Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai hiện đang điều trị cho nữ bệnh nhân B.T.K.P, 43 tuổi, Hà Nội bị đột quỵ não nghi do nhiều năm uống thuốc tránh thai.
Trước khi đi ngủ tối 20/2, bệnh nhân khoẻ mạnh bình thường. Đến 6h sáng hôm sau, người nhà bất ngờ phát hiện chị P. khó nói, méo miệng, liệt nửa người trái. Gia đình tự dùng kim châm vào 10 đầu ngón tay không thấy cải thiện mới chuyển vào A9 cấp cứu lúc 7h40.
Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân đang dần hồi phục
Bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ não và mạch não cấp cứu, phát hiện tắc động mạch não.
Do đã quá 5 tiếng nên bệnh nhân không thể dùng tiêu sợi huyết. Sau hội chẩn với khoa Chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ quyết định can thiệp lấy huyết khối cơ học qua đường động mạch.
Sau 30 phút, một mảnh huyết khối có chiều dài khoảng 1 cm được lấy ra. Kiểm tra lại thấy mạch máu tái thông, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, không còn liệt dây thần kinh số 7 bên trái, tình trạng liệt 1/2 người trái cải thiện rõ rệt. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân đã hết liệt.
BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9 cho biết, đây là trường hợp khá đặc biệt khi các kết quả chụp chiếu, xét nghiệm không tìm thấy bất cứ yếu tố nguy cơ đột quỵ não nào khi huyết áp, tim mạch, mỡ máu, đường máu... hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, có một điều hết sức quan trọng là bệnh nhân đã uống thuốc tránh thai liên tục khoảng 4-5 năm nay.
Theo BS Chính, ở phụ nữ trẻ khỏe mạnh không có bất cứ yếu tố nguy cơ nào thì nguy cơ đột quỵ não liên quan đến sử dụng thuốc tránh thai là thấp.
“Nhưng với những người hút thuốc lá, tăng huyết áp, đau nửa đầu... thì uống thốc tránh thai lâu năm là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ đột quỵ não”, BS Chính chia sẻ.
Theo nghiên cứu trên thế giới, tỉ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm khoảng 4,4/100.000 phụ nữ ở độ tuổi sinh sản.
Trong một nghiên cứu phân tích gộp, thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 1,9 lần và làm tăng tỉ lệ đột quỵ lên 8,5/100.000 phụ nữ có dùng thuốc.
Ca đột quỵ não đầu tiên trên thế giới liên quan đến việc dùng thuốc tránh thai đường uống được báo cáo lần đầu tiên năm 1962.
Tuy nhiên thời điểm đó, thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen lên tới tới 150 microgram. Còn hiện tại, hầu hết thuốc tránh thai đường uống chỉ chứa hàm lượng estrogen từ 20-35 microgram.