Hành trình cung đường Offroad biên giới Việt - Lào Ngày 1: Rừng Quốc Gia Pù Mát, đổ đèo đêm cửa khẩu Nậm Cắn. Ngày 2: Cung đường hoang vu Tây Nghệ An. Ngày 3: Sài Khao, Mường Lát trong Tây Tiến. Phương tiện: Xe máy Lộ trình đi qua: Tỉnh: Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Một số địa điểm nổi bật: Vườn Quốc Gia Cúc Phương, Vườn Quốc Gia Bến En, Vườn Quốc Gia Pù Mát, Cửa khẩu Nậm Cắn, thủy điện Hủa Na, khu bảo tồn Xuân Liên, khu bảo tồn Pù Hu, khu bảo tồn Xuân Nha, hồ thủy điện Sông Đà, Ba Khan .... Cung đường: Đường HCM, đường Tây Nghệ An, đường Sài Khao Mường Lát, đường QL6 cũ. Chiều dài quãng đường: 1500Km Thời gian: 3 ngày 2 đêm. Đặc trưng cung đường: Đường bằng chiếm 30%, đường đồi núi chiếm 70%. |
Offroad là hành trình đi vào những khu vực không có đường lớn, thường chỉ có đường mòn dành cho người đi bộ với địa hình gập ghềnh hiểm hóc. Một bên là đường mòn ven núi vừa đủ bánh xe máy, phía bên dưới là vực thẳm, sông sâu hoặc những con đường đá chông chênh… Tuy nhiên, Offroad đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, đặc biệt người cầm lái phải thực sự có kinh nghiệm và tay lái vững. |
Xuất phát từ Hà Nội, bạn nên chọn đi theo đường mòn Hồ Chí Minh (HCM). Đường HCM chạy xe máy rất thoáng, ít xe cộ qua lại, mặt đường đẹp, cảnh hai bên đường cũng đẹp. Thế nên nếu chạy cung đường Bắc - Nam, bạn có thể chạy đường HCM thay vì QL1A. Có điều là tuyến đường này cũng rất thưa dân. Có nhiều đoạn phải đi mấy chục km mới có cây xăng. Hàng quán cũng ít vì thường phải là tuyến đường vận tải mới có các quán ăn phục vụ khách đi đường. Ảnh: Sơn Phạm. |
Điểm rẽ đầu tiên, sau 250Km đường HCM là đoạn rẽ vào TL598/ TL531. Đặc trưng của cảnh quan nơi đây là hai bên đường rất thoáng mát. Ảnh: Sơn Phạm. |
Tiếp tục bạn sẽ đi đến chân cầu Nam Sơn 1, xã Nam Sơn, thuộc địa phận rừng quốc gia Pù Mát. Trong đây chủ yếu là người dân tộc Thái sinh sống, đi sâu vào trong bản thì còn có một bộ phận nhỏ người Lào. Ảnh: Sơn Phạm. |
Khu vực cửa khẩu Nậm Cắn. Đây là một khu liên hợp với đầy đủ các dịch vụ như: Tạp hóa, phòng nghỉ trọ, bưu điện, cây xăng, .. phục vụ cho dân vận tải. Ảnh: Sơn Phạm. |
Buổi bình minh tuyệt đẹp trên đất Nậm Cắn, hình ảnh các em nhỏ nối đuôi nhau cắp sách tới trường. Ảnh: Sơn Phạm. |
