Sau 4 năm, cơ quan chức năng quận Ba Đình đã phá được ô trần đầu tiên của tầng 18 nhà 8B Lê Trực vào sáng 20/5. Quận Ba Đình cũng đưa ra kế hoạch hoàn thành tháo dỡ tầng 18 trong 120 ngày và có thể xong vào tháng 9 năm nay.
Ông Trương Văn Hải, đại diện Công ty xây dựng Bắc Nam (nhà thầu phá dỡ), cho hay máy cắt sàn được sử dụng có lưỡi gắn kim cương. Đây là lưỡi chuyên dụng để cắt vật liệu cứng như đá, bê tông.
Theo phương án được phê duyệt, đơn vị sẽ tiến hành cắt từng ô sàn với diện tích khoảng 2 m2, nặng khoảng 1 tấn. Trước khi cắt, đơn vị lắp đặt giàn giáo trợ lực bên dưới. Bên trên, công nhân khoan 4 lỗ lớn trên khối bê tông để luồn dây từ cẩu tháp, sau khi cắt xong sẽ được nâng lên để chuyển đi. Theo tính toán của đơn vị thi công, thời gian cắt đối với một ô diện tích 1,2 x 1,8 m là khoảng 32 phút.
Trao đổi với Zing, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam, cho biết ông ủng hộ phương pháp này. Ông cho rằng phương pháp này có nhiều ưu điểm so với việc đập vụn bằng búa hơi rồi cho rơi xuống phía dưới như từng đề xuất.
"Việc đập vụn như thế có thể nhanh hơn, nhưng gây nhiều tiếng ồn và rất bụi. Bây giờ ta cắt thành từng ô nhỏ, rồi cẩu thẳng xuống vừa an toàn cho công nhân, lại sạch sẽ", ông Liên cho hay.
Bên cạnh đó, việc cắt từng ô như vậy sẽ đảm bảo được việc phá dỡ theo công đoạn được chính xác. Phá dỡ tầng bắt buộc phải đập sàn trước, rồi đến dầm phụ, cuối cùng mới đến dầm chính (cấu kiện chịu lực). Việc không để phế liệu rơi cũng đảm bảo an toàn cho người thi công và công trình.
Vị giáo sư cũng nhấn mạnh để đảm bảo an toàn cho công nhân, việc quan trọng là đơn vị thi công phải tháo dỡ hết thiết bị điện ở tầng 18, tháo toàn bộ các ô kính bên ngoài để đảm bảo an toàn cho người đi đường. Xung quanh tòa nhà cũng phải được phủ lưới chống vật liệu rơi và rào chắn hạn chế người đi lại phía dưới.
"Các biện pháp an toàn đã được nhà thầu thực hiện đầy đủ, cứ thế mà triển khai sẽ không có vấn đề gì cả", ông Liên cho hay.
Sau khi hoàn thành tháo dỡ sàn, GS. Nguyễn Văn Liên cho rằng đơn vị tháo dỡ sẽ chuyển sang dầm phụ, rồi dầm chính. Ông nhấn mạnh quan trọng nhất là phải thiết kế hệ thống chống đỡ đảm bảo chịu được lực của dầm khi tháo dỡ.
"Dỡ dầm phụ, rồi dầm chính, phải chống đỡ lên, dỡ từng đoạn một. Dỡ trên sàn công tác, cắt ra rơi xuống giàn công tác, từ đó cẩu xuống đất. Hoặc để cẩu giữ dầm, cắt xong cẩu thẳng xuống dưới", ông nói và cho rằng với những công việc và độ phức tạp như vậy, thời gian 4 tháng không phải là nhiều.
Đồng tình với phương pháp xử lí của đơn vị thi công, nhưng PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đánh giá các bước xử lí tiếp theo sẽ rất phức tạp và đắt đỏ.
Theo ông, ở tầng 18 có kết cấu rất quan trọng là hệ thống dầm treo của tòa nhà. Tháo dỡ hệ thống dầm treo là can thiệp trực tiếp vào sơ đồ kết cấu tòa nhà. Xử lí không cẩn thận có thể ảnh hưởng đến tòa nhà lâu dài, thậm chí không đảm bảo an toàn.
"Ở tầng 18, hiện nay họ chưa can thiệp vào dầm treo. Đơn vị thi công chỉ tháo dỡ phần sàn, khung bên trên. Còn để xử lí, đơn vị thi công phải chuẩn bị trước rất nhiều thứ. Cần phải hiểu rằng xử lí được dầm treo sẽ rất tốn kém, phức tạp", vị tiến sĩ nói.
Để xử lí được, ông cho rằng phải thay đổi sơ đồ chịu lực của cả hệ kết cấu. Từ dầm treo phải chuyển sang hệ kết cấu chống đỡ. "Hệ thống dầm có chức năng chống, nhưng ở đây còn thêm chức năng dây treo. Xử lí xong nó chỉ có chức năng chống chịu lực nén là chính thì lại phải thay đổi toàn bộ", ông Chủng phân tích.
Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn phải tính toán lại toàn bộ kết cấu tòa nhà từ dưới móng lên trên. Để làm móng đỡ các trụ cột này thì phải khoan thêm cọc nhồi để làm móng đỡ cho hệ cột đỡ, rồi phải xem móng cũ còn truyền tải được không.
"Giải pháp kỹ thuật là cực kỳ phức tạp và phải trả giá rất đắt về kinh tế. Nhưng đây cũng là bài học cho chủ đầu tư, việc xây dựng sai phép không chỉ cần xử lí bằng phạt tiền mà cần yêu cầu họ thanh toán toàn bộ chi phí xử lí sai phạm họ gây ra", ông Chủng nhấn mạnh.
TS Trần Chủng cho rằng một trong những vướng mắc mà các đơn vị thiết kế, tư vấn thi công tháo dỡ gặp phải từ nhiều năm nay ở dự án này là không có trong tay hồ sơ hoàn công. Mà theo ông, việc này do chủ đầu tư không hợp tác, chây ì trong xử lí sai phạm ở đây.
"Không có hồ sơ hoàn công, họ cũng không thể làm việc được với hệ kết cấu dầm treo ấy khi chưa tìm được giải pháp thay thế để khắc phục", ông nói.
Theo đại diện nhà thầu phá dỡ, công ty đã trình UBND quận Ba Đình và Sở Xây dựng phương án tháo dỡ hệ thống cột, dầm của tầng 18 nhà 8B Lê Trực để thực hiện sau khi tháo sàn xong. Tuy nhiên, phương án tháo dỡ này đang được đánh giá, chưa được phê duyệt.
Trước đó, UBND quận Ba Đình cũng cho hay hệ khung, cột dầm tầng 18, chưa bị phá đợt này do thiết kế phức tạp, quận chưa tìm được đơn vị tư vấn.
Theo kết luận kiểm tra của Hà Nội từ năm 2015, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm. Công trình được cấp phép xây dựng cao 53 m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19. Tổng chiều cao sau khi cất nóc là 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2.
Tháng 12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lí dứt điểm vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội).