Vàng mất vài triệu sau ngày lên đỉnh lịch sử 49 triệu/lượng, kịch bản lặp lại năm 2011?

Tăng sốc hơn 3 triệu trong một ngày, vượt đỉnh 49 triệu đồng/lượng rồi giảm mạnh về vùng 47 triệu mỗi lượng chỉ sau một đêm, liệu giá vàng có lặp lại kịch bản cách đây 9 năm, hồi tháng 8/2011.

Nhà gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM), sáng nay (25/2), bà Tân tranh thủ đi bán vàng sớm để chốt lời, bởi theo kinh nghiệm, bà biết giá vàng sẽ nhanh chóng rớt khỏi mốc lịch sử nhiều năm qua. Đúng như bà Tân nghĩ, khi thấy giá vàng tiếp tục rớt mạnh, rồi lại đảo chiều, nhưng vẫn thấp hơn cả triệu đồng mỗi lượng so với giá bà bán ra khi sáng, bà nội trợ này nhận ra diễn biến giá vàng gần giống hồi năm 2011.

"Tôi không đầu cơ vàng, không trữ vàng số lượng lớn. Năm nay tôi không ham mua vào khi thấy giá tăng kinh khủng như vậy nữa, mà chỉ quyết định bán khi thấy được giá để chốt lời", bà nói và khẳng định đây là kinh nghiệm rút ra được sau lần "hớ" vào 9 năm trước.

Giá vàng cũng tăng đột biến hồi 9 năm trước

Những ngày cuối tháng 8/2011, giá vàng trong nước từ vùng 46 triệu đồng/lượng đã tăng vọt lên 49 triệu đồng/lượng chỉ trong vài hôm. 

Mốc đỉnh nhất của giá vàng 9 năm trước là ngày 23/8/2011, khi giá thế giới vượt 1.900 USD/ounce, thì giá vàng trong nước vọt lên 48,6 triệu đồng/lượng, rồi nhanh chóng xác lập kỉ lục hơn 49 triệu đồng/lượng.

Vàng mất vài triệu sau ngày lên đỉnh lịch sử, kịch bản  lặp lại năm 2011? - Ảnh 1.

Đổ xô đến tiệm vàng Mi Hồng bán vàng sáng 25/2. (Ảnh: Phúc Minh).

Trước khi tăng sốc chỉ trong vài ngày, cũng năm này, giá vàng đã tăng tốc từ mức chỉ 36 triệu đồng/lượng, tức chênh lệch đến hơn chục triệu đồng. Giá vàng năm2011 tăng sốc trước tình hình thế giới có nhiều biến động, từ lạm phát tăng cao, khủng hoảng tài chính tại châu Âu, bất ổn chính trị tại các khu vực Trung Đông và Bắc Phi…

Với tâm lí mua vào, bán ra, thấy giá vàng đang đà tăng dữ dội, nhiều người quyết định mua vào tại thời điểm mức giá đang đỉnh nhất 48-49 triệu đồng/lượng để chờ bán ra hưởng lời. Tuy nhiên, họ đã ôm "trái đắng" cho đến 9 năm sau, khi vàng lập đỉnh lịch sử hôm 24/2/2020.

Chỉ sau một đêm, tức 24/8/2011, giá vàng đã nhanh chóng tụt dốc, mất 1,4 triệu đồng/lượng, còn 47,6 triệu đồng. Những ngày sau đó, giá vàng tiếp tục dốc không phanh, xuống chỉ còn 41 triệu đồng/lượng, giảm đến 8 triệu đồng chỉ sau một thời gian ngắn.

Những người đổ xô mua vàng hôm giá đỉnh 49 triệu đồng/lượng, chới với. Bà Tân là một trong những người "khóc ròng" vì giá vàng năm ấy. Bà cho biết thời điểm đó, chỉ mới bắt đầu mua vàng nên thấy nhiều người đổ xô mua, cũng quyết định cầm 50 triệu ra mua một lượng.

