Cú rẽ ngang đổi đời của cô gái Châu Á bé nhỏ ôm mộng trượt băng
Vera Wang sinh năm 1949 tại New York trong một gia đình người Hoa trung lưu. Người trong gia đình thường gọi cô bằng cái tên tiếng Hoa thân mật là Vương Vi Vi. Sống trong nhung lụa từ thuở nhỏ, Vera Wang đã nhanh chóng được bố mẹ hỗ trợ, đầu tư để cô theo đuổi bộ môn trượt băng nghệ thuật mà cô yêu thích từ năm lên 6.
Ròng rã hơn 10 năm trời, Vera Wang đã đứng trên đỉnh cao danh vọng của bộ môn này bằng việc ẵm chiếc cúp vô địch toàn nước Mỹ U.S Figure Skating Championships năm 19 tuổi. Tài năng là thế, giỏi giang là thế nhưng may mắn đã không mỉm cười với cô gái gốc Á nhỏ nhắn được dài lâu.
Vera Wang không được gọi tên trong đội tuyển quốc gia đi thi Olympic năm đó dù cô gái đã rất nỗ lực để dành được danh hiệu cao.
Thất vọng, buồn bã với sự cố gắng không được đền đáp. Vera Wang bắt đầu suy nghĩ, chiêm nghiệm nhiều hơn về con đường mình theo đuổi. Và cô nhận thấy rằng trượt băng nghệ thuật không phải một con đường có thể đi dài lâu, Vera quyết định nói lời chia tay sân băng và bắt đầu những bước chân đầu tiên vào lãnh địa thời trang - một sở thích khác của cô khi được ngồi cùng mẹ tại những show diễn của các nhà mốt danh giá sau những giờ luyện tập mệt nhoài.
Tuy vậy, cô luôn mang trong mình tinh thần của một vận động viên trượt băng trong suốt quãng đường phía trước: “Một vận động viên trượt băng khi vấp ngã, lập tức họ phải đứng dậy ngay và bắt đầu lại từ đầu. Bạn không thể để người khác đánh giá thấp bản thân mình”.
Cống hiến hết mình cho Vogue suốt 2 thập kỷ và bị “đá” không thương tiếc như cách bị loại khỏi đội tuyển quốc gia
Gia đình thuộc tầng lớp khá giả và có địa vị, chính vì vậy từ bé Vera Wang đã được vinh dự ngồi xem các bộ sưu tập thời trang cùng mẹ từ các nhà mốt hàng đầu. Show diễn đầu tiên bà được chiêm ngưỡng chính là của Yves Saint Laurent.
Những thiết kế đẳng cấp, tinh tế của YSL đã khơi gợi sự yêu thích thời trang trong lòng Vera Wang. Và đó cũng chính là lí do bà quyết định chọn dấn thân vào con đường vải vóc, trang phục sau khi rời khỏi sân băng.
Năm 20 tuổi, khi còn là sinh viên ngành Lịch sử Nghệ thuật, Vera Wang đã xin học việc tại cửa hiệu của Yves Saint Laurent - nhà mốt khơi gợi niềm đắm say thời trang trong bà từ thuở nhỏ.
Tại đây, năng khiếu thời trang thiên bẩm của Vera đã được phát hiện bởi Frances Patiky Stein - biên tập viên thời trang của Vogue Mỹ. Không để phí 1 tài năng ẩn mình, biên tập viên này đã đưa ra lời đề nghị cho Vera: “Hãy gọi tôi khi cô đã học xong đại học”.
Bẵng đi hai năm sau đó, khi đã cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay, Vera gọi ngay cho Frances. Thật may mắn là vị biên tập viên đó vẫn nhớ lời đề nghị năm nào, bà lập tức nhận Vera Wang vào Vogue - tạp chí thời trang danh giá bậc nhất nước Mỹ.