Di chuyển khỏi khu vực Nậm Cắn, bắt đầu rẽ sang cung đường Tây Nghệ An. Cung đường dài 184Km độc đạo chạy song song với biên giới Việt Lào. Có thể nói con đường này chẳng kém gì con đường Hạnh Phúc ở Hà Giang về độ hiểm trở. Nếu đường Hạnh Phúc Hà Giang đi qua những Mã Pí Lèng, Cán Tỷ, Bắc Xum, ... quá nổi tiếng với giới xê dịch, thì đường Tây Nghệ An lại đi qua vùng lõi của rừng Quốc Gia Pù Mát, với những vách nhũ đá hoang sơ hai bên đường, hang động cheo leo trên núi đá vôi cao vút, cùng lòng hồ thủy điện, ... Tuy nhiên, Tây Nghệ An có phần hoang sơ hơn, có những đoạn đường ngập trong suối, vào mùa lũ con đường sẽ bị chia cắt làm nhiều phần không thể vượt qua được, sạt lở cũng xảy ra thường xuyên. Vì vậy, để chinh phục cung đường này bạn cũng nên lưu ý lựa chọn thời gian đi, không nên đi vào mùa mưa. Ảnh: Sơn Phạm. |
Khung cảnh núi non trùng điệp và vẫn giữ được nét hoang sơ hiếm có. Ảnh: Sơn Phạm. |
Ở đây, có một đặc trưng rất dễ nhận ra đó là những khối nhũ đá cao sừng sững. Khối đá nhũ này phải mất hàng triệu năm mới có thể tạo thành hình dạng này, nhưng khi có tuyến đường này chạy qua, quá trình tổng hợp CO2, phân rã Ca(HCO3)2 bị gián đoạn, nên những nhũ đá này sẽ bị ngừng phát triển. Ảnh: Sơn Phạm. |
Cung đường này chạy song song với biên giới Việt - Lào, có những đoạn chỉ cách biên giới 4Km. Ở đoạn này có rất nhiều đá sỏi và đất trũng. Ảnh: Sơn Phạm. |
Khu vực cầu Nậm Nơn, tiếp tục hành trình đường đất sỏi. Ảnh: Sơn Phạm. |
Khu vực sông Cả được nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Sơn Phạm. |
Cung đường nay khá hiểm trở, bởi những khúc cua tay áo. Ảnh: Sơn Phạm. |
Những con dốc dựng đứng đầy hiểm hóc, một bên là vực sâu nên rất dễ xảy ra tình trạng bánh xe trơn trượt. Ảnh: Sơn Phạm. |
Hình ảnh những cánh đồng lúa của người Thái tuyệt đẹp một màu xanh non. Ảnh: Sơn Phạm. |
Thủy điện Hủa Na được xây dựng trên sông Chu, thuộc hệ thống sông Mã, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Sơn Phạm. |
Những khối núi đá với muôn hình vạn trạng và rất kì dị. Ảnh: Sơn Phạm. |
Khu vực sông Chu, với đặc điểm sông chỗ sâu chỗ cạn. Nói chung lưu lượng nước chỉ ngang con suối, tuy nhiên đến mùa mưa lượng nước tăng lên đáng kể. Ảnh: Sơn Phạm. |
Đoạn đường có dốc 35 độ với đường cát sỏi dăm, ngăn cách khu vực Nghệ An và Thanh Hóa. Ảnh: Sơn Phạm. |
Địa bàn ở đây đa số chủ yếu là người dân tộc Thái sinh sống. Ảnh: Sơn Phạm. |
Khung cảnh bình minh mờ ảo trong lớp sương mù tựa như lớp ảo ảnh, cộng hưởng với màu vàng nâu của ánh mắt trời đang dần lên cao càng tạo nên vẻ đẹp kỳ diệu. Ảnh: Sơn Phạm. |
Vượt qua nhiều con dốc cheo leo, quanh co theo triền núi, cắt rừng vượt qua nhiều núi cao, suối sâu để tới bản Sài Khao (xã Mường Lý, huyện Mường Lát) nguyên sơ và thơ mộng. Ảnh: Sơn Phạm. |
Quốc lộ 6 là con đường quen thuộc của dân xe dịch để di chuyển về Hà Nội. Đi trên đường này vào ngày cuối tuần bạn sẽ gặp hàng đoàn xe cờ đỏ nối đuôi nhau rất khí thế. Ảnh: Sơn Phạm. |
Nhật ký hành trình: Sơn Phạm