Ths.BS Nguyễn Tiến Thành, Bệnh viện Da liễu Trung Ương cho biết, đa phần các trường hợp đến viện khám sau khi tự điều trị vài ngày không khỏi. Rất nhiều bệnh nhân tự ra hiệu thuốc mua thuốc bôi, thuốc uống zona, giời leo... vài ngày không khỏi, vết thương thêm sâu hơn, loét rộng mới đến bệnh viện khám, được chẩn đoán viêm da tiếp xúc do côn trùng.
Theo các bác sĩ, viêm da tiếp xúc dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với các bệnh khác điển hình là zona thần kinh, giời leo. Tuy nhiên, tổn thương điển hình do kiến ba khoang rất rõ, có thể phân biệt để từ đó có thể xử trí hiệu quả nhất tổn thương này.
Các tổn thương điển hình do kiến ba khoang gây ra. |
Tổn thương da do kiến ba khoang thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay. Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
Tại vùng tổn thương, người bệnh có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Điển hình của viêm da do kiến ba khoang, đó là người bệnh sẽ có cảm giác râm ran ngay sau khi tiếp xúc với chất độc của kiến, nhưng phải sau 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ.
Tổn thương điển hình như mô tả ở trên chỉ xuất hiện sau 12-24 giờ tiếp xúc và bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy sau 3 ngày và lành vết thương sau 5 – 7 ngày, nhưng để lại vết thâm rất lâu.
Dù độc tố của kiến ba khoang gây tổn thương da nặng nề, nhưng bình thường con kiến này sẽ không đốt người. Thường mọi người bị tổn thương da khi bị chà sát vào kiến, hoặc thấy kiến đậu trên da vội vàng dung tay đập kiến khiến nọc độc tiết ra, gây tổn thương tại chỗ.
Vì thế, c ác chuyên gia khuyến cáo khi bất ngờ phát hiện có kiến ba khoang đang bò trên da, hay ở dưới mặt đất, tuyệt đối không dùng tay đập kiến vì lúc này chất tiết của con vật sẽ bám dính vào da và gây tổn thương. Khi thấy kiến ba khoang, không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót.
Còn khi trong nhà có côn trùng, kiến ba khoang, mọi người nên sử dụng đồ bảo hộ và bắt kiến vất đi, không nên tiếp xúc trực tiếp với kiến, nơi kiến chết có dịch tiết cần lau sạch.
Khi không may bị dịch kiến ba khoang dính vào da cần vệ sinh sạch bằng xà phòng dịu nhẹ, bôi dưỡng ẩm và đến bệnh viện chuyên khoa Da liễu thăm khám, không nên tự ý điều trị tránh để lại biến chứng không đáng có. Khi bác sĩ khám chẩn đoán đúng là viêm da tiếp xúc do côn trùng, chi sau một vài ngày là tổn thương da hồi phục.
Do là loài ưa ánh sáng đèn nên ban đêm, kiến ba khoang bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà sát hoặc bị giết.
Vì thế, trong mùa này, để phòng kiến ba khoang bay vào nhà hãy hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.
Trước khi đi ngủ, giũ sạch chăn, chiếu, buông màn để kiến ba khoang không bay vào, khi ngủ không biết, chà sát phải chất độc dính sẽ gây tổn thương da. Cần chú ý khăn rửa mặt, quần áo... phòng nguy cơ kiến ba khoang.
Nên tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt kiến.
Bị kiến ba khoang đốt: Cách phòng ngừa và xử lý đơn giản, hiệu quả nhất
Bị kiến ba khoang đốt có dấu hiệu thế nào, phải bôi thuốc gì, xử lý vết cắn ra sao và cách phòng tránh kiến ... |
Nguy cơ mắc hàng loạt bệnh ngoài da vì ‘bì bõm’ trong nước ngập
Liên tiếp phải "bì bõm" lội trong làn nước ngập trên đường phố Sài Gòn khiến nhiều người dân đứng trước nguy cơ mắc các ... |