Vì tính mạng cả trăm học sinh, cấm đưa các em qua sông bằng đò cũ nát

Lãnh đạo huyện Bình Giang, Hải Dương khẳng định sẽ cấm tuyệt đối người dân chở học sinh vượt sông bằng đò cũ nát trong thời gian chờ phương án cuối cùng. 
vi tinh mang ca tram hoc sinh cam dua cac em qua song bang do cu nat
Để tránh nguy cơ mất an toàn, chính quyền khuyến cáo người dân nên đưa học sinh đi học bằng đường bộ. Ảnh: Đình Tuệ.

Không được đưa đò khi chưa cấp phép

Sáng 24/4, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Vũ Văn Nguyên – Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bình Giang liên quan đến sự việc hàng loạt học sinh phải vượt sông đi học trên những con đò cũ nát ở thị trấn Kẻ Sặt.

Ông Nguyên cho biết, thực tế đây không phải là bến đò đúng nghĩa vì chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Một số hộ dân sống ở khu 5 tự bỏ tiền đóng đò nhưng đã cũ nát rồi chở học sinh qua sông đi học.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng cũng thông tin, từ thời điểm cách đây vài tháng, lãnh đạo UBND huyện Bình Giang cùng với đại diện chính quyền thị trấn Kẻ Sặt và bà con nhân dân đã có buổi họp bàn. Theo đó, huyện sẽ nhận hỗ trợ số tiền 70 triệu đồng kinh phí nếu được phép đóng đò mới cho bà con qua sông.

“Về phương án sắm đò mới cho bà con, chúng tôi vẫn đang chờ Cục Quản lý phương tiện của Sở GTVT Hải Dương gửi mẫu thiết kế. Để cho ra được mẫu thiết kế phù hợp, cơ quan chức năng phải khảo sát tình hình thực tế của khúc sông đó như thế nào, rộng hẹp ra sao thì mới có phương án cụ thể. Được biết, khúc sông mà các cháu học sinh hay đi chỉ rộng khoảng 50m, sắm thuyền lớn quá có thể gây lãng phí”, ông Vũ Văn Nguyên cho hay.

Một số em học sinh dù được phát áo phao nhưng vẫn phải phải qua sông bằng đò cũ nát. Ảnh: Đình Tuệ.

Bên cạnh đó, vị đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng cũng khẳng định, UBND huyện yêu cầu lãnh đạo thị trấn Kẻ Sặt tuyên truyền và có biện pháp ngăn chặn các chủ đò đưa học sinh qua sông bằng đò cũ nát. Có như vậy mới giảm thiểu được các nguy cơ mất an toàn khi học sinh qua sông trong khi chờ cấp có thẩm quyền có phương án mới.

Học sinh mặc áo phao trên đò cũ nát

Đến thời điểm trưa ngày 24/4, Trường Tiểu học Kẻ Sặt đã phát khoảng 20 bộ áo phao cho học sinh ở khu 5 thuộc thị trấn để qua sông.

vi tinh mang ca tram hoc sinh cam dua cac em qua song bang do cu nat
Trưa ngày 24/4, các em học sinh khu 5 mới được mặc áo phao qua sông nhưng vẫn trên đò cũ nát. Ảnh: Đình Tuệ.

Ông Vũ Xuân Nhiệm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường đã chỉ đạo rất nhiều biện pháp để học sinh không phải đi đò. Trường có hẳn một xe ô tô riêng chuyên chở học sinh. Toàn bộ khu 5 có 104 học sinh thì chỉ khoảng 50 – 60 em là hay đi đò qua sông. Do điều kiện kinh tế và thói quen của người dân tại khu vực này nên họ hay đưa cả con em qua sông để sang trường từ nhiều năm nay”.

Đồng thời, ông Nhiệm cũng giải thích, việc phát áo phao cho học sinh lần này hoàn toàn là từ nguồn xã hội hóa của nhà trường kết hợp với phía phụ huynh và một số nhà hảo tâm. Hơn nữa, do hai xe ô tô khả năng chở không hết học sinh, nhà trường đã phát áo phao cho các em để nếu khi đi thuyền các em có thể mặc vào cho an toàn.

