Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020 - 2021 dự kiến đạt 175,5 triệu bao 60 kg, cao hơn niên vụ trước 7 triệu bao.
Trong đó Brazil dự báo sẽ chiếm phần lớn sản lượng do vụ cà phê arabica của nước này bước vào năm được mùa của chu kỳ sản xuất hai năm một lần và cà phê robusta đạt sản lượng kỷ lục.
Xuất khẩu thế giới ước tính sẽ cao hơn nhờ mức tăng mạnh ở Brazil, Honduras và Colombia. Các kho dự trữ cuối vụ trên toàn cầu dự kiến tăng lên mức cao nhất trong 6 năm nếu cung vượt cầu.
Bên cạnh đó, giá cà phê, được đo lường bởi chỉ số giá tổng hợp hàng tháng của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), đạt trung bình 1,1 USD/pound vào tháng 11/2020, giảm từ mức cao 1,16 USD/pound vào tháng 9/2020.
Sản lượng cà phê arabica của Brazil ước tính tăng 5,8 triệu bao so với niên vụ trước lên 47,8 triệu bao.
Điều kiện thời tiết thuận lợi ở hầu hết các vùng trồng cà phê đã hỗ trợ quá trình phát triển và kết trái, do đó năng suất cao hơn. Ngoài ra, phần lớn các khu vực sản xuất đang trong năm thứ hai (năm được mùa) của chu kỳ sản xuất hai năm một lần.
Sản lượng cà phê robusta dự kiến sẽ tăng 1,6 triệu bao lên mức kỷ lục 20,1 triệu bao. Lượng mưa dồi dào đã thúc đẩy sản lượng ở ba bang sản xuất chính là Espirito Santo, Rondonia và Bahia.
Việc mở rộng nhân giống vô tính và cải tiến kỹ thuật quản lý cây trồng cũng góp phần làm tăng sản lượng.
Các nhà kinh doanh cà phê cho biết cả kích thước hạt và chất lượng cà phê arabica và robusta đều vượt trội do thời gian ra hoa đồng đều, sau đó là thời tiết khô ráo trong vụ thu hoạch.
Như vậy, tổng sản lượng arabica và robusta của Brazil dự báo tăng 7,4 triệu bao lên mức kỷ lục 67,9 triệu bao.
Xuất khẩu dự kiến tăng 825.000 bao lên 37 triệu bao, trong khi tồn kho cuối vụ tăng gấp ba lần lên 5,3 triệu bao.
Sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2020 - 2021 dự báo đạt 29 triệu bao, giảm 2,3 triệu bao so với kỷ lục của niên vụ trước.
Diện tích canh tác không đổi so với năm ngoái, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là cà phê robusta. Đầu mùa mưa thời tiết khô ráo, lượng mưa sau đó đạt dưới mức trung bình ở nhiều vùng trồng trọt chính.
Tháng 2 đến tháng 5 thường là những tháng khô hạn và cà phê cần được tưới trong thời gian này để đảm bảo việc ra hoa thuận lợi.
Tuy nhiên, giá cà phê thấp là nguyên nhân làm giảm năng suất do nhiều người trồng lo ngại về chi phí tưới tiêu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sẽ đưa ra các chính sách để giảm diện tích cà phê khoảng 20.000 hecta xuống còn 600.000 hecta và khuyến khích nông dân chuyển sang cây trồng khác ở những vùng điều kiện không thuận lợi cho việc trồng cà phê.
Trong vài năm gần đây, một số nông dân đã bắt đầu trồng sầu riêng, xoài, bơ và chanh dây trong vườn cà phê. Giá tiêu đen đã giảm trong 5 năm qua, do đó nông dân không còn thay thế cây cà phê bằng cây tiêu.
Xuất khẩu cà phê dự báo gần như không đổi so với niên vụ trước, ở mức 23,8 triệu bao, trong khi tồn kho dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trên mức 4 triệu bao.
Sản lượng cà phê arabica của Colombia ước tính không đổi ở mức 14,1 triệu bao trong điều kiện cây trồng phát triển thuận lợi và năng suất cao hơn.
Xuất khẩu cà phê nước này, chủ yếu sang Mỹ và Liên minh châu Âu, dự báo sẽ tăng 600.000 bao lên 12,4 triệu bao. Tiêu thụ dự kiến tăng, tồn kho cuối vụ giảm nhẹ.
Sản lượng cà phê của Indonesia dự báo không đổi ở mức 10,7 triệu bao do sản lượng arabica cao hơn bù đắp cho sản lượng robusta.
Lượng mưa thấp ở phía nam Sumatra và Java, hai khu vực chiếm khoảng 75% diện tích trồng robusta, khiến sản lượng giảm 50.000 bao xuống 9,4 triệu bao.
Trong khi đó, sản xuất arabica ở phía bắc Sumatra, khu vực có điều kiện phát triển thuận lợi, sản lượng ước tính tăng 50.000 bao lên 1,3 triệu bao.
Các kho dự trữ cuối vụ được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức 2,4 triệu bao do giá cả được hỗ trợ. Xuất khẩu nước này dự báo giảm 100.000 bao xuống còn 6 triệu bao.
Sản lượng của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 300.000 bao lên 5,3 triệu bao do thời tiết thuận lợi trong giai đoạn ra hoa và kết trái. Xuất khẩu cũng như tồn kho được dự báo không đổi lần lượt ở mức 3,5 triệu bao và 900.000 bao.
Tổng sản lượng cà phê của Trung Mỹ và Mexico dự báo tăng 900.000 bao lên 18,3 triệu bao tuy nhiên bệnh gỉ sắt trên cây cà phê vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng.
Honduras dự kiến sẽ chiếm gần như toàn bộ sự tăng trưởng của khu vực, với mức tăng 700.000 bao lên 6,1 triệu bao nhờ điều kiện trồng trọt thuận lợi cùng với việc tăng cường bón phân để tăng năng suất. Nước này chiếm khoảng 1/3 sản lượng của khu vực.
Mexico và Guatemala chiếm khoảng 20% sản lượng của khu vực và tiếp tục thực hiện các chương trình thay thế cây trồng bằng các giống kháng bệnh gỉ sắt. Sản lượng của Nicaragua dự báo sẽ giảm năm thứ ba liên tiếp cũng do loại bệnh này.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Trung Mỹ và Mexico dự kiến tăng 900.000 bao lên 14,8 triệu bao. Hơn 45% tổng xuất khẩu của khu vực này được vận chuyển sang Liên minh châu Âu, theo sau là Mỹ.
Nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) dự báo sẽ tăng 1,9 triệu bao lên 49,0 triệu bao và chiếm gần 45% nhập khẩu cà phê của thế giới. Các quốc gia cung cấp cà phê chính cho khu vực này bao gồm Brazil (29%), Việt Nam (22%), Colombia (7%) và Honduras (6%). Dự trữ cuối vụ dự kiến sẽ tăng 1 triệu bao lên 14,5 triệu.
Mỹ là quốc gia nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ hai và dự kiến nhập khẩu sẽ tăng 2,1 triệu bao lên 26 triệu bao. Các quốc cung cấp chính bao gồm Brazil (25%), Colombia (22%), Việt Nam (15%) và Honduras (6%). Dự trữ cuối vụ dự báo sẽ tăng 600.000 bao lên 7,0 triệu bao.