"Lần đầu tiên mua, mua đúng với thời điểm giá hỗn, tôi trông đứng trông ngồi, cuối cùng bán ra sau đó 1 tháng để cắt lỗ, mà lỗ 8 triệu đồng chứ không ít. Nhưng thà lỗ như vậy, chứ để giá xuống nữa, rồi lo lắng mỗi ngày chắc bệnh luôn", bà nói và khẳng định đã "bớt bớt ham vàng" từ sự cố này.

Vàng mất vài triệu sau ngày lên đỉnh lịch sử, kịch bản  lặp lại năm 2011? - Ảnh 2.

Vẫn có người hi vọng giá vàng sẽ tiếp tục nên mua vào sáng 25/2, nhưng số lượng ít hơn nhiều so với bán ra. (Ảnh: Phúc Minh).

Bà Tân cho biết thực tế, bà đã may mắn hơn một số người bạn trong nhóm, thời điểm đó, bạn của bà có người mua 3-4 lượng vàng, mất đứt hàng chục triệu đồng. 

"Thấy vàng lên trong năm liên tục, cứ nghĩ sẽ lên nữa nên vội mua kiếm lời, ai ngờ lỗ nặng. Toàn các bà nội trợ với nhau,  không ai có kinh nghiệm gì cả, cứ người này rủ người kia. Giờ nhắc tới bà nào cũng sợ", bà Tân nói.

Kịch bản quay lại 9 năm: Vàng mất gần 2 triệu đồng/lượng sau 1 đêm 

Bà nội trợ này cho biết diễn biến giá vàng hiện nay cũng y chang hồi 9 năm trước. Hôm 24/2, giá vàng cũng tăng sốc, chỉ trong 1 ngày, mỗi lượng vàng tăng đến hơn 3 triệu, vượt mốc 49 triệu đồng mỗi lượng, xô đổ kỉ lục giá khó tin năm 2011. 

Kịch bản đã lặp lại, chỉ sau một đêm, giá vàng giảm sốc lùi về vùng giá 47 triệu đồng/lượng, thậm chí mức giảm còn sâu hơn so với 9 năm trước. 

Chốt ngày giao dịch, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết bán ra chỉ còn 47,4 triệu đồng/lượng, rớt 1,6 triệu đồng từ vùng kỉ lục 49 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá bán ra giữ ở mức 46,5 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua bán 900.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua-bán dù ở mức cao nhưng đã rút ngắn đi nhiều so với hôm vàng tăng nóng 24/2. 

Vàng mất vài triệu sau ngày lên đỉnh lịch sử, kịch bản  lặp lại năm 2011? - Ảnh 3.

Sau khi lập đỉnh, giá vàng rớt mạnh, thậm chí rơi xuống mức thấp hơn 9 năm trước. (Ảnh: Phúc Minh).

Thực tế, cuối ngày 25/2, giá vàng đã tăng trở lại hơn cả triệu đồng, để chốt ở mức giá 47,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Bởi thời điểm 15h, giá vàng miếng SJC bán ra niêm yết chỉ 46 triệu đồng, mua vào rơi về vùng 45 triệu đồng, giảm đúng 3 triệu so với mốc 49 triệu đồng chốt phiên 24/2. 

Tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng khác, sau một hôm tăng sốc, giá vàng cuối ngày cũng giảm mạnh nhưng chênh lệch mua bán đang ở mức "loạn". Tại PNJ, giá vàng miếng SJC cuối ngày giảm 1,7 triệu đồng/lượng so với giá hôm qua, còn 47,3 triệu đồng/lượng, giá mua vào 45,8 triệu đồng/lượng, chênh lệch 1,5 triệu đồng/lượng.

Tại Doji, giá vàng đã lao dốc mạnh trong ngày, thậm chí rớt xuống vùng 46 triệu đồng/lượng, bán ra chỉ còn 46,9 triệu đồng/lượng, mua vào 46,25 triệu đồng/lượng.