“Chúng tôi cũng chỉ đạo quyết liệt là các học sinh phải đi ô tô hết. áo phao do bên trường cấp, xã hội hóa, giúp các con. Vì chưa có đò mới nên áo phao cũng chưa phải an toàn, về lâu dài các em phải đi ô tô. Nhà trường cũng động viên vận động bà con khu 5 trước, những hộ gia đình nào không có ô tô phải đi xe máy đưa các em đến trường”, vị hiệu trưởng thông tin thêm.

vi tinh mang ca tram hoc sinh cam dua cac em qua song bang do cu nat
Các em học sinh lên đò về nhà trưa 24/4. Ảnh: Đình Tuệ.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Cao Thị H. (64 tuổi, ở khu 5) băn khoăn: “Nhà tôi có hai cháu học tại Trường Tiểu học Kẻ Sặt. Hôm nay về thấy cháu khoe được nhà trường tặng áo phao cho tôi cũng mừng.

Tuy nhiên về lâu dài, bà con chỉ mong chính quyền quan tâm để đóng hẳn một con đò mới vững chãi hơn cho các cháu đi học được an toàn. Chi phí thuê ô tô mỗi tháng 250.000 đồng/cháu cũng là khó khăn với hộ nghèo như tôi”.

Cùng ý kiến trên, chị Đào Thị T. (34 tuổi, trú tại khu 5) cũng lo lắng nói: “Liệu rằng đối với các hộ khó khăn, nhà trường có miễn phí hoặc giảm một phần tiền xe ô tô đưa đón các em học sinh đến trường hay không? Nhà tôi chỉ làm nghề sông nước thu nhập bấp bênh, nuôi ba đứa ăn học lại thêm tiền xe ô tô mỗi tháng hết hơn 500.000 đồng nữa cũng là cả vấn đề”.

Học sinh nên đi đường bộ đến trường

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Long, Trưởng Công an huyện Bình Giang cho biết: "Lãnh đạo UBND huyện đã giao cho các phòng ban chức năng và lực lượng Công an phối hợp giám sát, xử lý quyết liệt các vi phạm về quản lý bến đò ngang.

Ở địa bàn khu 5, đây là bến đò tự phát, người dân tự ý đưa học sinh qua sông đi học và bà con đi chợ. Công an huyện đã phối hợp với Công an thị trấn Kẻ Sặt lập biên bản đối với các chủ đò không tuân thủ theo bản cam kết đảm bảo an toàn khi chở đò qua sông".

vi tinh mang ca tram hoc sinh cam dua cac em qua song bang do cu nat Thông tin bất ngờ vụ học sinh phải vượt sông bằng đò cũ nát

"Về chủ trương, huyện cấm tuyệt đối việc người dân tự ý đưa học sinh qua sông bằng đò vì đây chưa được cấp phép. Muốn có đò mới thì điều đầu tiên là khu vực này phải được cấp phép hoạt động bến bãi.

Thời gian như thế nào còn phải phụ thuộc bên Sở GTVT quyết định. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo bà con nên đưa con em mình đi học bằng đường bộ, dù có xa hơn khoảng 1 km nhưng đảm bảo an toàn", ông Long nhấn mạnh thêm.

Sở GTVT hỗ trợ áo phao nhưng nhiều tháng vẫn chưa tới tay học sinh

Trước đó khi trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Long - Giám đốc Sở GTVT Hải Dương khẳng định, từ 3 - 4 tháng trước, đơn vị này đã phát khoảng 40 bộ áo phao hỗ trợ cho địa phương để các em học sinh khu 5, thị trấn Kẻ Sặt mặc khi đi đò được an toàn. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số chủ đò tại đây thì tới thời điểm trước ngày 23/4, họ vẫn chưa nhận được bất cứ áo phao nào.

Còn việc Trường Tiểu học Kẻ Sặt phát áo phao cho học sinh vào ngày 24/3 hoàn toàn là từ nguồn xã hội hóa chứ không phải của Sở GTVT Hải Dương phát cho. Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã cố gắng liên hệ trực tiếp và đặt lịch làm việc tại văn phòng UBND thị trấn Kẻ Sặt từ nhiều ngày nay.

Đến trưa ngày 24/4, ông Lê Thọ Dương - Chủ tịch UBND thị trấn vẫn chưa đồng ý gặp để trao đổi với chúng tôi. Tiếp tục liên hệ với ông Phạm Hữu Lâm - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt, vị này cho biết mình không nhận được sự ủy quyền phát ngôn từ Chủ tịch nên không thể cung cấp thông tin cho chúng tôi.

vi tinh mang ca tram hoc sinh cam dua cac em qua song bang do cu nat Hàng trăm học sinh vượt sông đi học trên những con đò cũ nát

Ngày ngày, hàng trăm học sinh (ở Khu 5, thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang, Hải Dương) phải ngồi trên những con đò cũ nát, ...

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.