rượu bia gây tai nạn chết người có thể được miễn trách nhiệm hình sự?

BLHS 2015 quy định, người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Mấy ngày gần đây trên mạng xã hội xuất hiện thông tin bà Nguyễn Thị Nga (46 tuổi), người lái BMW gây tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh khiến một người tử vong, nhiều người bị thương được cho tại ngoại.

Trước đó, ngày 24/10/2018, Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Nga để điều tra hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 2 Điều 260 BLHS 2015 với khung hình phạt 3-10 năm tù.

Theo điều tra, tối 21/10/2018 bà Nga uống rượu bia tại nhà hàng của mình trên đường Pasteur (quận 3). Khoảng 23h bà lái BMW về nhà ở quận 12.

Chạy trên đường Điện Biên Phủ (hướng từ trung tâm Sài Gòn về quận Bình Thạnh) với tốc độ khá nhanh, đến gần ngã tư Hàng Xanh, ôtô của bà Nga đâm vào 5 xe máy đang dừng đèn đỏ phía trước.

Ôtô kéo lê người phụ nữ 38 tuổi một đoạn khá xa, húc vào chiếc taxi mới dừng lại. Nạn nhân tử vong tại chỗ. Tai nạn còn khiến 5 người khác bị thương, trong đó có hai thanh niên đang nguy kịch do chấn thương sọ não, cột sống cổ...

Kết quả đo nồng độ cồn của bà Nga lúc gây tai nạn rất cao, lên đến 0,94 mg/l lít khí thở.

Nhiều độc giả có thắc mắc, trong trường hợp gia đình người bị chết có đơn bãi nại thì người uống rượu bia lái xe gây tai nạn chết người có được miễn trách nhiệm hình sự không?

Uống rượu bia gây tai nạn chết người có thể được miễn trách nhiệm hình sự? - Ảnh 1.

Chiếc xe BMW gây tai nạn. (Ảnh: Sơn Hoà/VnExpress).

Không phải là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, đây không phải là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.

Cụ thể, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì áp dụng quy định tại Điều 591 và Điều 587 Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết.

Có được miễn trách nhiệm hình sự theo BLHS 2015?

Miễn trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã bổ sung một số điểm so với BLHS năm 1999 như sau:

– Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì được miễn trách nhiệm hình sự.

– Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

– Bổ sung tình tiết lập người phạm tội lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

– Bổ sung khoản 3 (khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015) về những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Quy định mới này thể hiện tính nhân văn dựa trên tinh thần hòa giải giữa phía gia đình người bị hại và người gây ra thiệt hại do vô ý phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Qua đó người phạm tội phải cố gắng khắc phục hậu quả do hành vi vô ý của mình gây ra nhằm bù đắp thiệt hại cho người bị hại cũng như gia đình của họ.

Như vậy, quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 có thể coi là tình tiết mới có lợi cho các bị cáo để miễn trách nhiệm hình sự.

Lỗi trong tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là lỗi vô ý do tự tin hoặc lỗi vô ý do cẩu thả.

Nếu người tham gia giao thông đường bộ phạm tội với lỗi cố ý thì không phải phạm tội Vi phạm quy định về giao thông đường bộ mà là phạm tội khác như tội Giết người, tội Cố ý gây thương tích…

Căn cứ Điều 9 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, có 4 loại tội phạm:

Một là, Tội phạm ít nghiêm trọng, là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.

Hai là, Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù.

Ba là, Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù.

Bốn là, Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Căn cứ để phân loại tội phạm dựa trên tính chất nguy hiểm, mức độ gây nguy hiểm cho xã hội và cụ thể hơn, người ta dựa vào khung hình phạt đối với tội đó mà nhìn nhận nó thuộc loại tội phạm nào.

Như vậy, trong một vụ tai nạn, người lái xe có sử dụng rượu bia đâm chết người bị khởi tố tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 2 Điều 260 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù giam thì trường hợp đó thuộc tội phạm rất nghiêm trọng với lỗi vô ý.

Do đó, người uống rượu bia gây tai nạn chết người có tự hòa giải, tự nguyện bồi thường dân sự cho người đại diện của bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại đều có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự thì vẫn bị xử lý hình sự do không thuộc các trường hợp trên. Việc bãi nại trong trường hợp này chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.