Vì sao Thụy Điển không “sốt sắng” chống dịch Covid-19?

Giới chức Thụy Điển cho rằng họ có những lí do nhất định khi chọn cách chống dịch Covid-19 “mềm mỏng” hơn so với các nước khác tại châu Âu.
Vì sao Thụy Điển không “sốt sắng” chống dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Đường phố Stockholm ngày 1/4 vẫn đông người đi lại bất chấp dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia cảnh báo 5 triệu người có thể mắc Covid-19

Theo Tom Britton, giáo sư về thống kê toán học tại Đại học Stockholm và là chuyên gia nghiên cứu về cách các bệnh truyền nhiễm lây lan trong cộng đồng, Thụy Điển có thể sẽ chứng kiến số ca nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) tăng vọt trong tháng 4.

“Dịch bệnh này (Covid-19) lây lan tới mức hơn một nửa dân số Thụy Điển sẽ bị nhiễm vào cuối tháng 4. Sau đó, quá trình lây nhiễm sẽ không dừng lại, nhưng sẽ chậm lại một chút vào cuối tháng 5 khi 2/3 dân số đã nhiễm bệnh”, Sputnik Giáo sư Britton phát biểu trên đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT hôm 1/4.

Giáo sư Britton tin rằng Thụy Điển có ít nhất 250.000 - 500.000 ca mắc Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong khi đó, số ca nhiễm chính thức được công bố mới chỉ ở mức hơn 6.000 ca, trong khi số ca tử vong là 358, theo Worldometers.

Ông Britton cho rằng tháng 4 là thời điểm những người lớn tuổi và các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao tại Thụy Điển nên ở nhà và tránh tiếp xúc xã hội.

Thụy Điển vốn là quốc gia nổi tiếng với các chương trình phúc lợi xã hội và bảo vệ cộng đồng với mục tiêu hướng đến người dân. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, một số chuyên gia ở cả trong nước và quốc tế đã chỉ trích việc chính quyền Thụy Điển không áp dụng những biện pháp cứng rắn để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.

Mặc dù Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven kêu gọi người dân hành xử “như những người trưởng thành”, và không lan truyền “sự hoảng loạn hay các tin đồn”, song nhiều người trong giới khoa học và y tế tại Thụy Điển vẫn cảm thấy lo ngại.

Tuần trước, đơn thỉnh cầu với chữ kí của hơn 2.000 bác sĩ, nhà khoa học và giáo sư, trong đó có chủ tịch Quỹ Nobel Giáo sư Carl-Henrik Heldin, đã kêu gọi chính phủ Thụy Điển đưa ra các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn.

Một nhóm gồm 14 nhà khoa học cũng đăng một bài bình luận trên báo, đề nghị Cơ quan Y tế Cộng đồng Thụy Điển minh bạch hơn. Họ nghi ngờ sự “bình tĩnh” của Thụy Điển trong khi các nước khác, chẳng hạn Anh, đã “nối gót” các nước châu Âu khác trong việc triển khai các biện pháp phòng dịch mạnh tay hơn.

Vì sao Thụy Điển không “sốt sắng” chống dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Lực lượng vũ trang Thụy Điển dựng bệnh viện dã chiến bên trong trung tâm triển lãm Stockholmsmassan ở Alvsjo để làm nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Stockholm. (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, giới chức Thụy Điển đã bác bỏ những quan ngại trên. Bộ trưởng Y tế Thụy Điển Lena Hallengren khẳng định với các hãng truyền thông quốc tế trong tuần này rằng, không có chuyện Thụy Điển không hành động gì để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Khác với nhiều nước châu Âu, Thụy Điển chưa công bố lệnh phong tỏa toàn quốc. Thay vào đó, Thụy Điển đưa ra các khuyến cáo và kêu gọi mỗi người dân phải sống “có trách nhiệm” và tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền.

Phát biểu bên cạnh Phó Thủ tướng Isabella Lovin và Ngoại trưởng Ann Linde tại cuộc họp báo đặc biệt với các hãng truyền thông quốc tế, Bộ trưởng Hallengren nhấn mạnh rằng, Thụy Điển đã đưa ra hàng loạt biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19 và sẵn sàng triển khai thêm các biện pháp khác nếu cần thiết.

