Văn Phú: Thực hiện gần 80% mục tiêu lãi năm, chưa nhận được các khu đất từ dự án BT Vành đai 2

Theo BCTC chính quý III, Văn Phú cho biết vẫn được các khu đất để thanh toán giá trị hợp đồng BT dự án Vành đai 2 TP HCM, đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1, quận Thủ Đức.

Thực hiện gần 80% mục tiêu lãi năm 

CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán: VPI) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với doanh thu thuần giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương đạt 269,4 tỷ đồng, chủ yếu do giảm doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Giá vốn trong quý của doanh nghiệp tăng 13% lên 117,2 tỷ đồng, do đó, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 27% còn 152,2 tỷ đồng.

Chi phí tài chính trong quý của doanh nghiệp tăng 19%, đạt 80,6 tỷ đồng. Theo Văn Phú, chi phí này tăng cao do ảnh hưởng của việc dừng vốn hoá chi phí lãi vay của các dự án đã hoàn thành và ghi nhận doanh thu trong quý kỳ cũng như việc điều chỉnh tăng lãi suất của các khoản vay.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng quý này của doanh nghiệp cũng tăng 23%, đạt 52,6 tỷ đồng.

Do đó, sau khi trừ đi các khoản chi phí, giá vốn, thuế, Văn Phú báo lãi sau thuế 32,4 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022.

   KQKD của Văn Phú Invest trong 9 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: TN tổng hợp từ BCTC DN). 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Văn Phú ghi nhận doanh thu thuần 1.742 tỷ đồng và lãi sau thuế 438,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả trên tương đương thực hiện được gần 80% trong mục tiêu 550 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế mà công ty đã đặt ra trong năm nay.

Rót hơn 2.000 tỷ đồng cho dự án vành đai 2, chưa nhận được các khu đất theo hợp đồng BT

Tính tới ngày 30/9, tổng tài sản của Văn Phú đạt 10.821 tỷ đồng, giảm 275 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, phần lớn do giảm 14% các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 2.164 tỷ đồng.

Trong đó, cuối quý III, công ty không còn ghi nhận khoản phải thu từ Công ty TNHH Req và giảm các khoản phải thu ngắn hạn tạm ứng để phục vụ phát triển dự án, giảm khoản phải thu từ đặt cọc thực hiện hợp đồng,...

Ngược chiều các khoản phải thu, hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng 115 tỷ đồng, lên 2.041 tỷ đồng, do tăng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án như The Terra Bắc Giang (1.367 tỷ đồng), dự án Song Khê - Nội Hoàng (195,7 tỷ đồng),...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ghi nhận hơn 2.682 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, trong đó có hơn 2.060 tỷ đồng chi phí dở dang tại dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1, quận Thủ Đức được thực hiện theo hợp đồng xây dựng chuyển giao (hợp đồng BT) giữa UBND TP HCM với liên danh các nhà đầu tư.

Văn Phú cho biết, theo hợp đồng BT này, UBND TP HCM có trách nhiệm bàn giao một số khu đất cho CTCP Văn Phú Bắc Ái để thanh toán giá trị hợp đồng BT, hiện tại, Văn Phú đang làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được nhận bàn giao các khu đất này.

Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (quốc lộ 1) có chiều dài toàn tuyến khoảng 2.751 m, do liên danh ba nhà đầu tư Văn Phú - CTCP Tư vấn đầu tư HNS Việt Nam - CTCP Tư vấn đầu tư Xây dựng Bắc Ái thực hiện. Dự án sau khi hoàn thành sẽ khép kín tuyến đường Vành đai 2 TP HCM.

Thời gian thi công xây dựng của dự án là từ năm 2015 - 2023, song đã tạm ngưng thi công từ năm 2020 do vướng một số thủ tục pháp lý và chưa thống nhất quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư. 

 Toàn cảnh nút giao Gò Dưa - điểm cuối của đoạn 3 dự án khép kín vành đai 2 TP HCM. (Ảnh: Hải Quân).

Ngoài chi phí tại dự án trên, Văn Phú còn ghi nhận chi phí tại một số dự án như Cồn Khương -  Cần Thơ (hơn 307 tỷ đồng), dự án Lộc Bình - Thừa Thiên Huế (140 tỷ đồng), dự án Vlasta Sầm Sơn (222,5 tỷ đồng).

Về phần nguồn vốn, tới cuối quý III, tổng nợ tài chính của công ty đạt hơn 4.110 tỷ đồng, tăng 143 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 60% tổng nợ vay của doanh nghiệp, phần lớn là các khoản vay từ ngân hàng.