Vì sao xe buýt TP HCM năm 2020 cần đến hơn 1.300 tỉ đồng từ ngân sách?

Dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt tại TP HCM năm 2020 được đề xuất 1.311 tỉ đồng, tăng 161 tỉ đồng so với mức dự toán được thẩm định trước đó.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa có văn bản gửi Sở Tài chính TP đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 thêm 161 tỉ đồng, nâng lên 1.311 tỉ đồng (làm tròn), sau khi cập nhật lại hoạt động của toàn hệ thống.

Theo Sở GTVT, trước diễn biến liên tục thay đổi về phương án tổ chức hoạt động vận tải cùng việc thích ứng, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, hoạt động của xe buýt cũng được thay đổi và điều chỉnh.

Trong đó, Sở GTVT cho biết số chuyến hoạt động trên các tuyến xe buýt năm 2020 được cân đối, cập nhật phù hợp với tình hình dịch Covid-19 và giai đoạn phục hồi đến cuối năm. Việc này nhằm hạn chế tối đa những phát sinh làm ảnh hưởng đến 4,5 triệu chuyến xe tối thiểu để đảm bảo hoạt động ổn định.

Vì vậy với xe buýt phổ thông, Sở GTVT cho biết trên cơ sở 4,5 triệu chuyến xe nêu trên, sau khi cập nhật giá nhiên liệu và tính toán sản lượng, doanh thu (với tỉ lệ tăng trưởng kỳ vọng bình quân 10% so với năm ngoái), tổng dự toán chi trợ giá cho xe buýt phổ thông năm nay là 1.178 tỉ đồng (làm tròn).

Vì sao xe buýt TP HCM năm 2020 cần đến hơn 1.300 tỉ đồng từ ngân sách? - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của xe buýt tại TP HCM

Trong khi với dự toán chi ngân sách trợ giá cho hoạt động đưa rước học sinh, sinh viên, phí dự phòng do phát sinh biến động giá nhiên liệu, tiền lương..., mức dự toán mới mà Sở GTVT đưa ra giảm 83 tỉ đồng so với thẩm định của Sở Tài chính trước đó, còn lại là 110 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo Sở GTVT, dịch Covid-19 vừa qua đã tác động lớn đến hệ thống xe buýt, khiến khối lượng vận chuyển hành khách không thể thực hiện đủ theo kế hoạch. Vì vậy trong giai đoạn bị ảnh hưởng, Sở GTVT đề xuất hỗ trợ cho các đơn vị vận tải xe buýt tổng cộng hơn 22,5 tỉ đồng.

Sau khi rà soát toàn bộ các vấn đề nêu trên, có những mục giảm và mục tăng, vì vậy Sở GTVT cập nhật lại tổng dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt tại TP HCM năm 2020 phải bổ sung thêm 161 tỉ đồng, tức tăng lên 1.311 tỉ đồng. Sở GTVT kiến nghị Sở Tài chính thẩm định thống nhất dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 theo mức mới cập nhật, qua đó báo cáo UBND TP xem xét bổ sung dự toán chi ngân sách thêm 161 tỉ đồng cho trợ giá xe buýt năm nay.

Vì sao xe buýt TP HCM năm 2020 cần đến hơn 1.300 tỉ đồng từ ngân sách? - Ảnh 2.

Trung bình các năm qua, TP HCM cấp ngân sách khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm trợ giá cho xe buýt

Sở GTVT cũng nêu vấn đề nếu dự toán ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 vẫn ở mức 1.150 tỉ đồng như giao dự toán trước đó thì hệ thống xe buýt chỉ hoạt động đến khoảng giữa tháng 11, hoặc phải giảm xuống còn 85% số chuyến theo kế hoạch giai đoạn từ ngày 1/7 đến 31/12 năm nay (trong đó phải ngưng một số tuyến).

Vấn đề này Sở GTVT nhận định sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của người dân, nguy cơ phá vỡ tính liên thông và mạng lưới tuyến, tác động đến hoạt động của những tuyến xe buýt còn lại...

Trung bình các năm qua, TP HCM cấp ngân sách khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm để trợ giá cho hoạt động xe buýt nhằm thu hút người dân sử dụng, giảm xe cá nhân.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.