Không phụ lòng tin của Frances, chỉ trong vòng 1 năm, Vera Wang đã chứng minh năng lực của mình, bà nhảy vọt từ vị trí học việc, rồi thực tập sinh, trợ lý,… đã trở thành biên tập viên trẻ tuổi nhất của Vogue.
Trong 16 năm kế tiếp, Vera Wang đã cháy hết mình với những bài viết, những shoot ảnh cùng tạp chí danh giá này. Đến độ, bà từng nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với Vogue cả đời.
Thế nhưng, một lần nữa, lịch sử đau thương lặp lại, Vera bị đá văng khỏi chiếc ghế tổng biên như cách mà bà bị loại khỏi đội tuyển Olympic năm xưa sau những tháng năm miệt mài cống hiến.
Tuy nhiên, cánh cửa này đóng sẽ có một cánh cửa khác mở ra, và từ cú sốc đau thương ấy, Vera Wang đã rẽ lối sang một hướng khác rực rỡ hơn.
Loay hoay tìm cho mình chiếc áo cưới phù hợp và bước chuyển mình thành bà tiên mơ ước của mọi cô dâu
Sau khi rời khỏi Vogue, Vera Wang đã đến Paris để làm giám đốc thiết kế cho Ralph Lauren. Vera Wang là một trong những nhà thiết kế hiếm hoi không qua đào tạo chuyên môn, có thể đảm nhận những vị trí cao cấp. Tại Ralph Lauren, Vera Wang chủ yếu tập trung vào thiết kế phụ kiện.
Cũng trong khoảng thời gian này, bà và bạn trai Arthur Becker quyết định tiến tới hôn nhân. Khi ấy, Vera Wang đã bước vào tuổi 40, dù vậy đây là đám cưới đầu tiên của bà và Vera mong muốn tìm được 1 chiếc áo cưới hoàn hảo khiến mình nổi bật nhất trong ngày vu quy.
Tuy nhiên, vóc dáng Á Đông nhỏ bé của Vera như bị nuốt trọn trong những tầng váy bồng bềnh, kiểu cách - mốt áo cưới đương thời khi ấy. Sau nhiều lần cân nhắc, Vera quyết định sẽ tự thiết kế và may áo cưới cho mình.
Bà đã nhờ cậy đến một thợ may lành nghề để hỗ trợ thực hiện chiếc áo cưới trong mơ đúng tiêu chuẩn mình mong muốn. 10.000 đô la Mỹ là tổng số tiền để thực hiện chiếc áo cưới của Vera Wang, một con số khủng vào thời đấy.
Không phụ công sức và số tiền khủng bỏ ra, chiếc áo cưới Vera Wang mặc trong hôn lễ đã nhận được cơn mưa lời khen và hàng tá lời đặt hàng từ các tên tuổi đình đám. Và đây cũng là lúc bà mở ra cho mình một con đường mới: thiết kế áo, váy và vương miện ngày cưới cho các cô dâu.
Năm 1990, Vera Wang đã mở cửa hàng áo cưới đầu tiên mang tên Vera Wang Bridal House nằm trên đại lộ Manson, New York. Bắt đầu bước chuyển mình từ giám đốc sáng tạo thành “bà tiên” của mọi cô dâu.
Có hàng trăm nhãn hiệu, vì sao lại là váy cưới Vera Wang?
Nếu bạn muốn đầu tư 1 chiếc váy cưới để dành làm “hồi môn” cho con mình sau này, đừng tiếc tiền chọn Vera Wang. Bởi lẽ, các thiết kế áo cưới của Vera Wang rất đơn giản, tinh tế lại hiếm khi lỗi mốt.
Dù là 1 hay vài thập kỷ sau thì chiếc váy cưới mang nhãn hiệu Vera vẫn giữ nguyên giá trị. Phụ nữ ưa chuộng váy của bà bởi sự thanh lịch, sang trọng nhưng không quá cầu kì, rườm rà. Nó đúng với tinh thần lãng mạn của một nàng công chúa trong mơ.
