VETC xin rút khỏi dự án thu phí không dừng

Doanh nghiệp được Bộ GTVT chỉ định cung cấp công nghệ thu phí không dừng cho 44 trạm thu phí bất ngờ xin rút lui do đầu tư nhiều năm không hiệu quả.

Sau gần 5 năm tồn tại nhưng không đạt hiệu quả vận hành, Công ty TNHH thu phí tự động VETC (doanh nghiệp dự án) đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép dừng thực hiện Hợp đồng dự án BOO1 và kiến nghị Bộ chuyển giao dự án cho nhà đầu tư khác.

VETC xin rút khỏi dự án thu phí không dừng - Ảnh 1.

Việc triển khai làn thu phí tự động tại các 44 trạm thu phí vẫn dở dang sau 5 năm. (Ảnh: Ngọc Tân).

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, VETC cho biết lỗ lũy kế của công ty sau 5 năm vận hành đã lên tới 300 tỉ đồng (do tỉ lệ thu phí tự động không dừng thấp, thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch). Các cổ đông không đồng thuận cấp vốn tiếp cho dự án do đã trải qua 5 năm không nhận được cổ tức và liên tục phải đầu tư thêm vốn để bù lỗ vận hành.

VETC đề xuất Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai thực hiện. Nếu tiếp tục để dự án hoạt động, Bộ GTVT cần chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án.

Trong 5 năm hoạt động, VETC đã đầu tư và vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng tại 23 trạm thu phí. Đối với các trạm của nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp mới chỉ kết nối vận hành thu phí được 4/17 trạm (trong đó có 3 trạm của Tasco - đơn vị góp vốn vào VETC).

Tháng 7 vừa qua, doanh nghiệp đã một lần đề xuất với Bộ GTVT về việc chấm dứt hợp đồng dự án. Bộ hứa hẹn hoàn thành đàm phán kết hợp đồng với các nhà đầu tư BOT trước 30/8 nhưng đến nay vẫn còn 33/44 trạm chưa chịu hợp đồng/phụ lục hợp đồng.

VETC xin rút khỏi dự án thu phí không dừng - Ảnh 2.

Người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Ảnh: Lê Quân.

Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân chưa mặn mà với việc sử dụng thẻ Etag. Nhiều doanh nghiệp BOT cũng băn khoăn chuyện chia nguồn lợi từ dòng tiền thu phí nên chưa đồng ý cho lắp đặt hệ thống.

Một số nhà đầu tư BOT không đồng ý hợp đồng dịch vụ, không bàn giao làn thu phí để thực hiện đầu tư hoặc đồng ý cho VETC đầu tư nhưng sau đó không trả phí dịch vụ vận hành.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư chưa đồng ý tổ chức đàm phán hợp đồng, chưa thống nhất mức trích tỉ lệ sử dụng dịch vụ hoặc đồng ý mức trích nhưng chờ sự đồng thuận từ địa phương, ngân hàng tài trợ vốn.

Theo ước tính của doanh nghiệp này, nếu đến hết năm 2020 mà vẫn chưa triển khai được thu phí không dừng của VEC và VIDIFI (nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) thì lỗ lũy kế cho công tác vận hành sẽ lên đến 580 tỉ đồng.

Chính phủ chủ trương phổ biến thu phí không dừng trên cả nước nhằm tăng tính minh bạch trong doanh thu và tiết kiệm thời gian cho người dân. Bộ GTVT đã chỉ định Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) là đơn vị cung cấp công nghệ và đứng ra thu phí hộ các chủ BOT.

VETC có trách nhiệm lắp đặt hệ thống của mình trên các trạm thu phí BOT, đồng thời dán tem thu phí tự động (thẻ Etag) trên các phương tiện cơ giới để trừ tiền qua tài khoản khi xe qua trạm.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, công tác triển khai các làn thu phí tự động không dừng tại các dự án BOT thuộc phạm vi dự án phải hoàn thành trước 31/12. Tuy nhiên tiến độ này khó khả thi do còn nhiều vấn đề nhà đầu tư BOT chưa chấp thuận.

Bộ GTVT từng kiến nghị Thủ tướng buộc chấm dứt thu phí từ sau ngày 31/8 đối với các nhà đầu tư BOT không phụ lục hợp đồng triển khai thu phí không dừng và hợp đồng dịch vụ với VETC. Tuy nhiên, trước sự phản đối gay gắt của các nhà đầu tư, kế hoạch này bị rút lại.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.