'Việt Nam đưa ASEAN lên bản đồ đầu tư toàn cầu về năng lượng tái tạo'

Năm ngoái, Việt Nam đã đấu nối 9,3 GW công suất điện mặt trời vào lưới điện chung, đồng thời trở thành thị trường điện mặt trời lớn thứ ba thế giới. Kỳ tích mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang thổi bùng sức hút của khu vực ASEAN trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Thành tựu trong tháng cuối năm 2020

Năm ngoái, Việt Nam vừa đạt được một cột mốc mới trong lĩnh vực năng lượng mặt trời: Tính đến ngày 31/12/2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác nhận đã có tổng cộng 9,3 GW công suất điện mặt trời mái nhà hòa vào lưới điện quốc gia.

Cũng cuối năm 2020, Việt Nam còn chạm thêm một kỷ lục mới là tăng công suất điện mặt trời mái nhà lên 8 lần từ con số 378 MW năm 2019.

Đặc biệt, 6 GW trong tổng 9,3 GW công suất mới được lắp đặt vào tháng cuối cùng của năm 2020, khi cơ chế giá FIT (feed-in-tariff) của chính phủ sắp hết hạn. Qua đó, Việt Nam đã trở thành thị trường điện mặt trời lớn thứ ba thế giới năm 2020, ASEAN Post viết.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 2020 được coi là một năm khá ảm đảm cho lĩnh vực năng lượng tại ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng minh được rằng tác động của dịch bệnh với ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, có thể không đáng kể nếu chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát đại dịch và can thiệp chính sách phù hợp.

Chính sách nâng đỡ lĩnh vực điện mặt trời mái nhà của Việt Nam khá khác biệt so với các nước láng giềng ASEAN. Trong khi Malaysia và Thái Lan áp dụng cơ chế bù trừ điện năng sử dụng đồng hồ điện hai chiều (net-metering scheme) và Indonesia chủ yếu tập trung phổ biến điện mặt trời trong khu vực dân cư, thì Việt Nam có cơ chế giá FIT.

'Việt Nam đưa ASEAN lên bản đồ đầu tư toàn cầu về năng lượng tái tạo' - Ảnh 1.

Dự án điện gió Phú Lạc tại tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: AFP).

Theo ASEAN Post, cơ chế giá FIT của Việt Nam mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, khuyến khích họ lắp đặt thêm công suất điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng hoặc bán cho lưới điện quốc gia.

Các dự án điện mặt trời tại Việt Nam không chỉ có sự tham gia của các hộ dân mà còn có cả nhiều khu công nghiệp và nhà đầu tư thương mại. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn khổng lồ và lắp đặt được khoảng 101.000 công trình điện mặt trời mái nhà cho đến nay.

Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam muốn năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong miếng bánh năng lượng đến năm 2030 và thậm chí xa hơn đến năm 2045. Việt Nam sẽ tăng cường công suất truyền tải điện và nâng cấp để vận hành lưới điện linh hoạt hơn, đồng nghĩa rằng công suất điện than sẽ phải giảm đáng kể.

Cụ thể, Việt Nam đặt mục tiêu không xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than mới trong giai đoạn 2026 - 2030; loại bỏ 9,5 GW dự án điện than nhập khẩu; và lùi 7,6 GW điện than sau năm 2030 - 2035. Trong khi đó, điện mặt trời và điện gió dự kiến sẽ chiếm 28% tổng công suất điện vào năm 2030 và tỷ trọng sẽ nâng lên khoảng 41% vào năm 2045.

Tác động của cơn sốt điện mặt trời đối với ngành điện Việt Nam là khá rõ ràng, nhưng điều này có ý nghĩa gì với khối các nước Đông Nam Á?

Việt Nam thổi bùng sức hút đầu tư của ASEAN

Tờ ASEAN Post cho rằng chính Việt Nam đã đưa ASEAN lên bản đồ đầu tư toàn cầu về lĩnh vực năng lượng tái tạo, thành bại giờ đây phụ thuộc vào nỗ lực của toàn khối kinh tế chung.

Đã hai lần trải qua thời kỳ bùng nổ điện mặt, từ cơ chế giá FIT năm 2019 đến chương trình điện mặt trời mái nhà năm 2020, Việt Nam dần trở thành tâm điểm toàn cầu về đầu tư năng lượng tái tạo.

Là thị trường điện mặt trời lớn thứ ba thế giới năm 2020, sức hút của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Cơ hội này có thể mang lại vận may cho ASEAN, Việt Nam đang mở ra cánh cửa để các nước láng giềng nhận nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư quốc tế.

Đông Nam Á đang là khối kinh tế lớn thứ 6 thế giới, do đó nhu cầu điện từ các nguồn tài nguyên bền vững sẽ tăng nhanh. Như vậy, ASEAN cần hàng tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Nếu các nước ASEAN nhanh chóng nhận ra cơ hội mới và xây dựng một thị trường cạnh tranh cũng như phát triển môi trường đầu tư thuận lợi thì thành công của Việt Nam có thể được nhân rộng khắp Đông Nam Á.

Hơn nữa, thành công của Việt Nam trong lĩnh vực điện mặt trời đã tạo cơ hội vàng cho ASEAN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Nếu Việt Nam tiếp tục lắp đặt điện tái tạo với tốc độ như hiện tại, nước ta có thể giúp ASEAN hoàn thành mục tiêu nâng tỷ trọng điện tái tạo trong tổng công suất điện chung lên 23% vào năm 2025.

ASEAN Post nhận xét Việt Nam đang là con hổ mới của khu vực về lĩnh vực năng lượng tái tạo, vượt qua nước tiên phong trước đó là Thái Lan. Năm 2017, tỷ trọng của điện tái tạo trong nguồn cung năng lượng sơ cấp của ASEAN vẫn chỉ loanh quanh ở mức 13,7%.

Theo Triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 6, ASEAN cần bổ sung khoảng 138 GW điện tái tạo trong 5 năm tới, với điện mặt trời chiếm 56% và thủy điện chiếm 22% miếng bánh điện năng chung. 

Để đạt được mục tiêu trên, Đông Nam Á cần khoảng 149 tỷ USD đầu tư bổ sung cho đến năm 2025. Nếu Việt Nam giữ vững tốc độ phát triển điện mặt trời hiện nay, nước ta có thể thu hẹp khoảng cách trong các mục tiêu năng lượng tái tạo của khu vực.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tạo ra động lực lớn cho hệ thống Lưới điện ASEAN, qua đó xây dựng một "giao lộ" mới với Việt Nam là một trung tâm kinh doanh điện năng khác. Hiện tại, Đông Nam Á đang có một giao lộ như vậy, kết nối mạng lưới điện năng của Lào, Thái Lan và Malaysia và dự kiến bổ sung thêm Singapore.

Có thể không lâu nữa, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến mua bán điện tái tạo khác ở Đông Nam Á, bên cạnh Lào, tờ ASEAN Post kết luận.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.