Mặc khác, mỗi chiếc váy của Vera Wang chỉ phù hợp với duy nhất 1 cô dâu. Điều này càng làm tăng thêm tính cầu toàn của sản phẩm, khiến những cô dâu may mắn được khoác lên mình thương hiệu váy cưới này cảm thấy được trân trọng, tự tin hơn.
Đừng mong sẽ tìm được những thiết kế diêm dúa, ngập chi tiết trong cửa hàng áo cưới Vera Wang. Tại đây, bạn chỉ có thể chiêm ngưỡng những kiệt tác áo cưới tinh tế từ đường kim, mũi chỉ, chất liệu, những nét cắt cúp, những phụ liệu trang trí… Tất cả đều được làm thủ công, tỉ mỉ và công phu nhưng tinh tế sang đến không ngờ.
Bên cạnh đó, áo cưới Vera Wang còn nổi bật bởi màu sắc. Bà là người có công trong cuộc “cách mạng trắng”, đem đến những sắc độ trắng khác nhau, nổi bật hơn cả là sắc trắng ngà và trắng nhuốm màu trà.
Để có được những dải màu đột phá này, bà và phụ tá của mình đã mất hàng tháng trời, nhúng từng bộ váy cưới màu trắng vào những bể chứa đầy trà, để tìm tòi và tạo ra màu trắng - trà sang trọng, trang nhã mà vẫn tôn lên nét trong sáng, thanh lịch của cô dâu.
Bà tiên của các cô dâu nhưng hạnh phúc của mình lại chẳng tày ngang
Đột phá nhất trong sự nghiệp của Vera Wang là bộ sưu tập áo cưới đen ra mắt năm 2012. Khi trình làng mẫu váy cưới có sắc màu “kỵ” này, Vera Wang đã khiến làng thời trang dậy sóng. Bởi lẽ, áo cưới có thể nhiều màu sắc nhưng màu đen thì tuyệt đối không - vì đây là màu của tang tóc, của điềm không may.
Thế nhưng, đi ngược lại với quy luật thời trang cố hữu, Vera Wang chỉ bình thản giải thích rằng màu đen tượng trưng cho sức mạnh, bí ẩn, quyến rũ - những nét mà các cô dâu hiện đại tìm kiếm.
Tuy là người chắp cánh cho vẻ đẹp của nhiều cô dâu trong ngày trọng đại, nhưng bà tiên váy cưới lại thất bại trong việc thiết kế cho mình một mái ấm vững vàng. Có trong tay mọi thứ mà phụ nữ trên đời đều mong ước, nhưng ông trời lại cướp đi thiên chức làm mẹ của cô.
Sau nhiều lần điều trị chứng vô sinh thất bại, vợ chồng Vera Wang đã nhận con nuôi để chờ… cơ may. Thế nhưng, ít lâu sau khi ra mắt bộ sưu tập đen vào năm 2012, Vera Wang công bố cô và chồng mình đã đường ai nấy đi sau 23 năm chung sống.
Rất nhiều câu chuyện đồn đoán về sự tan rã này nhưng Vera chưa một lần lên tiếng giải thích. Hiện nay, dù đã bước vào hàng U70, Vera Wang vẫn cống hiến miệt mài cho làng thời trang thế giới và vẫn lẻ bóng trong căn biệt thự rộng lớn của chính mình.
XEM THÊM
Võ Hoàng Yến rũ bỏ hình tượng mạnh mẽ, e ấp bên 'trai lạ' trong tà áo cưới
Siêu mẫu Võ Hoàng Yến cùng Vũ Mạnh Hiệp, gia đình Ốc Thanh Vân và các cặp đôi đang yêu nhau đã cùng “Waken you ... |
Cô dâu Việt Nam lọt top 5 những tân nương đẹp nhất thế giới
Trang beauty-around mới đây đã bình chọn ra 13 cô dâu xinh đẹp nhất thế giới, đại diện cho 13 quốc gia hoặc khu vực, ... |