Phú Quý cuối ngày 24/2 gây náo loạn thị trường khi để giá bán lên đến 49,7 triệu đồng/lượng, thì hôm sau giảm sâu về vùng giá 47 triệu đồng/lượng, giảm gần 3 triệu đồng chỉ sau một đêm.

Cuối ngày, giá vàng thế giới trên sàn Kito giao dịch ở mức 1.653 USD/ounce, tăng 2 USD so với đầu ngày nhưng so với hôm lập đỉnh đã giảm đến 32 USD/ounce.

Giá vàng có lặp lại kịch bản 9 năm trước?

Trước diễn biến giá vàng trong nước, các chuyên gia tài chính đều có cùng nhận định, chính dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là khi số ca lây nhiễm ngoài Trung Quốc ngày một tăng, và bắt đầu phức tạp tại một số nền kinh tế lớn khiến nhà đầu tư lo ngại.

TS. Nguyễn Trí Hiếu loại trừ việc có tình trạng "thổi giá" kim loại quý trên thị trường quốc tế và Việt Nam để kiếm lời. Tuy nhiên, ông cho rằng về chủ đạo, các tin tức xấu gần đây, nhất là dịch Covid-19 là nguyên nhân đẩy giá vàng tăng, nhà đầu tư tìm kênh trú ẩn an toàn là vàng thay vì những kênh khác.

Vàng mất vài triệu sau ngày lên đỉnh lịch sử, kịch bản  lặp lại năm 2011? - Ảnh 4.

Nhiều người tranh thủ bán ra tại trung tâm SJC sáng 25/2. (Ảnh: Phúc Minh).

Chuyên gia tài chính ngân hàng này nhận định tương lai giá vàng năm nay phụ thuộc vào việc dịch Covid-19 có được kiểm soát hay không. Theo ông, nếu hết quý I/2020, dịch vẫn chưa được khống chế thì giá vàng thế giới vẫn tiếp tục tăng; trong nước, nhiều khả năng vàng sẽ lên 50 triệu đồng/lượng, thậm chí cao hơn.

Tương tự, chuyên gia Bùi Quang Tín cũng đưa ra nhận định dịch Covid-19 sẽ là tác nhân ảnh hưởng giá vàng sắp đến, việc vàng tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào việc dịch bệnh có được kiểm soát hay không.

Ông Tín dự báo, dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu, nhiều khả năng sẽ lan sang quý III-IV/2020. Thậm chí, nếu tình hình xấu đi, khi các nước không tìm ra hoặc vẫn loay hoay với các phương án phục hồi kinh tế, thì mức độ ảnh hưởng sẽ kéo sang năm 2021.

Trong trường hợp các nước tìm ra biện pháp hồi phục, thì việc khôi phục và ổn định nền kinh tế cũng không dễ dàng, đòi hỏi phải có thời gian dài. Vì vậy, chuyên gia khẳng định các nhà đầu tư sẽ lui về kênh trú ẩn an toàn, khiến giá kim loại quý tiếp tục được đẩy lên cao.

Dù dự báo giá vàng tăng nhưng các chuyên gia đều khuyến cáo nhà đầu tư nên cẩn trọng khi đầu tư vào kim loại quý thời gian này.

Dẫn lại bài học năm 2011, thời điểm giá vàng lên đỉnh 1.900 USD/ounce, TS. Bùi Quang Tín cho biết có những nhà đầu tư thua lỗ hàng trăm tỉ, thậm chí lên đến cả nghìn tỉ đồng, vì giá vàng đã nhanh chóng lao dốc sau khi đạt đỉnh. 

Danh sách những nhà đầu tư phá sản vì vàng giai đoạn đó có cả những người chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp, thậm chí cầm cố, vay mượn người thân, bạn bè tài sản chỉ để mua vàng nhưng rồi cuối cùng phải phá sản.

Hôm qua, 25/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng đã lên tiếng về giá vàng tăng sốc. Ông cho rằng biến động trong nước hiện chủ yếu do giá vàng quốc tế và yếu tố tâm lí. Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, nếu có bất ổn sẽ can thiệp khi cần thiết.

.