Khái niệm thực phẩm biến đổi gen còn xa lạ với các bà nội trợ thông thường
Mỗi lần đi mua đậu phụ về tôi lại tự hỏi: Chẳng hiểu cái giống đỗ tương này, có phải thực phẩm biến đổi gen hay không. Mua ngô, cũng không còn giống ngô ta như cũ, bắp nhỏ, non ngọt rượt những mùa đông. Giờ chỉ còn những giống ngô kỳ lạ. To, ngọt như đường và ăn một bắp là no căng.
Người tiêu dùng giờ đây vẫn còn chưa hiểu nhiều lắm về thực phẩm GMO - tức là thực phẩm biến đổi gen. Đây là loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng, động vật chuyển gen, thực phẩm công nghệ sinh học (CNSH). Không thể phủ nhận về phương diện kinh tế mà những loài biến đổi gen mang lại, nhưng việc sử dụng chúng có ảnh hưởng cho cơ thể con người hay không, giờ vẫn còn đang tranh cãi.
Thị trường nông nghiệp Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư GMO. Đơn cử với ngô: Hiện nay xu thế chạy đua các giống ngô GMO phát triển quá mạnh, không chỉ hãng Bioseed (thuộc tập đoàn DCM Shriram Ấn Độ) với số vốn lên tới 1 tỷ đô la trải rộng khắp châu Á như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philipines, Indonesia… mà còn bị bỏ xa khi Monsanto, Syngenta xuất hiện và tung các giống GMO khác cạnh tranh.
Khi ở các nước khác, thực phẩm đề rõ: “Non – GMO” (không biến đổi gen) để người mua hàng có thể an tâm, thì ở Việt Nam, đang trở thành một thị trường béo bở để các hãng GMO trên thế giới tràn vào.
Không thể phủ nhận về phương diện kinh tế mà những loài biến đổi gen mang lại, nhưng việc sử dụng chúng có ảnh hưởng cho cơ thể con người hay không, giờ vẫn còn đang tranh cãi. (Ảnh: Happytrade.org) |
Tại sao việc kiểm nghiệm GMO lại gặp khó khăn?
Theo TS Hoàng Khánh Hòa (đang nghiên cứu sau Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp tại Mỹ): Việc xác định GMO có gây hại có cơ thể con người hay không, còn bị hạn chế bởi sự kiểm nghiệm quá phức tạp và khó khăn. “Các nghiên cứu liên quan đến GMO và đặc biệt là nghiên cứu về tính an toàn của GMO vấp phải một “hòn đá tảng” lớn, đó là quyền sở hữu trí tuệ mà các công ty giống GMO lớn như Monsanto, Syngenta đang được bảo hộ và sử dụng triệt để để hạn chế các nghiên cứu không có lợi cho họ”. Nếu bạn muốn làm một nghiên cứu liên quan tới GMO, như một giống ngô nào đấy, không đơn giản là ra thị trường mua hạt giống đó về trồng và làm thí nghiệm theo ý mình, dù giống ngô đó đã bán trên thị trường.
Trên thực tế, các nhà khoa học khi thực hiện thí nghiệm và nghiên cứu các giống GMO đều phải xin phép các công ty sản xuất ra chúng, trong trường hợp này là Monsanto. Công ty sẽ xem xét và quyết định có cho phép bạn sử dụng giống cây của họ để thí nghiệm hay không, lấy lý do là để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, tránh bị ăn cắp giống!
Hiện thời, thực phẩm ghi rõ GMO trên bao bì còn đang nhập nhằng, còn thực phẩm được khẳng định Non – GMO sẽ tạo cảm giác an toàn hơn, và bán với giá khá cao. (Ảnh: happytrade.org) |
Thái Lan không nhận, còn Việt Nam nhận!
Hiện tại, công ty CP (Thái Lan) đã có mặt ở Việt Nam, phát triển chỉ sau Bioseed, giờ đây, CP đã bắt tay với Monsanto để sản xuất hạt giống GMO trên đất Việt Nam, mà hướng chính là xuất khẩu.
Mục đích biến Việt Nam trở thành xưởng xuất khẩu GMO, với các nhà máy sản xuất giống trong năm 2017, trong đó công ty CP của Thái Lan đã “ngả vào vòng tay” của Monsanto và gia công trở thành guồng máy chủ đạo. Lưu ý quý vị, người tiêu dùng Thái Lan cũng đang phản đối GMO, nên cửa cho GMO không phải quá nhiều và rộng rãi. Nên trước nhận định Việt Nam dang rộng vòng tay đón GMO, coi đây là cơ hội tốt biến ta thành một trung tâm sản xuất giống GMO cho cả khu vực châu Á; thậm chí, nhấn mạnh đây là thiên thời địa lợi, là thời cơ phải chớp lấy của Việt Nam thì cũng xin vì người tiêu dùng mà thận trọng.
Người ta chỉ mừng, khi điều đó thực sự tốt cho người nông dân, là những người sản xuất, và những người tiêu dùng, đảm bảo được sức khỏe. Hiện tại, GMO đang gây tranh cãi mạnh mẽ trên toàn cầu về sự an toàn hay bất an khi sử dụng GMO. Sự khác nhau giữa tiêu chuẩn chất lượng của từng sản phẩm cũng ít có giám định chuẩn xác, ngay cả ở Mỹ cũng gặp khó khăn này.
Việc suy ngẫm tiếp theo, công ty CP sẽ chuyển toàn bộ việc sản xuất hạt lai truyền thống về Thái Lan, còn Việt Nam, sẽ chuyên dành sản xuất giống GMO. Đây được là thương vụ lớn của CP khi bắt tay Monsanto để sản xuất giống GMO tại Việt Nam.
Giống gây biến đổi gen GMO là bước tiến khoa học lớn của nhân loại, hay là nỗi sợ hãi, điều đó đang gây tranh luận. Chỉ biết, hiện thời, thực phẩm ghi rõ Non – GMO được bán với giá khá cao. Những người đủ điều kiện kinh tế và hiểu biết, họ là khách hàng của Non – GMO. Vậy còn ai sẽ là người tiêu thụ sản phẩm GMO nếu không phải là người nghèo? Việc ghi rõ sản phẩm GMO vẫn chưa được chú trọng, ít nhất để người tiêu dùng biết và tự quyết định sự lựa chọn của mình.
Tóm lại, trước thông tin Việt Nam trở thành nơi sản xuất giống GMO lớn nhất khu vực, người tiêu dùng Việt Nam đang rất mong mình dư giả kinh tế để có thể mua đồ Non - GMO, đồ hữu cơ organic cho gia đình mình dùng- vốn được coi là sản phẩm dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập khá giả.
Những thực phẩm có giống biển đổi gen được phê duyệt để trồng phổ biến trên thị trường: Ngô, đậu nành, bông cotton, cà chua, canola, củ cải đường, cây linh thảo, đu đủ, bí ngòi, đậu bắp, khoai tây, lúa mì, gạo…
Tác phẩm “Cuộc cách mạng Một – Cọng – Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách đã được dịch ra 25 thứ tiếng không chỉ là trải nghiệm về cách thức nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, y học và cuộc sống. Cuốn sách không nhắc tới một từ nào về GMO nhưng đọc xong, quý vị sẽ tự có sự liên hệ rất thú vị! |