Những người già trên 70 tuổi và những người thuộc các nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao được chính phủ Thụy Điển đề nghị tránh tiếp xúc với những người khác. Trong khi đó, các trường học được khuyến khích dạy học từ xa.

Các biện pháp kinh tế cũng được thực thi để giảm bớt chi phí nếu người lao động nghỉ phép. Chính phủ cũng nhiều lần đề nghị người dân làm việc tại nhà và tự cách li nếu phát hiện các triệu chứng nhiễm bệnh, dù là nhỏ nhất.

Một trong số các biện pháp cứng rắn được chính phủ Thụy Điển áp dụng là lệnh cấm tụ tập quá 50 người, đồng thời hạn chế các chuyến thăm tới viện dưỡng lão.

Các bộ trưởng Thụy Điển khẳng định những khuyến cáo được đưa ra đã mang lại hiệu quả đáng kể. Số người dân ra đường ít hơn, trong khi có tới 1/3 người Stockholm đang làm việc ở nhà.

Tuy vậy, ngược lại với phần lớn các nước châu Âu và những nước láng giềng, các nhà hàng, trường tiểu học tại Thụy Điển vẫn mở cửa. Mặc dù các tuyến đường ở Stockholm, nơi được xem là tâm dịch tại Thụy Điển, ít đông đúc hơn so với ngày thường, song vẫn chưa vắng vẻ đến mức trở thành thành phố ma như ở một số nước khác.

Cách tiếp cận gây tranh cãi

Vì sao Thụy Điển không “sốt sắng” chống dịch Covid-19? - Ảnh 3.

Người dân tập thể dục tại một công viên ở Stockholm ngày 1/4. (Ảnh: Reuters).

“Tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình, với hàng xóm và với cộng đồng địa phương của mình. Điều này đã được áp dụng trong bối cảnh bình thường, và vẫn được áp dụng trong bối cảnh khủng hoảng”, Ngoại trưởng Linde nói, đồng thời nhấn mạnh lòng tin của người dân là chìa khóa then chốt cho chiến lược của Thụy Điển.

Cho đến nay, cách tiếp cận của Thụy Điển dường như đã nhận được sự ủng hộ từ người dân. Kết quả cuộc khảo sát do hãng phân tích Novus công bố hồi đầu tuần cho thấy niềm tin của người dân vào chính phủ Thụy Điển tăng lên đáng kể trong tháng 3, với 44% những người được hỏi nói rằng họ có nhiều niềm tin hoặc niềm tin rất lớn vào Thủ tướng Stefan Lofven, trong khi trước đó tỷ lệ này chỉ là 26% hồi tháng 2.

Các cơ sở y tế tại Thụy Điển cũng ghi nhận sự thiếu hụt về trang thiết bị do dịch Covid-19, song cho đến nay vẫn chưa rơi vào tình trạng quá tải như Italia và Tây Ban Nha.

Mặc dù vậy, Stockholm vẫn lên kế hoạch mở bệnh viện dã chiến đầu tiên vào cuối tuần này khi số ca mắc Covid-19 đang tăng lên tại thủ đô.

Trao đổi với AFP, Ngoại trưởng Linde thừa nhận bà nhận được nhiều nghi vấn từ những người đồng cấp nước ngoài về phản ứng của Thụy Điển với dịch Covid-19. Tuy nhiên, bà Linde khẳng định một phần dẫn tới những nghi vấn đó là do các nước chưa có đủ thông tin về Thụy Điển.

Ngoại trưởng Linde nói rằng, chính phủ Thụy Điển cũng có “chung mục tiêu như mọi chính phủ khác” trong việc kiểm soát dịch bệnh. Sự khác biệt duy nhất ở đây là phần lớn các biện pháp của Thụy Điển không mang tính ràng buộc về pháp lý.

Theo bà Linde, sự khác biệt trên xuất phát một phần từ truyền thống chính trị tại Thụy Điển khi các bộ thường thực hiện theo khuyến nghị của các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, người dân Thụy Điển thường đặt niềm tin rất lớn vào các chính trị gia và các nhà chức trách.

“Tuy vậy, các chính trị gia và các nhà chức trách cũng tin tưởng rằng người dân sẽ sống có trách nhiệm”, Ngoại trưởng Thụy Điển nói.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.